Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:
15h50: Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Loại bỏ các quy định tránh phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá, loại bỏ các quy định về thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp; đánh giá rõ hơn dự thảo Luật đã bổ sung và loại bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính, bao nhiêu điều kiện? thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp như thế nào? Có quy định nào làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và điều kiện không cần thiết cần loại bỏ không? (còn tiếp)
15h29: Nghỉ giải lao (20 phút)
15h25: Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Bổ sung phạm vi điều chỉnh áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Qua nghiên cứu, góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nhất trí với quy định như dự thảo,trong điều kiện đất nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực là xu thế tất yếu, trong đó có lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Điều 1 và có chính sách của nhà nước về nội dung này trong dự thảo Luật. Đồng thời cần thiết kế thành một chương riêng trong dự thảo Luật.
Về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, khoản 1, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, không nên quy định cấm tuyệt đối mà nên kế thừa những quy định Luật Giao thông đường bộ 2008 và nên cho phép nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cũng cho rằng, nên quy định cấm tuyệt đối đối với người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có công việc chính là lái xe dịch vụ, lái xe hợp đồng các cơ quan, tổ chức nhà nước và lái xe kinh doanh. thu nhập.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ Công an tiếp tục triển khai đồng bộ để nâng cao ý thức người tham gia giao thông như việc khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đã thực hiện nề nếp.
15h20: Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: Không nên quy định cứng nhắc, tuyệt đối về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn, đại biểu Trịnh Minh Bình cho rằng, không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm “lòng đường” và “lề đường”, do trong thực tế có nhiều trường hợp đậu, đỗ xe không đúng lòng đường và lề đường, gây ùn tắc giao thông, nhưng chưa được quy định một cách cụ thể. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ giúp người dân hiểu và áp dụng một cách thống nhất.
Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đại biểu đề nghị không cần quy định nội dung này trong dự thảo luật, do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định đầy đủ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, từng tổ chức, cá nhân về trách nhiệm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong nội bộ và đối với nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép đưa nội dung về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy cho các bậc mầm non, tiểu học, từ đó giúp các em sớm hình thành ý thức và chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông.
15h17: Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, đối với băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc khi tham gia giao thông có được có nồng độ cồn hay không?
“Chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân. Và rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu”, đại biểu nêu quan điểm.
15h12: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Sử dụng các công cụ, phương pháp điều khiển giao thông để giải quyết bài toán khó.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm, Luật Trật tự, an toàn giao thông phải giải quyết bài toán khó ở Việt Nam, phải sử dụng các công cụ, phương pháp điều khiển giao thông trên thế giới.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, đối với đất nước có giao thông hỗn hợp giữa xe ô tô và xe gắn máy như ở Việt Nam, trong phần giải thích từ ngữ quy định chung là ùn tắc giao thông nhưng theo đại biểu ùn và tắc là hoàn toàn khác nhau, cần phân biệt được mới giải quyết được ùn tắc. Khi đó, người tham gia giao thông sẽ chọn đường đi nào bị ùn hay đường đi nào bị tắc.
Theo đại biểu, ùn giao thông là tình trạng lưu thông chậm do hệ thống giao thông bị quá tải, có thể xác định được tốc độ lưu thông trung bình của dòng xe và tắc giao thông là tình trạng lưu thông rất chậm hoặc không thể di chuyển do lỗi vi phạm giao thông, xung đột giao thông hoặc các nguyên nhân bất ngờ không thể xác định được tốc độ lưu thông của dòng xe.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu các quy định nhằm giải quyết được các nguyên tắc về ùn tắc giao thông ở Việt Nam; về đèn giao thông; về biển báo, áp dụng biển báo đường đảo chiều để giảm ùn tắc giao thông… Đại biểu cũng nhấn mạnh, cần quy định chặt chẽ trong luật, không thể coi giải pháp văn hóa giao thông để giảm hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông.
15h06: Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế
Tham gia ý kiến về dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho biết, thời gian qua, diễn biến an toàn trật tự giao thông có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh, có diễn biến phức tạp, trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác, chưa quy định đầy đủ, cụ thể về biện pháp duy trì trật tự an toàn giao thông.
Mặt khác, nhiều yếu tố khác về giao thông đường bộ cần được quy định đầy đủ, cụ thể, để tạo hành lang pháp lý quan trọng về đầu tư, xây dựng phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Vì vậy, việc ban hành riêng biệt Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.
Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.
15h00: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Làm rõ cơ sở quy định điều kiện đối với xe đưa đón học sinh
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết thời gian qua nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh. Do đó việc dự thảo Luật bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh tại Điều 46 là rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị xem xét cơ sơ pháp lý, cơ sở thực tiễn khi quy định về niên hạn xe đưa đón học sinh không quá 15 năm, lý giải vì sao là 15 năm cần đối chiếu với quy chuẩn kĩ thuật về điều kiện xe tham gia giao thông và đối với từng loại xe.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng chưa có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về việc quy định trên xe đưa đón học sinh từ 24 học sinh trở lên thì phải bố trí trên xe phải có 2 người. Đề nghị đánh giá cho phù hợp quy định này. Đại biểu đề xuất nghiên cứu thêm xe đưa đón học sinh cần có màu sắc riêng, hoặc lắp đặt công cụ nhận diện.
Về điều kiện của người lái xe đưa đón học sinh, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị chuyển quy định này từ dự thảo Luật Đường bộ sang luật này. Đại biểu đề nghị cân nhắc về số năm kinh nghiệm lại xe của người lái xe đưa đón học sinh, cần quy định phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.
Góp ý về quy định thời gian lái xe, dự thảo đưa ra cung giời và thời gian nghỉ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng đây là quy định tốt. Tuy nhiên quy định thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục đối với tài xế taxi là 5 phút, đại biểu cho rằng không phù hợp. Do đó cần có đánh giá chuyên môn y tế, đánh giá thực tiễn giao thông đường bộ nước ta để có quy định phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị rà soát quy định về cứu hộ, cứu nạn phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, bảo đảm đồng bộ.
14h55: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cân nhắc một số nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm cho rằng, dự thảo Luật này đã được chuẩn bị rất công phu và chất lượng…
Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị gộp khoản 2 (Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động...) và khoản 3 (Kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động…) thành một khoản vì quy định của 02 khoản này đều có chung nội dung là hoạt động kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cơ quan chức năng. Bởi nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể hiểu cùng khái niệm kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng lại có nội hàm khác nhau.

Để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề. Cụ thể, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều có quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu, do vậy đề nghị Ban Soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung này, đánh giá lại sự cần thiết trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu của cả 02 Luật, tránh trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như việc vận hành Cơ sở dữ liệu khi các Luật được thông qua...
Bên cạnh đó, tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 7 quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Với quy định này trên thực tiễn, đại biểu cho rằng không khả thi và không cần thiết, trùng lặp với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành y tế và ngành Bảo hiểm. Bởi trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng chỉ nắm tình hình sức khỏe của người lái xe thông qua việc cấp Giấy phép lái xe (nghĩa là điều kiện sức khỏe của người lái xe trước khi cấp giấy phép lái xe) và thông tin dữ liệu này sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu cấp Giấy phép lái xe được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo.

Đồng thời, đối với Cơ sở dữ liệu bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thì đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị xem xét lại sự cần thiết, tính thống nhất trong việc quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng.
Cùng với đó, tại điểm e, khoản 1, Điều 7 quy định về việc xây dựng “Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính”, trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; và trong Cơ sở dữ liệu về xử lý hành chính có thể thiết kế các trường hợp thìđể theo dõi thông tin riêng về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực vi phạm hành chính trong an toàn giao thông đường bộ.
Do vậy, đối với nội dung này, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu theo hướng quy định Cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông đường bộ kết nối với Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính đã được triển khai theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
14h49: Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Đảm bảo an toàn giao thông có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, hồ sơ dự án luật cần làm sâu sắc thuyết phục hơn nữa trong nội dung về sự cần thiết xây dựng dự án luật.
Theo đại biểu, cần nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác này tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bởi vậy, đây là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu cho rằng, trong quá trình cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, bên cạnh những kết quả tích cực, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định pháp lý trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường sắt, đường không, để đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông ở nước ta.

Đại biểu cho biết, phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người. Việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm. Điều này có ý nghĩa về văn hóa giao thông, phải được thay đổi, tăng cường để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Vấn đề không chỉ là nghiêm cấm, xử phạt thật nghiêm, mà còn là công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân trong việc học tập, quán triệt, hiểu biết Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, để nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân.
14h45: Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nêu rõ, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, tuy nhiên nhiều quy định bộc lộ rõ hạn chế, bất cập, không đáp ứng của yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này. Việc tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là hết sức cần thiết.
Góp ý vào các hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc quan tâm đến khoản 1, Điều 8 quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật.

Về quyền của xe ưu tiên tại Điều 26, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung nội dung: xe Viện kiểm sát nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên vào dự án Luật để đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, đảm bảo tính đồng bộ thực hiện trong thi hành pháp luật, nhất là các đạo luật về tư pháp. Do đó, đại biểu đề nghị đưa thêm đối tượng xe ưu tiên vào Điều 26.
Trước thực trạng hiện nay học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra ngày càng phổ biến, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị dự thảo Luật tiếp tục rà soát, xem xét các quy định liên quan để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những vấn đề đặt ra hiện nay.
14h39: Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe.
Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng, do vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh, giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để nhà nước, xã hội công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực điều kiện thực hiện hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định để tham gia giao thông hay không, mà còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao; về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Trước hình này, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị với Quốc hội và ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước. Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại. Từ đó người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm.
Về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh, đại biểu đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành các cơ quan liên quan trong đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Đó cũng chính là giải pháp bảo đảm căn cơ, bền vững và lâu dài giảm tình trạng tai nạn giao thông.
Quan tâm đến việc hiện đại hóa của lực lượng Cảnh sát giao thông, đại biểu đề nghị cần thể chế vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này.
14h34: Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Giải thích rõ và chính xác về hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về giải thích từ ngữ, Điều 3 khoản 2 của dự thảo luật quy định, tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động quan sát, nắm tình hình người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ.
Đại biểu cho rằng phần giải thích từ ngữ này chưa thực sự đầy đủ, vì khi nói đến tuần tra, tức là nói đến hoạt động có tính chất lưu động, không phải là hoạt động quan sát bình thường, mặt khác, Điều 60 của dự thảo luật đã quy định rõ nội dung tuần tra, kiểm soát cũng như lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát, vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ” trong quy định của khoản 2 Điều 3.

Đại biểu cho rằng, tuần tra kiểm soát còn có tính chất hướng dẫn, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định về an toàn trật tự giao thông đường bộ, vì vậy, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh thành: “tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động lưu động của lực lượng tuần tra, kiểm soát, để quan sát, nắm tình hình người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, hướng dẫn, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, đồng thời phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Đồng thời, đại biểu cho rằng cần bổ sung điều chỉnh điểm a khoản 4 Điều 60 thành “chủ trì thực hiện các nội dung tuần tra, kiểm soát theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
14h29: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe máy là khó khả thi
Để đảm bảo thống nhất tránh chồng chéo, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề rà soát tách bạch các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ trong dự án Luật này và Luật Đường bộ.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu rõ, điểm c khoản 1 Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe theo quy định. Đại biểu bày tỏ thống nhất với quy định cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được Trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác.
Đại biểu cho biết tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nêú như dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết nhiều quốc gia trên thế giới, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch mà thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ phương tiện có vi phạm thì mới được xử phạt. Mặt khác, việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân, liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Quy định bắt buộc khó khả thi bởi số lượng xe máy là quá lớn trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn…
Từ những phân tích trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế trong khi phạm vi tác động rộng. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp phân tích dữ liệu.
14h23: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy định về thiết bị giám sát hành trình vào trong dự thảo Luật là cần thiết
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết để giám sát các vi phạm…
“Về quy định giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải phải đảm bảo điều kiện có thiết bị giám sát hành trình là cần thiết để luật hóa quy định Nghị định số 15 về việc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ bởi dữ liệu giám sát hành trình là dữ liệu rất quan trọng phải được chuyển về Trung tâm giám sát của cơ quan chức năng theo thời gian phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông phục vụ kiểm soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe”, Huỳnh Thị Phúc nêu rõ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phúc, đối tượng áp dụng còn khá rộng. Cụ thể tại Điểm c, khoản 1, Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu là tất cả các loại xe bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất.
14h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Tiếp tục điều hành thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đường bộ, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hai dự án Luật này có nội dung giao thoa và liên quan đến nhau.
So với dự thảo Luật mà Chính phủ báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 24, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này gồm 9 Chương với 81 Điều, tăng 1 chương và 20 Điều, nội dung đã chỉnh lý, bổ sung ở tất cả các chương và nhiều điều khoản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sáng 10/11/2023, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ với 105 lượt ý kiến tham gia, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, tập trung vào các vấn đề được gợi ý. Báo cáo tổng hợp ý kiến đã được gửi đến các vị ĐBQH. Ngày 20/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 659 về hướng tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ.
Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu làm rõ hơn một số vấn đề sau đây:
Đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, sự cần thiết ban hành Luật và yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo Luật. Qua thảo luận ở tổ, đại đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhưng cũng còn một số ý kiến băn khoăn về các nội dung thể hiện ở hai Luật, nhất là những phạm vi, nội dung giao thoa, các yếu tố giữa tĩnh và động, giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố kiến trúc thượng tầng, an toàn đường bộ. Một số ý kiến đề nghị rà soát các luật liên quan để không quy định lại những nội dung đã được quy định để tạo sự thống nhất .
Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí với tên gọi của dự thảo Luật, cũng có ý kiến đề nghị đổi tên là Luật Trật tự, an toàn đường bộ hoặc Luật Giao thông đường bộ thể hiện bao quảt hơn.
Về hồ sơ dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kể cả về đánh giá tác động của các chính sách, nhất là các chính sách mới được bổ sung.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, một số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của cả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo.
Một số ý kiến đề nghị chuyển nội dung các quy định về phương tiện giao thông đường bộ, quy định về giao thông thông minh, quy định một số nội dung của hai luật để hạn chế việc nhầm lẫn.

Về xử lý những nội dung còn chồng chéo hoặc giao thoa của hai dự thảo Luật cho phù hợp, một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung dự thảo luật đã bám sát các thông báo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội như bổ sung các báo cáo đánh giá tác động để làm rõ đặc điểm giao thông hỗn hợp đường bộ Việt Nam hiện nay không thuộc tập quán, yêu cầu xây dựng văn hóa giao thông thông minh, lồng ghép trật tự an toàn giao thông với quy hoạch, đổi mới đăng kiểm, đăng ký đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe. Phân định rõ hơn về phạm vi, nội dung điều chỉnh, về các quy định về điều kiện phương tiện giao thông, điều kiện người điều khiển phương tiện giao thông, quy định về nồng độ cồn, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, chỉ huy giao thông, Trung tâm chỉ huy giao thông, hoạt động tuần tra, kiểm soát với Trung tâm điều độ và lực lượng thanh tra đường bộ của Luật Đường bộ…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu cần làm rõ thêm nội dung này cho phù hợp với thực tế giao thông tại Việt Nam hiện nay.
14h15: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật; Chính phủ đã có văn bản nhất trí với dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Ngày 23/11/2023, UBTVQH đã có báo cáo đầy đủ số 693/BC-UBTVQH15.
Về phân loại, phân nhóm CTQP và KQS tại (Điều 5, Điều 6), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa phân loại và phân nhóm CTQP và KQS; làm rõ công trình loại nào thuộc Nhóm đặc biệt, loại công trình nào thuộc Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III và đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật; rà soát để thống nhất với các quy định của dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, qua rà soát, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho thay thế từ “là” bằng từ “gồm” tại một số điểm, khoản của 02 điều này cho phù hợp với nội dung điều luật; đồng thời chỉnh lý lại Điều 5 và Điều 6 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về công trình lưỡng dụng (Điều 7), có ý kiến đề nghị chỉnh lý khoản 6 cho phù hợp;bổ sung những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng; rà soát nội dung Điều này để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm khi áp dụng Luật phù hợp với các đối tượng khác nhau sở hữu công trình dân sự có tính lưỡng dụng và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công,” bổ sung cụm từ “được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14” tại điểm a khoản 6, đồng thời chỉnh lý lại khoản 2 và khoản 4 Điều này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung từ “trục lợi” vào trước cụm từ “xâm hại lợi ích của Nhà nước” tại khoản 6 và bỏ nội dung “giao CTQP và KQS cho đơn vị không đúng quy định”, vì đã được quy định tại khoản 3 Điều này.
Đối với quy định về chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS (Điều 12), tiếp thu ý kiến ĐBQH, để thống nhất quy định về chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điểm a khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật này như sau: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS sang mục đích khác đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, đồng thời xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất có CTQP và KQS được chuyển sang mục đích khác”.
Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng tại điểm b khoản này được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về phá dỡ CTQP và KQS (Điều 13), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “do yêu cầu bảo đảm bí mật Nhà nước mà”, bỏ cụm từ “hoặc bán, thanh lý” tại cuối điểm c khoản 1 Điều này và chỉnh lý lại như sau: “Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng do yêu cầu bảo đảm bí mật Nhà nước mà không được chuyển mục đích sử dụng;” để rõ ràng, cụ thể hơn về trường hợp không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà không thể chuyển mục đích sử dụng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu về xác định phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS (Điều 17), UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “hoặc khoảng không của KQS khi được thiết lập trên không” vào cuối điểm b khoản 1 Điều này để thống nhất với khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý khi thiết lập, bố trí trang, thiết bị quân sự và KQS trên không. Đồng thời, qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2, 3 và khoản 4 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Đối với chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn CTQP và KQS; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự (Điều 18), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực tế hiện nay, hệ thống ăng-ten quân sự có nhiều chủng loại, các chướng ngại vật ăng-ten cũng rất đa dạng; dự thảo Luật chỉ quy định chế độ bảo vệ đối với hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự thực hiện nhiệm vụ của cấp chiến dịch, chiến lược mà không điều chỉnh đối với hệ thống ăng-ten thông tin liên lạc của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, UBTVQH đã chỉnh lý khoản 4 Điều 2 và điểm a khoản này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều nay 24/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.