Thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá - một giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân
- 08/12/2011
Thực tế cho thấy, đã có nhiều nhiều quốc gia xây dựng và ban hành Quỹ PCTHTL và đạt đươc nhiều kết quả khả quan. Điển hình như ở Thái Lan có Quỹ nâng cao sức khỏe ThaiHealth được thành lập năm 2001 với tổng kinh phí quỹ 109 triệu USD. Thông qua quỹ này, Thái Lan đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả: Vận động thành công các chính sách cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; tăng thuế thường xuyên, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; giảm tỉ lệ người hút thuốc trong nhà từ 86% năm 2000 xuống còn 59% năm 2006; thiết lập dịch vụ điện thoại và trung tâm tư vấn liệu pháp cai thuốc lá trên toàn quốc...
Nước ta đã ban hành nhiều chính sách PCTHTL nhưng do thiếu chế tài cụ thể nên hiệu quả thực thi chưa cao. Ảnh: danviet.vn
Quỹ nâng cao sức khỏe của Australia với các hoạt động PCTHTL từ năm 1971 đến năm 1998 đã làm giảm 17.400 ca tử vong sớm, trong đó, giảm 6.900 ca tử vong do bệnh tim, 4.000 ca tử vong do ung thư phổi, 3.600 ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 2.900 ca tử vong do đột quỵ và các bệnh ung thư khác. Lợi ích kinh tế do hoạt động PCTHTL tạo ra là 7.812 triệu USD, lớn hơn gấp nhiều lần chi phí thực hiện hoạt động là 136 triệu USD (nghiên cứu năm 2011).
Theo báo cáo của Quỹ Vì sức khỏe ở Mỹ năm 2008, Quỹ đầu tư 10 USD/người/ năm cho các hoạt động để giảm hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể chất và cải thiện dinh dưỡng đã tiết kiệm được cho đất nước này hơn 16 tỉ USD/năm trong vòng 5 năm.
Được biết, hiện nay, trên thế giới đã có 30 quốc gia đã thành lập quỹ nâng cao sức khỏe để hỗ trợ thực hiện hoạt động PCTHTL. Kinh nghiệm từ các nước đã cho thấy: Việc mở rộng các cơ chế tài trợ bền vững và dành riêng cho các chương trình nâng cao sức khỏe sẽ làm giảm nhu cầu chi tiền cho các dịch vụ chữa bệnh, đem lại không chỉ lợi ích sức khỏe cho người dân mà còn cả lợi ích kinh tế cho quốc gia.
Sự cần thiết của việc thành lập Quỹ PCTHTL ở Việt Nam
Theo đánh giá của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và cũng theo dự báo của WHO đến năm 2020 số người chết do thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS và tai nạn giao thông. Tổng chi phí xã hội do ba loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ thuốc lá gồm: ung thư phổi, nhồi máu cơ tim hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra là trên 1.000 tỷ đồng/năm, tương đương với khoảng 20% tổng chi tiêu ngân sách cho y tế.
Hơn 20 năm qua, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về PCTHTL. Cụ thể, năm 1989, khi ban hành Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, khoản 3 điều 15 Luật này đã quy định: “Cấm hút thuốc trong phòng họp, rạp chiếu bóng, rạp hát và những nơi công cộng khác…”. Năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12/2000/NQ-CP về chính sách PCTHTL giai đoạn 2000-2010. Năm 2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chung về kiểm soát thuốc lá, Công ước này bao gồm các quy định về giảm cung cầu và giảm tác hại thuốc lá. Ngày 10/5/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12/2007/CT-TTg về việc tăng cường hoạt động PCTHTL. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Tài chính… đã có chương trình hành động cụ thể về việc thực hiện quy định của Chính phủ về PCTHTL.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và đánh giá dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kế thừa được các quy định của Chính phủ trước đây và phát huy được kinh nghiệm của các nước trong kỹ thuật xây dựngLuật nhằm triển khai có hiệu quả các công ước mà Việt Nam đã ký kết.
Mục tiêu quan trọng của việc ban hành Luật PCTHTL là đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng các biện pháp giảm dần nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm dần nguồn cung cấp sản phẩm thuốc lá, từ đó giảm đáng kể tỷ lệ mắc và chết do sử dụng thuốc lá gây ra. Thực tiễn công tác PCTHTL trên thế giới đã cho thấy, việc thực hiện các biện pháp này có hiệu quả hay không đòi hỏi nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức, thiết lập nguồn tài chính, tổ chức nhân lực và cơ chế thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Do đó, để thực hiện được mục tiêu của Luật PCTHTL, Nhà nước cần có biện pháp bảo đảm về tài chính một cách bền vững, tập trung, có tính bứt phá, đặc thù thì mới đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTHTL và thực hiện được mục tiêu của Luật trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam chưa chủ động được nguồn tài chính trong công tác PCTHTL, còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài trợ quốc tế nên việc tổ chức thực hiện hoạt động PCTHTL không đồng bộ và thiếu thường xuyên. Tình trạng này sẽ càng gặp khó khăn hơn khi Việt Nam đã chính thức bước khỏi ngưỡng nghèo và ngày càng nhận được ít đi từ các nguồn tài trợ. Bởi vậy vấn đề thành lập quỹ dành cho hoạt động PCTHTL ngày một trở nên cấp thiết.
Theo bác sĩ Phan Thị Hải- Phó chánh văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH), Bộ Y tế, một trong những giải pháp để có nguồn kinh phí thường xuyên và đủ lớn cho hoạt động PCTHTL theo khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm của các nước trên thế giới đó là thành lập Quỹ PCTHTL và nâng cao sức khỏe hoặc Quỹ Nâng cao sức khỏe.
Theo đó, nước ta có thể học tập kinh nghiệm của các nước để đáp ứng nhu cầu về kinh phí cho hoạt động PCTHTL. Hiện nay trong dự thảo Luật PCTHTL có quy định việc thành lập Quỹ PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng, theo bà Hải đây là biện pháp tài chính bảo đảm mục tiêu và tính khả thi của Luật PCTHTL sau khi ban hành. Nguồn hình thành chủ yếu của Quỹ này từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, tính theo mức tuyệt đối trên mỗi bao thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng là môt giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam trong hiện tại và tương lai, làm giảm các chi phí kinh tế xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra./.