TỔNG HỢP TIN: Trà Vinh, Kiên Giang, Hà Giang lấy ý kiến cho BLLĐ (sửa đổi)

Thông tin từ đoàn ĐBQH các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Hà Giang cho biết các Đoàn ĐBQH đã tổ chức họp để lấy ý kiến cho Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 

Tại Kiên Giang:

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số đại biểu đề nghị giải thích từ ngữ rõ hơn, bổ sung một số cụm từ cho đủ nghĩa và dễ hiểu trong quá trình vận dụng. Tại Điều 28 về tổ chức quản lý Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, nhiều ý kiến thống nhất giao cho Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Điều 29, nguồn thu khác trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá - mức trích tối đa bằng 2% là quá thấp. Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung và chỉnh sửa một số điều, bỏ bớt điều trùng lắp như: Điều 16 quy định hợp đồng lao động phải ký kết bằng văn bản... không nên hợp đồng bằng lời nói, dù công việc có thời hạn dưới 3 tháng. Bởi, giao kết bằng lời nói, khi có tranh chấp không có cơ sở giải quyết dẫn đến mất quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Tại Trà Vinh:

Đa số ý kiến đề nghị giải thích một số từ ngữ, thiết kế và quy định lại để được rõ ràng hơn một số điều trong luật; bổ sung thêm quy định trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng, ít nhất 30 ngày làm việc trước khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn thay vì 15 ngày. Về chế độ nghỉ thai sản, nhiều ý kiến chọn phương án 2; thời gian nuôi con nuôi là 6 tháng tuổi; giữ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như trong dự thảo, đồng thời cho phép người lao động tiếp tục ký hợp đồng sau khi nghỉ hưu. Đa số có ý kiến đề nghị bổ sung: không quá 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn từ 3 tháng trở lên; không quá 1 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn dưới 3 tháng; trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tại Hà Giang:

Các Đại biểu nhất trí với bố cục nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tán thành với phương án 1 việc nâng thời hạn nghỉ thai sản đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường từ 4 lên 5 tháng và người lao động nặng nhọc, môi trường độc hại, nguy hiểm nâng lên 6 tháng; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chuyển điểm 2, điểm 4 của phương án 2 bổ sung vào phương án 1 là bảo đảm và đầy đủ; nâng thời gian nghỉ Tết nguyên đán lên 6 ngày (nghỉ trước Tết 2 ngày và sau Tết 4 ngày). Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể một số nội dung: thời hạn lao động nhất định và thời hạn hợp đồng lao động; quy định rõ những công việc lao động nữ đang mang thai không được tham gia; biện pháp giải quyết tranh chấp lao động; mức tiền lương tối thiểu; thời giờ làm thêm; tiền lương thử việc cho người lao động; tiền lương làm thêm; thanh toán tiền tàu xe cho người lao động; tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ...

 

NĐP (tổng hợp)


Phương Nguyễn (tổng hợp)/http://daibieunhandan.vn