Tiến tới tiền lương sẽ là nguồn thu nhập chính của người lao động

Để lấy ý kiến cho việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung tiền lương trong dự thảo Bộ luật Lao động sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp lần thứ 3 tới đây, từ ngày 17 đến 18/5 tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo "Thực trạng chính sách tiền lương và các giải pháp cải cách".

Đa số các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để tiến tới tiền lương sẽ là nguồn thu nguồn thu nhập chính và đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động.

Lương công chức thấp khó giữ người tài

Hệ thống chính sách tiền lương của Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Từ 1/2003 đến 5/2012, Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức từ 210.000 đồng lên 1.050 đồng/tháng, tăng 400% cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng Cục thống kê công bố là 154%. Bộ Nội vụ nhận định, mức lương tối thiểu của đối tượng được hưởng lương ngân sách đến nay vẫn quá thấp. Cụ thể, mức lương tối thiểu hiện là 1.050.000 đồng/tháng chỉ bằng 75% vùng IV (vùng thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); đồng thời mới đạt 37,5% nhu cầu tối thiểu (nếu tính cả 25% phụ cấp công vụ thì đạt 46,9% nhu cầu tối thiểu. Mức lương tối thiểu thấp dẫn đến các mức lương trong ngạch, bậc lương thấp theo (tính cả 25% phụ cấp công vụ từ tháng 5/2012 thì tốt nghiệp đại học khoảng 3 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 13 triệu đồng/tháng), thấp hơn nhiều so với khu vực thị trường nên khó giữ và thu hút người làm việc tốt trong các cơ quan nhà nước.

Chính sách tiền lương hiện hành cho thấy, có sự bất cập khi thực hiện 2 loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức nhà nước. Điều này là chưa phù hợp với các nguyên tắc xây dựng tiền lương tối thiểu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về cơ bản bước đầu đã hình thành được hệ thống lương tối thiểu và cơ chế xác định điều hành theo cơ chế thị trường; các phương pháp xác định mức lương tối thiểu có căn cứ khoa học. Chính phủ đã xác định công bố lộ trình và thực hiện thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp cam kết WTO, điều chỉnh tăng dần từng bước hướng tới nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nhưng trong quá trình thực hiện do năng lực thỏa thuận của người lao động và công đoàn cơ sở còn hạn chế, sức ép việc làm lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn bám vào mức lương tối thiểu để trả lương hoặc dùng mức lương tối thiểu để trả cho người lao động có trình độ chuyên môn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tiến tới tiền lương sẽ là nguồn thu nhập chính của người lao động


Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhà nước, thang bảng lương chưa trở thành thước đo để trả lương mà chủ yếu dùng để đóng hưởng bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp dân doanh, FDI xây dựng thang, bảng lương mang tính đối phó chưa thực chất; kéo dài số bậc lương, chia tách tiền lương thành phụ cấp, trợ cấp để giảm đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động thấp nhưng vẫn hưởng lương cao, có doanh nghiệp lương cao không phải do năng suất và hiệu quả cao mà chủ yếu do hưởng lợi thế kinh doanh.

Hướng đến mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII tới đây về những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người lao động trong đó tiền lương là quan trọng. Tiền lương sẽ được điều chỉnh theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, đó là tiền lương phải được xem là giá cả của sức lao động hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải đảm bảo cho người lao động có thể đạt được mức sống tốt hơn, sống được bằng tiền lương tối thiểu. Đây cũng là một trong những nguyên tắc xây dựng mức tiền lương tối thiểu mà tổ chức lao động quốc tế ILO khuyến nghị. Quá trình cải cách chính sách tiền lương cũng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam trong từng giai đoạn.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, hội nghị trung ương vừa qua đã có quyết định nâng bậc lương của khu vực doanh nghiệp và tiến độ sẽ đi nhanh hơn bậc lương của cán bộ công chức vì nguồn này là nguồn của cơ chế thị trường. Nhưng việc tăng này sẽ hướng đến năm 2015 để cho doanh nghiệp có kiện đi cùng theo lộ trình chứ nếu không đi nhanh quá thì lại là áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Tới 2015 chúng ta sẽ đạt được mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Theo ý kiến của các đại biểu, trong các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận tiền lương, còn đối với khu vực nhà nước thì xây dựng mức lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức - loại lao động công vụ, lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Ngoài ra, đồng bộ với tiền lương phải là vấn đề năng suất, hiệu qủa công việc. Đối với bộ máy nhà nước đó là việc sắp xếp theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn đẻ đảm bảo chi trả lương phù hợp với chất lượng, hiệu quả công việc.

Thanh Mai/baomoi.com