Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Phiên toàn thể lần thứ 4

Ngày 14/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 để tiến hành thẩm tra một số nội dung Ủy ban đang phụ trách nhằm phục vụ cho Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII. Một trong những công việc Ủy ban thẩm tra đó là xem xét dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)trước khi trình Dự án ra Kỳ họp của Quốc hội, dự kiến vào ngày 31/5/2012.

Ngày 14/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 để tiến hành thẩm tra một số nội dung Ủy ban đang phụ trách nhằm phục vụ cho Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII. Cụ thể:

 

Buổi sáng, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành thẩm tra Báo cáo bổ sung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2012; thẩm tra Dự án Luật Hợp tác xã.

 

Buổi chiểu, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản của Luật Hợp tác xã năm 2003, góp phần thống nhất nhận thức về bản chất tổ chức hợp tác xã, vị trí và vai trò của khu vực hợp tác xã trong nền kinh tế nước ta.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã; đưa khu vực hợp tác xã nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ…

Tính đến nay, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 9 chương, 66 Điều, trong đó có những quy định thể chế hóa rõ hơn bản chất tổ chức hợp tác xã, khác biệt so với tổ chức doanh nghiệp ở mục tiêu thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm đánh giá dự thảo Luật lần này đã xác định được mô hình hợp tác xã kiểu mới. Các quy định trong dự thảo Luật bắt đầu tiếp cận được với thông lệ quốc tế và phản ánh được tình hình của đất nước ta. Đại biểu tán thành với lập luận của Chính phủ ủng hộ dự thảo Luật cần thiết kế đầy đủ những quy định mang tính cơ bản, ổn định lâu dài về bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, nhằm bảo đảm tính toàn diện của Luật.

Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ nội dung quản lý nhà nước đối với loại hình này; phân định rõ các loại hình hợp tác xã với những điều kiện khác nhau…sửa đổi, bổ sung để hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần, có ý kiến còn băn khoăn vì cho rằng có khả năng phát sinh sở hữu chéo sau này.

Các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, thể hiện trong các báo cáo của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sắp tới./.

Duthaoonline/TTXVN