Ủy ban Thường vụ thảo luận về dự thảo Luật giáo dục đại học
- 23/03/2012
Thảo luận về Dự thảo Luật giáo dục đại học tại phiên họp chiều ngày 22/3/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung vào một số vấn đề sau: mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở GDĐH; quyền tự chủ của cơ sở GDĐH; xã hội hóa và vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở GDĐH tư thục; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; giảng viên và cán bộ quản lý …
Ảnh: Lao động
Về phân tầng đại học
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo luật trình lần này đã bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định việc phân tầng cơ sở GDĐH được thực hiện theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, Chính phủ sẽ quy định chi tiết tại các văn bản dưới luật về tiêu chí phân tầng cơ sở GDĐH và ban hành chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ phù hợp với vị trí, vai trò và năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Để chủ động xây dựng một số cơ sở GDĐH thuộc tầng cao nhất, dự thảo luật cũng chỉnh sửa khoản 2, Điều 10 quy định Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí cao với sự cần thiết phải quy định về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở GDĐH.
Đồng ý với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc phân tầng đại học là xu thế tất yếu, cần thiết thể hiện rõ ràng trong luật. Theo Phó Chủ tịch, quy định này tạo điều kiện phát triển cho các đại học đầu tàu, là động lực cho các trường đại học; việc phân tầng cần trên cơ sở quy hoạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng tán thành với lập luận của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng hệ thống cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú những chưa có sự ổn định thống nhất. Để có thể quản lý được, cần thiết phải liệt kê đầy đủ các loại hình cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cần có quy định cụ thể liên quan đến tiêu chí để phân tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng.
Đối với đại học Quốc gia, đa số các đại biểu đều thống nhất giữ nguyên tên gọi của đại học Quốc gia. Đồng thời, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định nhằm đề cao vị trí, vai trò của đại học quốc gia. Mặt khác, các ý kiến này cũng đề nghị nâng quyền tự chủ của đại học quốc gia lên mạnh mẽ hơn.
Về kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc Hội, dự thảo mới đã chỉnh sửa khoản 3 Điều 34 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ của GDĐH; yêu cầu tối thiểu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra của GDĐH; bổ sung tại khoản 3 Điều 50 trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH, chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH và chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH. Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, Điều 48 dự thảo luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc đảm bảo chất lượng GDĐH.
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, việc này cần có lộ trình thực hiện và có những nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng. Các đại biểu cũng đề nghị có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng …
Về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học
Đa số các thành viên Ủy ban thường vụ đều tán thành với việc quy định để các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cứ để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, phát triển phù hợp với quy mô. Không nên tồn tại chuyện hàng năm các trường cứ phải đi xin chỉ tiêu tuyển sinh. Tất nhiên theo Phó Chủ tịch, giao quyền tự chủ thì phải đi đôi với quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, về việc kiểm định chất lượng.
Tán thành quy định giao tự chủ về tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có lộ trình trong việc trao quyền tự chủ, không phải đồng loạt cùng trao quyền tự chủ cho tất cả các trường. Theo Phó Chủ tịch, hiện nay, thực trạng chất lượng các trường đại học của Việt Nam chưa đồng đều, có nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, nếu đồng loạt giao ngay quyền tự chủ cho các trường là chưa hợp lý và chỉ nên cơ sở nào đạt tiêu chuẩn rồi mới giao.
Nhiều ý kiến không tán thành với quy định giao quyền tự chủ trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học. Lý giải cho ý kiến này, các đại biểu cho rằng, thị trường lao động nước ta hiện nay phát triển chưa đủ mạnh để có thể tự điều tiết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng. Vì vậy, thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với điều kiện hiện nay.
Về trình độ của giảng viên
Thực tế hiện nay, tỉ lệ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học có trình độ thạc sĩ trở lên chưa đến 50%. Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao trình độ giảng viên đại học hơn nữa và trình độ giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo. Do đó, đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng nên cho các trường tuyển làm giảng viên những sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi, loại ưu tú trong và ngoài nước, sau đó đào tạo lên thạc sĩ rồi tiến sĩ. Nếu quy định quá cứng giảng viên phải là thạc sĩ thì các trường không thể tuyển được đủ đội ngũ tạo nguồn kế cận sau này … Bộ trưởng đề nghị cho phép các trường được tuyển giảng viên tốt nghiệp ĐH trở lên, còn chuẩn để được đứng trên bục giảng phải phấn đấu trên trình độ này.
Thảo luận về vấn đề này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp cho rằng, “Dự thảo luật này quy định có chuẩn của giảng viên đại học, nhưng khi tuyển chọn thì người đạt chuẩn lại được ưu tiên tuyển dụng. Như vậy khi luật này ra đời vẫn có những người đạt chuẩn và không đạt chuẩn. Khi đã đạt chuẩn thì bất cứ ai tuyển dụng cũng phải đạt chuẩn trở lên. Còn những ai đã tuyển mà không đủ điều kiện, không đủ chuẩn thì cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng”.
Tổng hợp