Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật dự trữ quốc gia
- 06/02/2012
Ngày 02/12/2011, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo Dự án Luật dự trữ quốc gia. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Phạm Phan Dũng đã chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí nêu rõ, sau gần 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã tạo được hành lang pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, góp phần đưa hoạt động dự trữ quốc gia đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia cũng đã và đang bộc lộ những bất cập, tồn tại, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm hoặc không phù hợp với thực tiễn quản lý dự trữ quốc gia và còn một số điểm chồng chéo với một số Luật chuyên ngành. Việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia là một nhiệm vụ cấp bách, nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động dự trữ quốc gia trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, v.v…
Được sự phân công của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã khẩn trương thực hiện các bước công việc theo quy trình xây dựng dự án Luật DTQG. Điểm mới của Luật DTQG lần này so với Pháp lệnh trước chỉ có 2 mục tiêu là cứu hộ, cứu nạn; bình ổn thị trường và nền kinh tế vĩ mô so với lần này của Luật đề nghị đưa ra 4 mục tiêu gồm cứu hộ cứu nạn; đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đảm bảo kinh tế vĩ mô; phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững, Thứ trưởng cho biết.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức cũng nhằm trao đổi, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về một số nội dung dự thảo Luật với các nội dung chính sau:Phạm vi điều chỉnh của Luật DTQG; Xã hội hóa công tác DTQG; Tổ chức bộ máy quản lý DTQG; Cơ chế chính sách đãi ngộ đối với công chức DTQG; Ngân sách cho DTQG gồm vốn mua hàng dự trữ quốc gia - nguồn chi thường xuyên; Vốn chi cho quản lý hoạt động dự trữ quốc gia gồm nguồn chi thường xuyên, cơ chế đặc thù trong việc tạo lập, quản lý sử dụng DTQG và nhập, xuất, mua, bán hàng DTQG; Cơ chế tài chính DTQG; DTQG bằng tiền, quản lý, sử dụng DTQG bằng vàng, ngoại tệ, tài nguyên, khoáng sản quy định trong Luật DTQG; Dự trữ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội thảo đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành Tài chính. Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Luật đưa ra. Ngoài ra, có một số ý kiến tập trung đóng góp vào nội dung danh mục hàng hoá dự trữ với đề nghị cân nhắc các mặt hàng nên dự trữ. Về nội dung tổng mức dự trữ quốc gia, nên đảm bảo nguyên tắc bảo toàn về lượng, phù hợp với từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, các hình thức đấu thầu, mua hàng dự trữ, hành vi vi phạm về dự trữ quốc gia; chế độ, cơ chế chính sách đối với cán bộ công chức ngành Dự trữ… cần phải được quy định rõ.