Tài trợ khủng bố ‘khó vào’ Luật phòng chống rửa tiền

Hoạt động tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền nên ban soạn thảo Luật phòng chống rửa tiền đã bổ sung lĩnh vực này vào phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, việc mở rộng gặp nhiều ý kiến không đồng tình.

Tài trợ khủng bố ‘khó vào’ Luật phòng chống rửa tiền

Hoạt động tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền nên ban soạn thảo Luật phòng chống rửa tiền đã bổ sung lĩnh vực này vào phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, việc mở rộng gặp nhiều ý kiến không đồng tình.

Lần đầu tiên được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, ban soạn thảo đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo luật lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền.

Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, do vậy cũng có thể quy định về chống tài trợ khủng bố trong luật. Tuy nhiên, với phạm vi như vậy, luật cần đổi tên là “Luật Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.

Trong khi đó, đại diện của phía Ngân hàng Nhà nước bổ sung, việc đưa nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố vào dự án luật cũng là thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Công ước 1999 về ngăn chặn tài trợ khủng bố.

Ảnh: Hoàng Hà
Tách riêng tài trợ khủng bố ra khỏi Dự thảo luật phòng chống rửa tiền. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý khác lại không đồng tình với việc bổ sung đầy đủ lĩnh vực tài trợ khủng bố vào dự thảo luật lần này. Ủy ban Pháp luật đề xuất nên từng bước thực hiện, trước tiên cần xem xét hành vi rửa tiền nhằm mục đích tài trợ khủng bố.

Ủy ban Kinh tế bổ sung, luật này chỉ nên quy định về phòng chống rửa tiền và lấy tên gọi là "Luật phòng chống rửa tiền". Tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp với hoạt động khủng bố, nên cần quy định trong Luật phòng chống khủng bố và không nên đưa thêm vào luật phòng chống rửa tiền.

Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh cũng nêu thêm băn khoăn khi bổ sung lĩnh vực “tài tợ khủng bố” vào luật vì chưa có khái niệm thế nào là khủng bố.

Cho rằng dự thảo luật phòng chống rửa tiền lần này có tính chất nghiệp vụ nhiều, ông Ksor Phước, Chủ tịch hội đồng Dân tộc bày tỏ quan điểm, nên giới hạn tên gọi là “Luật phòng chống rửa tiền”. Riêng yếu tố tài trợ khủng bố nên được loại ra vì tiền sau khi “rửa” còn được dùng làm nhiều thứ, chứ không đơn thuần chỉ để tài trợ khủng bố. Ông Ksor Phước cũng đề xuất cần quy định rõ những dấu hiệu để xác định những kênh mà “tiền bẩn” có thể thâm nhập vào nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định luật ban ra để hội nhập quốc tế song cũng cần chọn lọc, không phải cái gì cũng hội nhập theo nước ngoài. Trong dự thảo luật lần này có nhiều khái niệm chồng chéo, lẫn trong luật và pháp lệnh khác nên cần được cân nhắc, ông nhận định.

“Chúng tôi cũng thống nhất không đưa yếu tố tài trợ khủng bố vào dự thảo lần này. Nếu đưa vào, phải nói rõ thế nào là tài trợ, thế nào là khủng bố, có phải một câu đưa vào được là xong đâu, nó còn ràng buộc bởi luật khác”, ông Hiện chia sẻ.
Kết luận phiên thảo luận về dự thảo luật phòng chống rửa tiền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có một số khái niệm còn chưa rõ: Thế nào là tội? Tiền nào là "tiền bẩn", tiền nào là "tiền sạch"? Nếu tịch thu tài sản tài trợ khủng bố thì ai là người tịch thu? Tòa án có quy định tội khủng bố chưa?...

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng dự thảo chưa có quy định khung hình phạt xử lý. Do đó, cần thảo luận kỹ lưỡng mới trình luật phòng chống rửa tiền ra quốc hội đồng thời chuẩn bị thêm về luật phòng chống khủng bố.

Ông cũng khuyến cáo, nên xem xét lại phạm vi điều chỉnh luật, nếu cần thiết đưa yếu tố "tài trợ khủng bố" vào luật thì nên ra thành một chương riêng. Dù còn nhiều quan điểm trái chiều, song dự thảo này vẫn sẽ đưa ra Quốc hội để lấy thêm ý kiến đại biểu. Riêng những vấn đề thảo luận trong cuộc họp chiều qua, ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Ủy ban Kinh tế thẩm tra đề nghị báo cáo Chính phủ xem xét lùi lại khái niệm "tài trợ khủng bố" trong luật.

Ngày 7/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, đây chưa phải là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất nên vẫn chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ với các văn bản có hiệu lực cao hơn. Các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trong văn bản này cũng chưa được đáp ứng.

Tuệ Minh

Tuệ Minh/http://vnexpress.net