Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế

Sáng ngày 20/3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật mới sửa đổi, bổ sung 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành. Trong đó, 3 nhóm vấn đề lớn với 21 nội dung được đề xuất sửa đổi với mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế; đồng thời tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế…

Nhóm vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian làm thủ tục “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” được rút ngắn từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Dự thảo Luật Sửa đổi Điều 60 về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế để đáp ứng nội dung này, theo đó đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” thời hạn hoàn thuế giảm từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế.

Nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế, dự thảo luật bổ sung Nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế; cơ chế Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá; quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu và mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước đã ký.

Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, dự thảo luật do Chính phủ trình đã bổ sung Khoản 4 Điều 92 (Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế) để cho phép người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn 12 tháng nhưng vẫn phải tính lãi chậm nộp tiền thuế trên cơ sở cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của ngân hàng thương mại. Các trường hợp được phép nộp dần tiền thuế thì chưa phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục và thẩm quyền quyết định. Bổ sung Điều 65 cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan… Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, nhiều quy định trong Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể; nhiều nội dung quan trọng còn giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật; cả Luật Quản lý thuế hiện hành và Dự thảo Luật còn thiếu các quy định bảo đảm cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt những sai phạm trong việc trốn thuế và chậm nộp thuế. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là tương đối thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu. Đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm trong Luật Quản lý thuế hiện hành một số nội dung về khoán thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế; khai thuế, đăng ký thuế; ấn định thuế; cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có các ý kiến thảo luận về một số vấn đề sau.

Về xử lý vi phạm thuế

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, cần đẩy cao các chế tài xử lý vi phạm về trốn thuế, khai thiếu thuế, mức phạt phải trên mức cho vay mới đủ sức răn đe. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng ý với quan điểm này và đưa ra phương án lấy lãi suất ngân hàng hiện hành cộng với một tỷ lệ phù hợp làm căn cứ tính mức phạt, vì nếu đưa ra mức “cứng” là 0,1%/ngày có thể sẽ lạc hậu khi lãi suất ngân hàng thay đổi.

Cũng trong nội dung xử lý vi phạm về thuế, mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Cơ quan thẩm tra cũng đã đề nghị nâng mức phạt này lên gấp đôi.

Tuy nhiên, cân nhắc toàn diện vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cảnh báo: “Nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và ngăn ngừa việc đó là rất khó”.

Về điều kiện xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Dự án Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn quá nhiều điểm, nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định những vấn đề về chính sách quản lý thuế, đặc biệt là nội dung quan trọng như quy định về xóa nợ thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, cần phải thận trọng khi áp dụng quản lý thuế theo cơ chế rủi ro và phải tăng cường công tác kiểm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, tại dự án luật điều kiện xóa nợ còn lỏng lẻo, khi chỉ có hai điều kiện là đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và đã quá 10 năm. Theo ông Lý, nếu không quy định gia cảnh, tài sản, nhân thân thì có thể có sự móc nối để kéo dài thời gian nộp thuế, vì “cứ quá 10 năm là thoát”. Theo ông, cần quy định tiêu chí, điều kiện để xóa nợ cụ thể hơn ngay trong luật này.

Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ông Hiện yêu cầu xác định rõ cấp có thẩm quyền xóa nợ và số nợ tối đa cấp đó được quyết định xóa, nên quy định trường hợp rủi ro trong Luật này, đồng thời phải có điều giải thích thế nào là rủi ro trong quản lý thuế để tránh lạm quyền. Việc xóa nợ tiền thuế trong Luật cần quy định chặt chẽ tiêu chí quản lý, điều kiện xóa nợ, phân quyền việc xóa nợ như thế nào?

Về quy định hiện đại hóa quản lý thuế

Theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống Thuế, Hải quan. Trong xu thế hội nhập, việc đề ra mục tiêu hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản lý thuế là cần thiết.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người nộp thuế trong áp dụng thuế  điện tử; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hữu quan để ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thuế khi Nhà nước đã đầu tư nguồn lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống Thuế, Hải quan là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên cần phải quy định rõ đối với đối tượng người nộp thuế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh việc thực hiện thu thuế điện tử là biện pháp cơ bản nhất hạn chế những tiêu cực và chống thất thu thuế. Do đó, Ban soạn thảo Luật cần tính đến yếu tố này để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu phát triển.

Ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ đối với một số vấn đề như thái độ, trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan thu thuế và hiện đại hóa. Tất cả các vấn đề sửa đổi, bổ sung đều đã được bàn thảo kỹ, nhằm quản lý tốt nhất và hạn chế những vi phạm từ phía người nộp thuế cũng như cán bộ thuế.

Về vấn đề tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp

Cũng để quản lý chặt hơn việc kê khai, nộp thuế, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Dự thảo Luật sửa đổi quy định kiểm tra tại đơn vị nộp nhưng chỉ 1 năm một lần (luật hiện hành chỉ quy định kiểm tra thuế của cá nhân, đơn vị, tổ chức tại cơ quan thuế) chứ không phải thường xuyên để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý rằng sai phạm không chỉ xảy ra ở người nộp thuế mà cả ở cán bộ thu thuế, do vậy, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tính toán xử phạt trường hợp này.

Về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét hiện cơ bản người làm thuế có trình độ, nghiệp vụ được nâng lên, nhưng có một bộ phận thiếu trách nhiệm, nên Dự thảo Luật sửa đổi cần có quy định về nâng cao trách nhiệm cán bộ thu thuế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật về việc giữ quan điểm cân bằng khi nhìn nhận về đối tượng nộp thuế và thu thuế. “Những người nộp thuế rất đáng trân trọng. Họ không những tự nuôi sống bản thân và gia đình mà còn làm nghĩa vụ với quốc gia, đóng góp cho xã hội. Thuế là kết quả của sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh bao giờ cũng có độ rủi ro của nó. Vì thế, phạt phải nghiêm, nhưng phải thiết kế nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có xem xét những tình huống rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra xem xét, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và đấu tranh với những hình thức gian lận thuế ngay từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Theo ông, các cơ quan phụ trách thu thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Tổng hợp/Dự thảo Online