Uỷ ban Tài chính- Ngân sách tổ chức phiên họp toàn thể lần 5

Từ ngày 25 đến ngày 27-4, tại TP.HCM, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, Quốc hội khóa XIII tổ chức phiên họp toàn thể lần 5. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng các bộ, ngành liên quan.

Uỷ ban Tài chính- Ngân sách tổ chức phiên họp toàn thể lần 5

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Tài chính- Ngân sách

Trong phiên họp này, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách sẽ lấy ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế; dự án Luật giá; cho ý kiến về các dự án luật; công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; đánh giá bổ sung về tình hình thực hiện NSNN năm 2011 và triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2012; phương án phân bổ số thu vượt ngân sách Trung ương năm 2011.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo tóm tắt dự thảo Luật Dự trữ quốc gia và dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế. Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cũng đã đưa ra dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lí Dự án Luật Giá.

Theo đánh giá của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, so với các văn bản pháp luật hiện hành, dự thảo Luật Dự trữ quốc gia và dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế đã cụ thể hoá, bổ sung mới nhiều nội dung, hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lí cho  hoạt động dữ trữ quốc gia và hoạt động quản lí thuế.

Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lí thuế đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hệ thống thuế, hải quan. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, dự thảo Luật Dự trữ quốc gia và Luật Quản lí thuế vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện.

Cụ thể như đối với dự thảo Luật Dự trữ quốc gia cần quy định cụ thể hơn một số nội dung quan trọng, mang tính mấu chốt trong quản lí sử dụng dữ trữ quốc gia như nội hàm chính sách ưu tiên đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù, cơ chế huy động các thành phần kinh tế tham gia, và các tiêu chí: xác định hàng hoá dữ trữ quốc gia, danh mục hàng hoá, chế độ, trách nhiệm…

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế cũng phải có các quy định cụ thể hơn nhằm khắc phục tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế làm thất thoát nguồn thu trong nước.

Nguyễn Huế/Hải Quan Online