Thắt - mở chuyện đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước
- 22/07/2012
Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Theo thông tin từ ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những điểm khác biệt đáng chú ý trong Dự thảo lần này là có những bổ sung trong phạm vi điều chỉnh.
Ông Tăng cho biết, Luật Đấu thầu hiện tại chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, gồm dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển, dự án nhằm cải tạo, sửa chữa lớn thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình... của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong khi trên thực tế, đã xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của Nhà nước, mà chưa được điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện, như các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án hợp tác công - tư (PPP), dự án sử dụng đất, các hoạt động mua sắm của DNNN trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
“Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật số 38/2009/QH12 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh để đạt được mục tiêu quản lý nguồn lực của Nhà nước một cách hiệu quả nhất”, ông Tăng nói và cho biết, đây cũng là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nêu tại Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2011 đã gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.
Chính vì vậy, Ban Soạn thảo đã đưa các quy định về hoạt động đấu thầu của DNNN, việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DNNN sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư… vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.

Biếm họa về hoạt động đấu thầu - Tranh của Báo Tuổi trẻ
Hiện tại, ông Tăng cho biết, có nhiều ý kiến trái chiều về việc đấu thầu của DNNN. Có ý kiến cho rằng, tất cả hoạt động mua sắm của DNNN có sử dụng vốn nhà nước từ 30% (hoặc 50%) trong tổng mức đầu tư, dự toán thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu (kể cả mua sắm thường xuyên và mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hạch toán vào chi phí giá thành của doanh nghiệp) (Phương án 1).
Ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng, chỉ nên quy định bắt buộc tuân thủ Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong trường hợp DNNN thực hiện dự án đầu tư, dự án mua sắm tài sản phục vụ cải tạo, sửa chữa lớn của doanh nghiệp (Phương án 2).
“Các thành viên Ban Soạn thảo Luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêng về Phương án 2, bởi các hoạt động mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư và mua sắm thường xuyên cần chủ động và thời gian rất gấp, nên để doanh nghiệp tự quyết định quá trình mua sắm, lựa chọn nhà thầu cung cấp”, ông Tăng nói, song cũng bày tỏ quan điểm rằng, vấn đề này cần được thảo luận kỹ, vì vốn nhà nước sử dụng mua nguyên, nhiên, vật liệu và vật tư của DNNN rất lớn, nhằm tránh trường hợp cơ quan quản lý nhà nước không có thông tin, không giám sát được, dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.
Đồng quan điểm, một thành viên Ban Soạn thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, đến từ Văn phòng Chính phủ cho rằng, chỉ nên quy định một mức độ vừa phải các quy định về đấu thầu của DNNN.
“Nếu buộc các hoạt động mua nguyên, nhiên, vật liệu của DNNN cũng phải thông qua đấu thầu thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Hơn nữa, chuyện thất thoát, lãng phí đối với các DNNN hiện nay không phải nằm ở việc đấu thầu, mà là ở quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Tới đây, phải quản chặt hơn vấn đề này”, vị này nói.
Không nên bắt DNNN phải đấu thầu mua sắm nguyên, vật liệu, mà thay vào đó là chào hàng cạnh tranh. Đó cũng là quan điểm được không ít thành viên Ban Soạn thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đồng tình. Tuy nhiên, thành viên Ban Soạn thảo đến từ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cho phép doanh nghiệp tự quyết định việc mua sắm để tránh ách tắc trong quá trình hoạt động của họ, nhưng cũng phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người lãnh đạo. “Nếu việc mua sắm có vấn đề, lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, vị này nói.