Thực trạng quản lý khó phát triển
- 17/09/2009
Không có quy hoạch khai khoáng ở địa phương
Công nghiệp khai khoáng nước ta mới chỉ có một số cơ sở lớn như khai thác than ở Quảng Ninh, sắt Trại Cau, đồng ở Sinh Quyền (Lào Cai), vàng Bồng Miêu... Còn lại là những cơ sở khai thác chế biến quy mô rất nhỏ như chì, kẽm, thiếc, antimoan, titan, crôm... và một số nguyên liệu khoáng như đá vôi, đá trắng, cao lanh...
Những cơ sở nhỏ nói trên không đem lại nguồn thu cho ngân sách nhiều do sản lượng thấp, sản phẩm thô, công nghệ lạc hậu và khai thác chế biến không hiệu quả. Một số dự án lớn đang được triển khai như sắt Quý Xa, sắt Thạch Khê... đang gặp phải các vấn đề lớn về môi trường, công nghệ chế biến, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
Công nghiệp khai khoáng là một ngành đầu tư dài hạn và rủi ro. Dài hạn là vì trước khi đầu tư cơ sở sản xuất chế biến ra sản phẩm, các dự án liên quan đến khai khoáng còn phải trải qua giai đoạn điều tra, thăm dò địa chất để đánh giá hàm lượng và trữ lượng của mỏ. Tiếp theo đó là công tác thiết kế khai trường và nhiều công đoạn khác nữa.
Các dự án khai thác tài nguyên luôn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Đó là rủi ro về chính sách có thể thay đổi hay liên quan đến thuế tài nguyên. Rồi nhiều khoản lệ phí thu theo quy định của tỉnh, mỗi nơi một nẻo.
Ví dụ như quặng sắt, về thuế tài nguyên có tỉnh thu 45.000 đồng/tấn, có tỉnh thu 10.000 đồng/tấn tùy thuộc vào giá tính thuế do tỉnh quy định. Hay như ngoài lệ phí tài nguyên, có tỉnh còn thu phí giao thông 60.000 đồng/tấn. Các mức thu thuế và lệ phí trên hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng tăng lên khiến cho chi phí của nhà đầu tư luôn phải chịu những biến động khó lường.
Rủi ro tiếp theo là từ công tác địa chất, ngành đánh giá theo số liệu dự báo về trữ lượng và hàm lượng bình quân của tài nguyên khoáng sản mà mỗi cấp độ dự báo chính xác càng cao thì chi phí càng lớn. Để có thể có số liệu đi đến quyết định cuối cùng thì nhà đầu tư đã phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để làm công tác địa chất.
Quyết định đó có thể là tài nguyên không đủ để đầu tư khai thác công nghiệp và chịu thua lỗ chi phí làm địa chất. Hoặc trữ lượng tài nguyên không đạt được con số kỳ vọng, chi phí làm địa chất phân bổ sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, sản phẩm sẽ không cạnh tranh và hiệu quả thu được không cao. Và còn một loại rủi ro rất lớn nữa đến từ thị trường, tác động đến suốt cả tuổi đời của dự án.
Hai loại rủi ro sau thì bất cứ một nhà đầu tư nào tham gia vào ngành công nghiệp khai thác tài nguyên cũng phải chấp nhận. Nó có thể được giảm thiểu nếu Nhà nước có một quy hoạch rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch đó trên toàn quốc, cẩn trọng trước sự “xé rào” của nhiều địa phương, thay vì để các nhà đầu tư tự tìm hiểu và tham gia vào các dự án, ở mỗi nơi mỗi cách, trên một nền chính sách cấp tỉnh thiếu nhất quán, đồng bộ và đặt mục tiêu thu ngân sách địa phương lên làm tiêu chí hàng đầu.
Hơn một năm gần đây khi giá cả của các nguyên liệu cơ bản tăng chóng mặt, thì ngành khai khoáng Việt Nam cũng trở nên sôi động, từ trung ương đến địa phương. Trung Quốc tích cực mua các loại nguyên liệu thô và việc khai thác lậu và xuất lậu sang Trung Quốc diễn ra hàng ngày. Những tháng cao điểm, quặng sắt xuất khẩu từ cảng Việt Trì đạt 70.000 tấn/tháng.
Tuy nhiên, ở địa phương, sự sôi động đó chỉ dừng lại ở khâu cấp phép khai thác đối với điểm mỏ cho các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp chỉ tranh thủ khai thác lậu tại địa phương mà sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô nhằm xuất khẩu kiếm lời trong khi đó ngân sách địa phương cũng chẳng thu được bao nhiêu do giá trị thương mại của sản phẩm thô xuất khẩu không lớn, chưa kể những bất cập về buông lỏng quản lý xuất khẩu, giá tính thuế xuất khẩu, gian lận trong khai báo thuế tài nguyên...
Công tác điều tra đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia cũng như những điểm mỏ do địa phương quản lý không được coi trọng. Và theo đó công tác quy hoạch phát triển ngành khai khoáng của địa phương hoàn toàn bị bỏ qua. Các điểm mỏ hàng ngày bị xé nhỏ, cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp không có kinh nghiệm kỹ thuật công nghệ, không có tiềm lực tài chính, không có đánh giá địa chất đầy đủ để có thể quyết định đầu tư chế biến sâu ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn sản phẩm thô. Tất cả chỉ dừng ở phân chia quyền sở hữu mỏ hoặc khai thác thổ phỉ để xuất khẩu quặng thô.
Công tác điều tra đánh giá tổng thể nguồn nguyên liệu để làm cơ sở đầu tư cũng không có, quy hoạch phát triển ngành trên cơ sở nguồn nguyên liệu địa phương không có, bản thân các điểm mỏ đã bị xé lẻ cấp cho các doanh nghiệp khác nhưng lãnh đạo của các địa phương luôn ra điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh phải chế biến sâu. Như các dự án đầu tư vào khai thác quặng sắt, địa phương yêu cầu dự án đầu tư phải làm ra sản phẩm gang hoặc phôi thép, thép thành phẩm mới được chấp thuận mà không phải tỉnh nào cũng đủ điều kiện để làm.
Thuế chỉ là công cụ cuối cùng
Sự ra đời của Luật Thuế tài nguyên trong thời gian tới, xét cho cùng cũng chỉ nhằm siết chặt hơn việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên toàn quốc, tránh thất thoát và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, để công cụ thuế được thực thi có hiệu quả, cần phải có những quy hoạch, chính sách rõ ràng, đồng nhất từ trung ương đến địa phương thì mới quản lý được tận gốc các nguồn tài nguyên, thay cho việc “đụng đâu, thu đó”.
Giải pháp phát triển công nghiệp khai khoáng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phải bắt đầu từ các dự án khai thác mỏ, cần theo đúng Luật Khoáng sản và theo cam kết của các doanh nghiệp, nếu dự án không triển khai theo đúng tiến độ thì sẽ bị thu hồi. Các dự án hết hạn đều không cho gia hạn.
Với thực trạng khá lộn xộn ở các địa phương hiện nay, việc cấp phép mỏ mới cho các doanh nghiệp nên dừng lại và phải tập hợp các điểm mỏ, lập danh sách theo nhóm nguyên liệu và tổ chức đấu thầu theo nhóm. Tiếp đến là lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong ngành khai khoáng, có dự án đầu tư chế biến và có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu nhà đầu tư lập đề án và triển khai đánh giá thăm dò địa chất, quy hoạch các điểm mỏ làm nguồn nguyên liệu, báo cáo kết quả đánh giá thăm dò địa chất.
Với kết quả thăm dò địa chất, nếu nhà đầu tư tiếp tục dự án thì yêu cầu lập dự án khả thi về chế biến, lựa chọn sản phẩm, quy mô, công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư triển khai dự án đã được phê duyệt. UBND tỉnh giám sát tiến trình thực hiện dự án. Những bước đi trên là cách làm cho nguồn nguyên liệu vốn ít ỏi, phân tán được đánh giá đúng trữ lượng, được tập trung sử dụng.
Nguồn nguyên liệu tập trung sẽ giúp cho việc lựa chọn công nghệ, quy mô lớn và giảm chi phí sản xuất. Nguyên liệu được chế biến sâu, không còn xuất thô, giá trị thương mại cao hơn, tận thu sử dụng có hiệu quả. Theo đó, các dự án đảm bảo có nguồn bao tiêu sản phẩm, tránh được những tác động về biến động giá trên thị trường.
Riêng về vấn đề thuế suất thuế tài nguyên, trước mắt cần thống nhất phương thức thu thuế. Các địa phương thu 5% trên giá tính thuế rất khác nhau, không linh hoạt theo giá cả biến động liên tục trên thị trường, có địa phương tính thuế suất trên cơ sở tính giá quặng lúc là 900.000 đồng/tấn, có địa phương chỉ tính giá 200.000 đồng/tấn, cũng có lúc lại tính là 300.000 đồng/tấn, trong khi giá thị trường một tấn quặng sắt bán tại mỏ như thời điểm hiện tại chỉ từ 120.000-150.000 đồng/tấn.
Cũng nên thu thuế tài nguyên theo dự án được duyệt. Từ kết quả báo cáo địa chất và dự án được duyệt, xác định trữ lượng và chia theo tuổi đời dự án, Nhà nước thu thuế tài nguyên cho một, hai hoặc ba năm đầu tiên ngay trước khi cấp phép khai thác. Từ các năm sau sẽ thu theo từng năm.
Trong thời điểm hiện nay, khi suất đầu tư vào các dự án khai khoáng rất lớn, hiệu quả kinh tế lại không cao, giá cả quốc tế biến động giảm làm giảm hiệu quả dự án, công nghiệp khai khoáng là ngành non trẻ, Nhà nước không nên nâng thuế tài nguyên lên với biên độ cao (5-30%) như đề xuất của Bộ Tài chính. Việc thất thu thuế tài nguyên không phải do thuế suất thấp mà do gian lận thương mại, kê khai thuế không đúng với sản lượng khai thác cũng như xuất bán, nhất là xuất lậu.