Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ Công đoàn về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
- 29/02/2012
Chiều 24-2-2012, tại TPHCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ công đoàn về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng về địa vị pháp lý, điều 10 Hiến pháp và Luật Công đoàn năm 1990 đều khẳng định công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động nên việc Luật Công đoàn sửa đổi phải phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Chiều 24-2-2012, tại TPHCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ công đoàn về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng về địa vị pháp lý, điều 10 Hiến pháp và Luật Công đoàn năm 1990 đều khẳng định công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động nên việc Luật Công đoàn sửa đổi phải phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Luật Công đoàn (sửa đổi) phải được xây dựng phù hợp với quy định hiện hành của Hiến pháp; đồng bộ với Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Luật Công đoàn không chỉ bảo vệ người lao động, tạo an tâm cho người làm công tác công đoàn mà phải làm cho người sử dụng lao động thấy rõ vai trò tích cực của công đoàn và lợi ích khi thành lập công đoàn, nhất là trong việc đại diện thương lượng giải quyết các bức xúc liên quan đến người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động.
Theo nhiều đại biểu, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đã quy định rõ hơn quyền của tổ chức công đoàn, nhất là vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động của công đoàn cấp trên ở các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở. Điều này sẽ giúp người lao động ở các doanh nghiệp an tâm hơn khi có chỗ dựa vững chắc. Tuy nhiên để hạn chế việc doanh nghiệp né tránh thành lập công đoàn, nhiều ý kiến cũng đề nghị nên có biện pháp chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, một số cán bộ công đoàn còn đề xuất ngoài quy định về thời gian hoạt động cho đội ngũ cán bộ công đoàn bán chuyên trách, dự thảo luật cần làm rõ, bổ sung quyền lợi của đoàn viên khi gia nhập công đoàn, nhất là quyền sinh hoạt, hội họp, tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức.
Tại Hội thảo nhiều đại biểu tham dự cũng thể hiện sự đồng tình về quy định luật hóa trích nộp kinh phí công đoàn. Trên thực tế trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí này đều phục vụ hoạt động công đoàn, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động không sử dụng vào mục đích nào khác. Thực tế, ở các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ trích nộp kinh phí, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là quan hệ lao động cũng ổn định hơn.