Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 họp phiên thứ nhất
- 28/01/2012
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Phiên họp thứ nhất Thường trực Ủy ban sửa đổi Hiến pháp (Ảnh TTXVN)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các thành viên Ủy ban. Đặc biệt là Ban biên tập đã triển khai một cách hệ thống và tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia. Mặc dù khối lượng công việc rất lớn và khẩn trương, nhưng công tác chuẩn bị vẫn bảo đảm đúng tiến độ đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: phiên họp lần này của Thường trực Ủy ban nhằm cho ý kiến bước đầu để chuẩn bị cho phiên họp toàn thể của ủy ban sắp tới. Đồng thời yêu cầu Thường trực và thành viên Ban biên tập với những kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tiếp cận và thực thi Hiến pháp, tập trung cho ý kiến vào báo cáo định hướng một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trên tinh thần tập hợp được trí tuệ của toàn dân, giải quyết vấn đề một cách khoa học, có căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn, để đưa ra bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình phát triển đất nước và phù hợp với xu thế thời đại.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo báo cáo một số vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Theo đó, Dự thảo báo cáo Tổng kết việc thực hiện Hiến pháp năm 1992 gồm hai phần chính:
Phần thứ nhất đánh giá về tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992 trong đó có chỉ ra những nguyên nhân của những thành tựu cơ bản đã đạt được cũng như nguyên nhân của những hạn chế, bất cập.
Phần thứ hai là những nhận định về tình hình, bối cảnh mới, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các kiến nghị về hướng nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để thể chế hóa sâu sắc đường lối đổi mới của Ðảng và nhằm giải quyết những yêu cầu của tình hình mới.
Dự thảo báo cáo một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 xây dựng trên cơ sở những định hướng, quan điểm chỉ đạo được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện khác của Ðảng, Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, kết quả nghiên cứu của các Tổ biên tập, kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như các chuyên đề, bài viết đăng tải trên báo, tạp chí...
Những định hướng lớn về nội dung cần được sửa đổi, bổ sung bao gồm:
(i) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước;
(ii) Thể hiện sâu sắc thêm tư tưởng chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp;
(iii) Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội;
(iv) Phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội;
(v) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
(vi) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
(vii) Bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc;
(viii) Bảo đảm tính ổn định của Hiến pháp.
Các thành viên Thường trực Ủy ban đã phát biểu ý kiến, thảo luận về hai báo cáo nói trên của Tổ biên tập. Các đại biểu thống nhất cho rằng thời gian tới cần khẩn trương cử các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 ở các địa phương. Đồng thời, cần lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, chuyên gia pháp luật để phục vụ cho dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp, vì tổng kết có tốt thì việc sửa đổi Hiến pháp mới thiết thực.
Dự thảo Online (Tổng hợp)