Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Giá
- 12/04/2012
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn và đề nghị cần làm rõ trong dự thảo Luật Giá là Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và Danh mục tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục thảo luận, rà soát và thống nhất lại hai danh mục kể trên. Giải trình về danh mục bình ổn giá, Nhà nước định giá, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là dần dần thu hẹp các danh mục này. Theo các ý kiến thảo luận, nhiều hàng hóa, dịch vụ chỉ nên để ở danh mục thực hiện bình ổn giá thay vì Nhà nước định giá, tránh tối đa việc can thiệp hành chính vào kinh tế.
Danh mục hàng hóa bình ổn giá
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm nhiều hàng hóa, dịch vụ. Danh mục được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa, dịch vụ trong đời sống sản xuất. Tuy nhiên không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong Danh mục. Cơ quan có thẩm quyền chỉ chọn lựa hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Nếu thị trường ổn định thì có thể không cần áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào. Một số mặt hàng trong danh mục hiện hành như sắt, thép, xi măng đã được bỏ ra khỏi danh mục trong dự thảo luật.
Sắt, thép, xi măng đã được bỏ ra khỏi danh mục hàng hóa bình ổn giá
Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá
Theo dự thảo Luật Giá, danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: Hàng dự trữ quốc gia; Nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà công vụ, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; điện; nước sạch; sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước; dịch vụ kết nối viễn thông; xăng, dầu thành phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh và giáo dục đào tạo tại các cơ sở của Nhà nước; đất đai, rừng…
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong Luật là cần thiết vì đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Việc quy định cụ thể sẽ bảo đảm tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho quản lý và thực thi. Theo đó, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực sự thiết yếu, phục vụ quốc kế dân sinh; căn cứ vào tình hình thực tế, với trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lý giải: “Những mặt hàng trong danh mục Nhà nước định giá được xác định trên nguyên tắc là những hàng hóa, dịch vụ có sử dụng ngân sách Nhà nước (như nhà công vụ); hiện đang được sản xuất hay cung cấp độc quyền (như điện, xăng dầu thành phẩm) hoặc thuộc loại thiết yếu đối với đời sống của người dân”. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí xác định ngay trong Luật.
Một số mặt hàng nên sắp xếp ở danh mục bình ổn giá hơn là ở nhóm Nhà nước định giá
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị rà soát lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Có nhiều hàng hóa, dịch vụ trong số này (như xăng dầu, nước sạch, điện, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa…) chỉ nên để ở danh mục thực hiện bình ổn giá thay vì Nhà nước định giá để đảm bảo tính chất thị trường, tránh tối đa việc can thiệp hành chính vào nền kinh tế.
Xăng dầu, điện nhận được nhiều sự quan tâm
Đối với xăng dầu thành phẩm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết đã có Nghị định 84 về kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường có giám sát quản lý của Nhà nước về giá, do vậy, xăng, dầu cũng không nên đưa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Riêng mặt hàng điện, dịch vụ chuyển tải điện, phân phối điện được quy định trong danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến: “Chúng ta đã thị trường thì nên để thị trường điều tiết. Theo tôi chúng ta cố gắng làm sao tiến đến thị trường về giá điện, giá xăng thì tốt hơn. Nhà nước càng can thiệp vào thị càng khó cho việc huy động xã hội hoá cho mục tiêu phát triển. Cho nên càng hạn chế bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, ba yếu tố căn cứ để ban soạn thảo lựa chọn Danh mục tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá là: dùng nhiều ngân sách nhà nước, có tính độc quyền và có tính thiết yếu phục vụ quốc kế dân sinh.
Do còn nhiều ý kiến trái chiều, phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị rà soát 2 danh mục nêu trên, đặc biệt quan tâm đến hai mặt hàng là điện và xăng dầu để không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định đăng ký giá đối với các mặt hàng thực hiện bình ổn giá là cần thiết, song dự thảo luật cần thể hiện sao cho việc đăng ký giá không trở thành một loại “giấy phép con”, ảnh hưởng đến quyền tự quyết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.