Ủy ban thường vụ Quốc Hội thảo luận dự thảo Luật dự trữ quốc gia
- 11/04/2012
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã bộc lộ một số hạn chế, không theo kịp với những diễn biến thực tiễn cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Pháp lệnh mới chỉ quy định nguồn lực dự trữ quốc gia hình thành từ ngân sách nhà nước, chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia như xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản. Quy định về bố trí chi ngân sách cho dự trữ quốc gia cũng như cơ chế quản lý, điều hành Quỹ Dự trữ quốc gia có nhiều điểm bất hợp lý, đơn cử như phương thức mua bán chưa bảo đảm tính kịp thời, gây khó khăn trong việc luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia hàng năm.
Theo tờ trình dự án luật này của Chính phủ, hoạt động dự trữ quốc gia mang tính đặc thù về mức độ khó khăn trong tác nghiệp, yêu cầu khẩn trương, có lúc gặp nguy hiểm, gần giống với hoạt động an ninh, quốc phòng, do đó cần phải có cơ chế quản lý thích ứng và đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, phương thức thực hiện để bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội. Những vấn đề này cần phải được luật hóa.
Tại phiên họp, nhiều phản biện của thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về dự án Luật Dự trữ quốc gia đã nhận được sự đồng tình. Các thảo luận tập trung vào một số vấn đề sau:
Mục tiêu của dự thảo luật là quá rộng
Dự thảo Luật quy định mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; bình ổn thị trường; ứng phó biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…
Kho gạo dự trữ đảm bảo khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: VnExpress
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, mục tiêu này quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia và chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia. Ủy ban lý giải “trên thực tế, ngay cả ở những nước phát triển, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì nguồn lực dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, không hợp lý. Theo đó, nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia.
Đồng tình với quan điểm trên, phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng mục tiêu mà dự thảo Luật nêu là quá rộng. Ông đề nghị không đưa mục tiêu đảm bảo trật tự xã hội vào Luật và cân nhắc có nên đưa mục tiêu bình ổn thị trường vào hay không?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn về mục tiêu đảm bảo an sinh bởi cho rằng, việc thực hiện sẽ không đạt hiệu quả cao, không khả thi. Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng bày tỏ quan điểm: “Thêm cả an sinh xã hội và bình ổn thị trường vào mục tiêu dự trữ quốc gia là không cần thiết”.
Đề nghị không dự trữ quốc gia bằng tiền
Phạm vi hàng dự trữ quốc gia được quy định tại dự thảo bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền. Một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn rằng, danh mục hàng dự trữ quốc gia quá rộng và chung chung, có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ, tùy tiện trong áp dụng.
Tập trung vào vấn đề có nên dự trữ quốc gia bằng tiền hay không, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị không nên quy định dự trữ quốc gia bằng tiền mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Bởi lý do sau, mục tiêu của dự trữ quốc gia là nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Khi đó chỉ hàng hóa mới đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với mục tiêu của dự trữ quốc gia, khó có thể sử dụng tiền để ứng cứu trong những tình huống này.
Hơn nữa, trong bối cảnh tiềm lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế, việc quy định dự trữ quốc gia bằng tiền sẽ dẫn đến khó phát huy tối đa giá trị đồng tiền, lãng phí nguồn lực và phát sinh phức tạp trong quản lý, sử dụng. Nếu đã dự trữ thì phải là ngoại tệ, dự trữ nội tệ là không hợp lý, ngân sách hạn hẹp, vẫn đi vay mà tự nhiên để một nguồn tiền ở đó là không hợp lý.
Dự trữ tiền mặt là lãng phí nguồn lực
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng ý với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng “ở một mức độ nào đó có thể dự trữ bằng tiền”. Ngoài ra, Cũng có ý kiến cho rằng, để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia cần xem xét bổ sung dự trữ vàng và khoáng sản.
Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận so với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề theo hướng cụ thể hóa và minh bạch hơn nữa cơ chế khuyến khích xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dự trữ quốc gia; điều kiện, trường hợp, trình tự thủ tục, chế độ trách nhiệm trong nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; tiêu chí xác định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhận hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự trữ quốc gia lấy từ một nguồn duy nhất từ ngân sách Nhà nước sẽ không khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động của dự trữ quốc gia. Do vậy, trong điều kiện hiện nay, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia thì cần thiết phải xã hội hóa nguồn lực dự trữ quốc gia, tạo cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách Nhà nước tham gia.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì không nên xã hội hóa tất cả các mặt hàng, vì có những mặt hàng cần được quản lý theo chế độ mật, chỉ nên xã hội hóa một số mặt hàng thiết yếu, cụ thể có thể huy động tại chỗ trong nhân dân, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, cần có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư vào những cơ sở hạ tầng dự trữ quốc gia như: Đầu tư vào kho tàng, bến bãi… “Chỉ cần Nhà nước đưa cho doanh nghiệp các dữ liệu về điều kiện tiêu chuẩn thì doanh nghiệp cũng làm được. Nhà nước sẽ không cần đầu tư kinh phí vào đây, như vậy sẽ tăng được tiềm lực dự trữ quốc gia” Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về thẩm quyền nhập, xuất hàng
Dự thảo quy định Thủ tướng có quyền quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia. Cơ quan thẩm tra cho rằng để tránh tình trạng tập trung quá nhiều trách nhiệm cá nhân cho Thủ tướng, đề nghị việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia ở quy mô lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng không quá cấp bách thì cần được tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.
Về tổng mức dự trữ quốc gia
Liên quan đến tổng mức dự trữ quốc gia, dự thảo quy định: tổng mức dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc tăng dần tổng mức dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng không nên quy định hàng năm vì còn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ… Cũng có ý kiến đề nghị xác định quy mô tổng mức dự trữ quốc gia bằng tỷ lệ nhất định so với GDP.