Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền
- 12/03/2012
Nên quy định rõ việc xử phạt
Cần quy định cụ thể các chế tài xử phạt khi các đối tượng có nghĩa vụ báo cáo và lưu trữ báo cáo không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm. Đó là ý kiến của đại diện Học viên Ngân hàng trong việc quy định trách nhiệm báo cáo và lưu trữ báo cáo giao dịch có giá trị lớn. Thực tế, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ báo cáo rất dễ xảy ra tình trạng các chủ thể có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn báo cáo, báo cáo không đầy đủ… gây khó khăn cho việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động rửa tiền. Bên cạnh đó, việc bảo đảm bí mật các thông tin và tài liệu báo cáo cũng là một vấn đề đáng quan tâm, bởi lẽ hầu hết các thông tin, báo cáo được thu thập là các thông tin quan trọng, cần được bảo mật. Một khi các thông tin này vô tình hay cố ý bị tiết lộ sẽ gây tổn thất không đáng có.
Hiện, trong dự thảo Luật chưa quy định chi tiết về vấn đề này, tại Điều 32 chỉ dừng lại ở những quy định chung chung: Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của luật này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được quy định cụ thể trong các bộ luật liên quan.
Liên quan đến báo cáo và lưu trữ báo cáo là việc quy định hạn mức của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Như thế nào là giao dịch có giá trị lớn? Theo ông Đỗ Minh Sơn, Sở Tư pháp Hà Nội thì, nên để Chính phủ quy định mức trần. Trong dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về định mức các giao dịch lớn cần phải báo cáo, như vậy giao dịch lớn đến mức nào thì phải báo cáo?. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giao dịch lớn không hẳn đã là rửa tiền; hơn nữa nếu quy định tiêu chí giá trị lớn thì khách hàng sẽ chia tài sản có giá trị lớn thành nhiều khoản nhỏ, khi đó việc phòng, chống rửa tiền sẽ bị vô hiệu hóa. Phó chủ tịch Hội Luật gia Hà nội Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị, quy định cụ thể mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo ngay trong luật, không giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định, để tránh tình trạng luật chờ thông tư hướng dẫn.
Mô hình tổ chức của cơ quan phòng, chống rửa tiền
Theo giải trình của ban soạn thảo, cơ quan phòng, chống rửa tiền được thành lập vào năm 2006, thuộc Ngân hàng Nhà nước với tên gọi là Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền; sau đó đổi là Cục Phòng, chống rửa tiền. Qua 5 năm hoạt động, cơ quan này đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan liên quan. Do vậy, trong những năm tới việc tiếp tục đặt cơ quan này thuộc Ngân hàng Nhà nước là hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng, để tránh hiểu lầm về chức năng, nhiệm vụ gắn với cơ quan phòng chống rửa tiền nên chỉnh lý lại là cơ quan thông tin phòng, chống rửa tiền; đồng thời nên bổ sung chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền, chứ không đơn thuần là cơ quan thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin. Theo ông Đỗ Minh Sơn, nên thành lập một tổ chức độc lập trực thuộc Chính phủ, được tổ chức theo mô hình của Tổng cục Hải quan; Tổng cục Kiểm lâm để bảo đảm sự ngăn chặn kịp thời trong phòng, chống tội phạm. Tất nhiên, để có thể bổ sung chức năng, thẩm quyền của cơ quan này, thì một loạt các luật chuyên ngành khác cũng cần phải bổ sung, chỉnh sửa chẳng hạn như Pháp lệnh Tổ chức Điều tra hình sự (sắp tới đây là Luật Tổ chức Điều tra hình sự)…
Một vấn đề khác còn băn khoăn của nhiều người chính là văn phong pháp lý của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền chủ yếu là văn phòng dịch với việc sử dụng nhiều từ “hoặc”, “phải”… chưa được chỉnh sửa phù hợp với ngữ pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, tính thống nhất của dự thảo luật này với hệ thống pháp luật hiện hành cũng được đại diện nhiều cơ quan đề cập tới. Theo đó, nên quy định khái niệm rửa tiền, tài sản như quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, không nhất thiết phải nội luật hóa khái niệm rửa tiền, tài sản theo các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia, vì Điều 3 đã quy định: trong trường hợp Điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc Việt Nam xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền là quá chậm với tiến trình hội nhập quốc tế, tuy nhiên cũng không vì thế mà cầu toàn, vì kinh nghiệm thực tiễn còn ít, trong khi đó quá trình xây dựng luật này ngoài những vấn đề về kinh nghiệm xây dựng pháp luật thì còn bị tác động bởi các tổ chức quốc tế, nên sự nội luật hóa chưa đạt được như mong muốn, điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của luật. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Theo dự kiến, dự thảo luật này sẽ được thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII.