Tổng Liên đoàn LĐVN: Lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 1-3/2011, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn tổ chức cuộc họp Ban nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động (Ban nghiên cứu) với sự tham gia của các đại biểu là thành viên Ban nghiên cứu, Tổ giúp việc. Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính, Trưởng Ban nghiên cứu chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Duy Vy, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật TLĐ, Phó Ban thường trực Ban nghiên cứu, Tổ trưởng Tổ giúp việc   thông báo phân công nhiệm vụ mới cho các thành viên Ban nghiên cứu, Tổ giúp việc.

 

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính đã nêu một số vấn đề cần thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: có cần thiết phải xây dựng một chương riêng về tổ chức đại diện người sử dụng lao động; vấn đề đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở; vấn đề giải quyết tranh chấp lao động và đình công; vấn đề về các qui định quản lý nhà nước về lao động.

 

Phát biểu về vấn đề xây dựng một chương riêng về tổ chức đại diện người sử dụng lao động, đại biểu Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng là cần thiết để đảm bảo sự cân bằng với các qui định về tổ chức công đoàn đại diện người lao động trong BLLĐ. Có ý kiến lại cho rằng, không cần thiết xây dựng 1 chương qui định về vị trí, vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động vì trên thực tế, có rất nhiều tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại Việt Nam như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhiều Hiệp hội các doanh nghiệp khác…. Mặt khác, mô hình tổ chức đại diện người sử dụng lao động chưa thống nhất, chưa được tổ chức theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Vì vậy việc xây dựng một chương riêng về tổ chức đại diện người sử dụng lao động rất khó thực hiện trong thực tiễn.

 

Về vấn đề Dự thảo BLLĐ (sửa đổi), mới đây, qui định tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn được tham gia tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp, các đại biểu thống nhất quan điểm không nên quy định tổ chức đại diện tập thể lao động như Dự thảo BLLĐ (sửa đổi). Vì nếu qui định đại diện tập thể lao động tham gia trong mọi hoạt động xuất phát từ quan hệ lao động (như dự thảo) sẽ không đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn:

 

-   Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2006 đã có chế định về “tổ chức đại diện người lao động” để giải quyết vụ việc cụ thể (tổ chức và lãnh đạo đình công). Nhưng từ đó đến nay, không và chưa hề có “tổ chức đại diện người lao động” nào được hình thành trên thực tế;

 

-  Thực tiễn ở các nước trên thế giới, cơ chế “đại điện cho người lao động”  bên cạnh công đoàn chỉ có ở Trung Quốc, nhưng cũng chỉ được hình thành để giải quyết vụ việc (thương lượng, ký kết TƯLĐTT) và cũng chỉ là ghi nhận về mặt pháp lý, còn trong thực tiễn, theo Tổng Công hội Trung Quốc thì cơ chế này không phát triển. Hội đồng xí nghiệp ở Đức không hoàn toàn mang tính chất tổ chức “đại diện tập thể lao động” bên cạnh tổ chức công đoàn và nó được tổ chức ở tất cả các doanh nghiệp bởi ở Đức hệ thống tổ chức Công đoàn không có công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp. Trong lúc đó tỷ lệ gia nhập công đoàn của các nước hầu hết đêu thấp hơn nhiều so với Việt Nam ( Mỹ dưới 10%, Hàn Quốc trên 25%, Nhật Bản 18%…, Việt Nam trên 60%).

 

- “Đại diện tập thể lao động”, theo dự thảo, do một số người lao động tự nguyện lập ra, không có điều lệ, không có hệ thống tổ chức thống nhất, có  kết cấu không chặt chẽ và không thường xuyên hành động, nhưng lại có chức năng, nhiệm vụ như một tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp là không đồng bộ, thống nhất với Luật Công đoàn (sửa đổi) và không theo theo nguyên tắc chỉ đạo xây dựng hai luật đã được xác định. Việc hình thành “Đại diện tập thể lao động” sẽ tạo là đối trọng, hạn chế quyền thành lập gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

 

Xuất phát từ vai trò, vị trí, tính chất của Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Công đoàn không chỉ là tổ chức duy nhất có chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, mà còn phải đồng thời cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ chính trị Việt nam. Vì vậy pháp luật lao động và công đoàn (sửa đổi) cần phải kiên định, thống nhất quan điểm kế thừa và khẳng định thêm công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động để chống tuyệt đối tư tưởng đa đại diện, đa nguyên công đoàn theo tác động của kinh tế thị trường.

 

Góp ý về Chương XIII. Công đoàn và đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần xác định rõ nguyên tắc xây dựng là  quan hệ lao động giữa Công đoàn với doanh nghiệp chứ không phải là mối quan hệ nội bộ của tổ chức công đoàn cũng như mối quan hệ giữa cán bộ công đoàn với doanh nghiệp. Trong khi đó, các qui định của Chương XIII, dự thảo 4, lại qui định mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cán bộ công đoàn. Các vấn đề đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều lệ Công đoàn và Luật Công đoàn.

 

Ngoài ra có một số quy định không đảm bảo nguyên tắc về tổ chức và hoạt động công đoàn như vấn đề cử cán bộ công đoàn chuyên trách làm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp….

 

Kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và yêu cầu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và gửi ý kiến đóng góp cho bộ phận thường trực Ban nghiên cứu để xây dựng văn bản góp ý của Tổng Liên đoàn với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về dự thảo BLLĐ (sửa đổi)

Trần Thị Thuý Hằng/http://congdoan.most.gov.vn