Tuổi nghỉ hưu LĐ nữ: Tăng, giảm phù hợp với đặc thù công việc
- 19/04/2012
Tại hội thảo, có một số ý kiến cho rằng cần bình đẳng về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chứ không chênh lệch về độ tuổi nghỉ hưu nam 60, nữ 55 như hiện nay.
Tuy nhiên, chị Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt - May VN - lại khẳng định: LĐ nữ trực tiếp, nhất là LĐ ở ngành dệt - may khó có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đến 60, bởi chị em không thể đủ sức khỏe làm việc.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh độ tuổi nghỉ hưu của Lao động nữ (nguồn: Internet)
Chị Dung ví dụ: Các CN may luôn phải làm việc ở một tư thế liên tục trong thời gian dài nên bị bệnh nghề nghiệp. Đến tuổi 50, nhiều chị em đã giảm khả năng lao động và cần được nghỉ hưu. Vì vậy, nếu đưa tới sự bình đẳng về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ thì cần thêm vào những quy định giảm tuổi nghỉ hưu cho những loại hình LĐ đặc thù.
Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề VN, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - bà Nguyễn Thị Hằng - phân tích: Thực ra, việc xác định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới cũng là một cách bình đẳng giới, bởi tính đến đặc thù giới tính.
Trước đây, Bộ LĐTBXH đã bảo đảm quyền lợi cho LĐ nữ khi về hưu bằng cách tính bù tiền lương hưu của chị em, dù nghỉ hưu trước 5 năm, vẫn bằng với mức của nam giới. Nếu điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới cũng cần tính đến đặc thù nghề nghiệp. Có tăng, có giảm và mục đích chính là phải bảo đảm quyền lợi của chị em, cần phải tính đến sự ưu đãi về giới.