“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng”: Bộ Quốc phòng kiến nghị một số điểm cần sửa đổi
- 11/03/2012
Tại cuộc họp diễn ra ở Hà Nội, Trung tướng Đào Duy Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng báo cáo khái quát về việc thực hiện chính sách người có công trong phạm vi trách nhiệm của quân đội. Theo đó, từ năm 2005 đến 2011, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện xác nhận hồ sơ, giải quyết quyền lợi chính sách cho hàng chục nghìn đối tượng diện tồn đọng sau chiến tranh; giải quyết quyền lợi cho hàng nghìn đối tượng quân nhân, CNVCQP hi sinh, bị thương, bị bệnh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ trong các khâu xét duyệt, xác nhận… Đồng thời tổ chức chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, không để phát sinh tiêu cực và sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong xác nhận, giải quyết chế độ theo đúng quy định và thẩm quyền từng cấp.
Từ thực tiễn sau khi triển khai, Trung tướng Đào Duy Minh nêu ra bất cập, vướng mắc ở một số điểm trong Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005; số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21-6-2007, trong đó chủ yếu mới áp dụng cho thời kỳ kháng chiến; chưa thể hiện động viên, thu hút đối tượng làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Một số trường hợp hi sinh, bị thương trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập…, những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn trong hai pháp lệnh trên chưa phù hợp.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho rằng: Việc xem xét, xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh diện tồn sót đến nay mới lập hồ sơ đề nghị có nhiều vướng mắc. Số này hầu hết tham gia nhập ngũ trước năm 1975, một số tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế từ năm 1976 đến năm 1989; nhiều trường hợp chiến đấu hi sinh, bị thương nhưng không có các loại giấy tờ gốc; một số có giấy tờ làm căn cứ chứng minh bị thương, hi sinh (như danh sách ghi quân nhân hi sinh, bị thương của cấp sư đoàn) nhưng không được xác nhận vì không đủ điều kiện quy định tại Thông tư 25/2007/TT-BLĐTBXH. Trong Thông tư 25 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn diện “mất tin, mất tích không được xem xét, giải quyết”. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thân nhân liệt sĩ tự đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nằm ngoài nghĩa trang; kinh phí đón tiếp thân nhân liệt sĩ cho các đơn vị quân đội chưa có trong Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Vướng mắc, bất cập và kiến nghị sửa đổi
Cũng theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, nguyên nhân vướng mắc và bất cập trong việc thực hiện là do văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện “Pháp lệnh ưu đãi người có công” chưa đồng bộ, thống nhất. Quy định hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình trách nhiệm xác nhận chưa thống nhất, chưa đồng bộ, có nội dung quá đóng, gây khó khăn cho đối tượng; hoặc quá mở, tạo kẽ hở cho phần tử xấu lợi dụng dẫn đến tiêu cực. Việc phân công trách nhiệm thẩm quyền quản lý, tổ chức thực hiện chưa rõ ràng, quy định trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm chưa cụ thể dẫn đến đùn đẩy, đơn thư vượt cấp.
Bộ Quốc phòng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xây dựng Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo hướng sửa đổi toàn diện, có tính kế thừa, phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu động viên, thu hút người tham gia LLVT và làm nhiệm vụ xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới hiện nay. Xây dựng pháp lệnh (mới) nên gắn với cải cách thủ tục hành chính. Nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình xác nhận người có công tại Nghị định của Chính phủ đã được kiểm nghiệm, đã phù hợp thì kế thừa đưa vào Pháp lệnh mới, cần giảm bớt hướng dẫn tại các văn bản dưới Pháp lệnh.
Kiến nghị với Chính phủ cần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho bộ, ngành chức năng dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành đảm bảo khắc phục những vướng mắc, bất cập; đồng bộ, thống nhất, đầy đủ và toàn diện để thực hiện được ngay sau khi ban hành Pháp lệnh.
Kiến nghị Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh phù hợp với thực tiễn quân đội, nên ban hành Thông tư liên bộ như trước đây về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.