Tổng cục Thuế tổ chức họp báo thông báo một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế

Chiều ngày 20/02/2012, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Họp báo thông báo một số nội dung dự kiến sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế. Tham dự cuộc họp báo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Tổng cục Thuế; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã trả lời các câu hỏi xung quanh nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý Thuế cũng như một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề về thuế của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Thuế, ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong thời gian qua và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, với những nhiệm vụ, trọng trách đầy thách thức phía trước, ngành thuế sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí. Hi vọng Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế sẽ sớm được Chính phủ, Quốc hội thông qua và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người nộp thuế và các cơ quan có liên quan, qua đó giúp cho ngành thuế có thêm sự động viên, khích lệ để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và đạt kết quả khả quan trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020.

Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Sau 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, đã quy định thống nhất chính sách quản lý thu thuế và là bước tiến quan trọng, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính rõ ràng minh bạch; Tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của Nhà nước, xã hội trong công tác quản lý thuê; Tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước; Công tác quản lý thuế đã thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế  và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế; Cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế chủ yếu theo chức năng kết hợp một phần với quản lý theo đối tượng (tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra,…) và hướng tới quản lý rủi ro dựa trên cơ sở thông tin về người nộp thuế. Các chức năng quản lý ngày càng chú trọng về chiều sâu và chiều rộng, cụ thể:

-         Về công tác tuyên truyền, hỗ trợ: đa dạng hóa các hình thức giải đáp vướng mắc như: hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, trả lời bằng văn bản, tổ chức tập huấn, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.

-         Về công tác đăng ký thuế, kê khai thuế: số lượng tờ khai người nộp thuế đúng hạn, đúng nội dung đã đạt trên 90%.

-         Về công tác kiểm tra, thanh tra: số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra thuế đã được cải thiện. Việc ra quyết định kiểm tra, thanh tra thuế cơ bản được thực hiện trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin, đánh giá mức độ tuân thủ và xác định rủi ro, phân loại doanh nghiệp (4 năm qua đã thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bình quân 29.583 DN/năm; phát hiện truy thu bình quân 3.513 tỷ đồng/năm, phạt bình quân 530 tỷ đồng/năm).

-         Về công tác quản lý nợ thuế: Tỷ trọng nợ thuế trên tổng số thực thu NSNN có xu hướng giảm dần qua các năm: năm 2008 là 9,5%, năm 2009 là 7,7%, năm 2010 là 7,3%.

-       Về công tác ứng dụng CNTT: đã chú trọng đầu tư phát triển ứng dụng CNTT theo sát yêu cầu, quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý số lượng người nộp thuế tăng nhanh, cùng các yêu cầu về cải cách và hiện đại hóa quản lý thuế.

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã phát sinh một số vấn đề cần phải sửa đổi bổ sung để hoàn thiện Luật cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện Đề án 30/CP về  đơn giản hóa thủ tục hành chính phải tiếp tục cải cách TTHC thuế, đi đôi với việc tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế như kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử…

Thứ hai, việc thay đổi và  bổ sung của các luật chính sách thuế, và những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thực hiện Luật quản lý thuế cho thấy có những nội dung chưa cụ thể, chưa phù hợp và chưa sát thực tế. Vì vậy, để tăng cường tính hiệu lực, khả  thi và thống nhất với các văn bản có liên quan, Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế  giới. Ngoài những tác động tích cực, hội nhập cũng làm xuất hiện những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý thuế (như sàn xếp né tránh thuế, chuyển giá…), đòi hỏi công tác quản lý thuế phải được tiếp tục hoàn thiện về thẩm quyền, kỹ năng, biện pháp quản lý để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã được xây dựng trên cơ sở  kết quả tổng kết đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế qua 4 năm thực. Dự thảo Luật đã được gửi lấy ý kiến bằng băn bản của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chuyên gia; tổ chức hội thảo và đăng tải trên trang thông tin điện tử (website) của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến tham gia của tổ chức, cá nhân chịu tác động của chính sách và quản lý thuế; nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có thể vận dụng vào Việt Nam.

Dự án Luật dự  kiến sửa đổi, bổ sung lần này sẽ chỉnh sửa, bổ sung 31 Điều (trong tổng số 120 Điều của Luật hiện hành), liên quan đến ba nhóm vấn đề với 20 nội dung, bao gồm:

Thứ  nhất, Nhóm vấn đề về đơn giản hóa TTHC thuế bao gồm 06 nội dung, trong đó chủ yếu liên quan đến các nội dung sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội; Nghị quyết số 25/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ  hai, nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách – hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế gồm 04 nội dung.

Thứ  ba, nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan gồm 10 nội dung.

Về mục tiêu sửa đổi, bổ  sung một số điều của Luật Quản lý thuế

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế; giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; khuyến khích và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt cơ chế tự khai, tự tính, tự  nộp thuế.

             Hai là, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế  nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế; thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

              Ba là, thúc đẩy công tác hiện  đại hóa hệ thống thuế, hải quan theo hướng thực hiện cơ chế quản lý rủi ro trong các khâu quản lý thuế, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của Nhà nước, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện quản lý thuế. Phù hợp xu hướng hội nhập, thống nhất đồng bộ với các cam kết quốc tế.

              Bốn là, tạo sự tập trung thống nhất, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý  thuế với các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế nhằm đáp ứng các yêu cầu:

Thứ nhất là đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa TTHC (thủ tục hành chính) thuế theo Nghị quyết số 57/2010/QH12 ngày 26/11/2010 của Quốc hội về kết quả giám sát việc cải cách TTHC; được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC;

Thứ hai, dự thảo phải phù hợp với quá trình phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa; Chủ động đáp ứng xu hướng, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để bảo đảm thực hiện đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất của Luật;

Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý để góp phần thực hiện Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 08/11/2011 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 (về nội dung thực hiện nhiệm vụ thu NSNN); thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 ban hành theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển hệ thống hải quan đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân tích về những sửa đổi trong Luật lần này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết dự thảo lần này sẽ tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ của mình; cơ quan thuế giảm tải công việc; trong khi vẫn phải đảm bảo thu đủ ngân sách và chống thất thu thuế. Một số nội dung được thay đổi như: dự kiến tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ giảm từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn kê khai thuế VAT 1 lần/tháng. Thời gian hoàn thuế đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” cũng được rút ngắn từ 15 ngày làm việc xuống còn sáu ngày; trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày. Thời hạn giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế cũng giảm từ năm ngày xuống còn 3 ngày. Đồng thời, bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế.

Dự thảo luật cũng mở rộng phạm vi gia hạn nộp thuế và xoá nợ thuế. Theo đó, những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan từ chính sách của nhà nước, ví dụ phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của nhà nước, hoặc nợ thuế do ngân sách nhà nước chậm giải ngân, sẽ được xem xét gia hạn nộp thuế. Ngoài trường hợp người nộp thuế phá sản, chết, mất tích..., các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế trong 10 năm cũng có thể được xem xét xoá nợ.

Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi là bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá. Theo bà Nguyễn Vân Chi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế cho biết hiện nay việc thanh, kiểm tra chống chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài kê khai tài chính “lỗ giả lãi thật” đang được triển khai quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận giá mua/bán. Việc bổ sung APA sẽ yêu cầu doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.

Quy định mới cũng tính đến những khó khăn của người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần. Qua thực tế, công tác quản lý thuế cho thấy có nhiều trường hợp doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn hoặc bị truy thu thuế với số tiền lớn (trường hợp bị phạt từ 1 - 3 lần tiền thuế) vượt quá khả năng doanh nghiệp có thể thanh toán trong một lần khi có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp được phép nộp dần số tiền nợ thuế làm nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định thì vẫn đảm bảo được tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế và hạn chế tối đa các trường hợp bị cưỡng chế thuế. Nhiều nước cũng áp dụng cơ chế nộp thuế làm nhiều lần có tính lãi chậm nộp phù hợp với lãi suất ngân hàng.

Việc cải tiến có ý nghĩa thiết thực, giảm chi phí hành chính, tăng hiệu quả lưu chuyển tiền cho người nộp thuế. Những thuận lợi cho người nộp thuế cũng có thể tạo ra những thách thức nhất định cho cơ quan thuế như rủi ro về chiếm dụng tiền thuế. Do đó việc áp dụng hiệu quả việc quản lý rủi ro, nâng cao biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên sâu, xây dựng các chỉ tiêu ưu tiên cụ thể, lựa chọn đơn vị thanh tra, kiểm tra sẽ được thực hiện song hành cùng với quá trình đơn giản thủ tục đối với người nộp thuế.

Dự kiến dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét và lấy ý kiến tại kỳ họp vào tháng 5 tới và sẽ được thông qua vào cuối năm 2012. Do đó, Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào khoảng 1/1/2014, nếu sớm hơn thì vào ngày 1/7/2013.Tổng cục Thuế tổ chức họp báo thông báo một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế

Tổng hợp/DuthaoOnline