Về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: Đảm bảo vị thế công đoàn

Ngày 21.5, Quốc hội khoá XIII khai mạc kỳ họp thứ ba và sẽ xem xét, thảo luận, thông qua Luật Công đoàn (CĐ) sửa đổi - đây là đạo luật không chỉ chi phối hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những NLĐ, mà còn liên quan trực tiếp đến thể chế chính trị nước ta.

PV Báo Lao Động đã phỏng vấn TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - để làm rõ thêm một số nội dung của DT Luật CĐ sửa đổi tạo hành lang pháp lý cho CĐ hoạt động.

Về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch:  Đảm bảo vị thế công đoàn

(Ảnh: Theo Báo Lao động)

Thưa ông, quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật Công đoàn, có người cho rằng Công đoàn không phải chủ thể duy nhất có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, mà các cơ quan, tổ chức khác cũng có trách nhiệm này. Quan điểm của ông thế nào?

- Dự thảo (DT) Luật Công đoàn sửa đổi có  đưa một phương án  quy định về địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn như sau: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động... đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội  chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...”.

Với quy định như trên, có nghĩa Công đoàn là tổ chức duy nhất “đại diện” cho người lao động, và vấn đề này đã được xác định rõ tại kết luận số 09-KL/TW ngày 16.9.2011 của Bộ Chính trị. Còn các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thì không đại diện mà cùng nhau chăm lo cho người lao động. Đây chính là tinh thần tương thân tương ái, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Thưa ông, hiện nay đại bộ phận người lao động tập trung ở khu vực ngoài nhà nước, nơi mà quan hệ chủ - thợ bất bình đẳng diễn ra ngày càng rõ nét, người lao động luôn bị rơi vào thế yếu. Vậy, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã có đủ những quy định để tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn đại diện bảo vệ người lao động?

- Nhìn chung, Dự thảo (DT) Luật Công đoàn đã đề cập đầy đủ các vấn đề cốt lõi như địa vị pháp lý của Công đoàn; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn; thời gian hoạt động Công đoàn; bảo đảm về tổ chức và cán bộ; bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn; bảo đảm cho cán bộ Công đoàn; quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên... Đáng nói, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi  đã bổ sung các quy định tăng cường nguồn lực về nhân sự và tài chính cho Công đoàn: Về nhân sự, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã đưa ra quy định về cán bộ Công đoàn chuyên trách tại Doanh nghiệp do Công đoàn trả lương, làm cho tổ chức Công đoàn độc lập hơn khi thực hiện chức năng bảo vệ người lao động.
Về tài chính, Dự thảo Luật Công đoàn nêu 2 phương án để chọn, đó là kinh phí Công đoàn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương thực trả cho người lao động, hoặc 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tóm lại, ở đây còn 3 vấn đề cần bàn: Thứ nhất, Dự thảo Luật CĐ sửa đổi đã xác lập địa vị pháp lý để tổ chức Công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, còn việc Công đoàn bảo vệ người lao động thế nào thì phải có “thước đo” cụ thể, ví dụ: doanh nghiệp thường xuyên tăng ca trái luật thì Công đoàn phải có văn bản yêu cầu thanh tra lao động vào cuộc.
Hai là, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn bảo vệ người lao động, nhưng Công đoàn của ta không đối kháng với người sử dụng lao động, mà hợp tác để xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Ba là, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã tạo sự bình đẳng giữa tập thể người lao động do Công đoàn đại diện với người sử dụng lao động, nhưng có thật sự bình đẳng hay không phụ thuộc chủ yếu quan hệ  giữa Công đoàn với người sử dụng lao động. Ở đâu cán bộ Công đoàn có bản lĩnh và người sử dụng lao động coi người lao đ là vốn quý, thì doanh nghiệp phát triển bền vững. Còn nơi nào mua bán sức lao động kiểu “tiền trao, cháo múc” thì quan hệ lao động không ổn định.
Tóm lại, việc  Quốc hội khoá XIII thông qua Luật Công đoàn sửa đổi là rất cần thiết nhằm đảm bảo vị thế của công đoàn trong quan hệ lao động, vừa phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, lại đáp ứng được yêu cầu xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!

 
Dương Minh Đức/laodong.com.vn