Sửa luật phải bám sát bản chất hợp tác xã

NDĐT – Theo các đại biểu Quốc hội, nếu không quy định hợp tác xã như một doanh nghiệp thì động lực hoạt động sẽ yếu đi, nhưng còn nếu coi đó là một loại hình doanh nghiệp thì sẽ không cần Luật Hợp tác xã nữa.

Sửa luật phải bám sát bản chất hợp tác xã

Đại biểu Danh Út: "Nếu coi HTX là một loại hình doanh nghiệp thì không cần Luật HTX nữa". 

Sáng 19-6, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi.

Vai trò hợp tác xã ngày càng mờ nhạt

Luật hợp tác xã năm 2003 qua tám năm đi vào thực hiện đã đem lại một số kết quả góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, qua tám năm thực hiện, luật này cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo thống kê, số lượng hợp tác xã không tăng qua từng năm mà giảm. Từ năm 2007 có 14.500 hợp tác xã, đến năm 2009 giảm chỉ còn 12.249 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã nông nghiệp chiếm gần 45% và loại hợp tác xã này đang gặp khó khăn về vốn, về tiêu thụ sản phẩm, mở rộng kinh doanh sau khi thành lập.

Hợp tác xã chưa thoát ra khỏi yếu kém kéo dài về trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động nói chung thấp. Có hơn 3.744 hợp tác xã có tên nhưng không hoạt động, chiếm 20,3% tổng số hợp tác xã.

Nhiều hợp tác xã hoạt động hình thức, hoặc lúng túng trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động, chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, tổ chức hợp tác xã chưa hấp dẫn nhân dân.

Đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã giảm sút liên tục trong 15 năm qua (từ gần 11% năm 1995, giảm xuống 7,09% năm 2004 và chỉ còn đạt 5,22% năm 2010). Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể rất thấp, chỉ bằng khoảng ½ tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác.

Dự báo trong những năm tới, đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể có thể sẽ tiếp tục giảm và tốc độ tăng trưởng cũng vẫn sẽ ở mức rất thấp, do vậy không những không đạt mà có thể ngày càng xa mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề là từ nay đến năm 2010, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế.

Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời năm 1996. Đến năm 2003, tức bảy năm sau đã sửa đổi một lần. Và sau tám năm, chúng ta tiếp tục sửa luật một lần nữa với hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác xã phát triển.

Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), xét về mặt kinh tế hợp tác xã đóng góp không nhiều, nhưng phải nhận thấy rằng hợp tác xã có tính xã hội, hiệu quả xã hội rất cao, đó thực sự là nhân tố xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường nước ta.

Theo Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), chúng ta vẫn kỳ vọng là hoàn thiện một khung pháp lý để khuyến khích phát triển loại hình hợp tác xã mà theo nghị quyết của Đảng đó là hình thức chủ yếu của kinh tế tập thể. Tuy nhiên, qua hai lần sửa luật vừa rồi thì chúng ta cũng không phát triển được hợp tác xã.

“Chúng ta kỳ vọng lần này sẽ tạo một chuyển biến đột phá, nhưng tôi nghĩ rằng nguyên nhân hợp tác xã không phát triển, ngoài nguyên nhân từ khung pháp lý của luật còn nhiều nguyên nhân khác. Nếu chúng ta quá kỳ vọng sửa luật lần này sẽ tạo cho hợp tác xã như được chắp cách, tôi nghĩ chúng ta kỳ vọng hơi nhiều”, ông Lịch nói.

Tuy nhiên, ông vẫn đồng tình phải sửa luật để tiếp cận nhiều hơn với cách phát triển của thế giới mà nhiều nước có phong trào hợp tác xã rất mạnh.

Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp đặc thù?

Một trong những điều gây tranh cãi trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi là bản chất của hợp tác xã, nó có phải là một loại hình doanh nghiệp không.

Điều 4 dự thảo Luật Hợp tác xã định nghĩa: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, tự chủ và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, được quản lý dân chủ, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập theo quy định của luật này, hợp tác giúp đỡ nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên”.

Đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) cho rằng, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp có sự khác biệt. Sự khác biệt đó không chỉ ở chỗ quyền quyết định trong đại hội xã viên mỗi người một phiếu bầu, mà còn khác biệt ở mục đích thành lập, các nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa vụ của xã viên đối với hợp tác xã và quy định về quản lý phân phối. Sự khác biệt đó làm nên bản chất của hợp tác xã và giá trị to lớn của hợp tác xã.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, hợp tác xã khác biệt so với doanh nghiệp nhưng việc không xác định hợp tác xã là doanh nghiệp lại tác động rất lớn đến tư duy kinh tế của hợp tác xã, đưa hợp tác xã về gần hơn với tổ chức xã hội, mất đi động lực phát triển theo chiều sâu, cuối cùng chất lượng phục vụ của thành viên không được nâng cao. Ông đề nghị xem xét và quy định rõ trong Điều 4 dự thảo xác định hợp tác xã là doanh nghiệp tập thể hoặc doanh nghiệp đặc thù.

Bản chất hợp tác xã được quy định tại Điều 4 theo dự thảo luật đã khẳng định: hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể bình đẳng với mọi loại hình tổ chức, kinh tế khác. Tại Khoản 3, Điều 6 quy định, bảo đảm đơn vị pháp lý và điều kiện sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã bình đẳng với các loại hình tổ chức kinh tế khác. Tại Khoản 1, Điều 9 quy định: hợp tác xã tự chủ hoạt động, sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Đồng tình với ý kiến của ông Chiến, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong dự thảo luật không quy định hợp tác xã là doanh nghiệp hay hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Nhưng một số quy định như dự thảo đã toát lên bản chất hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp.

“Dự thảo luật vừa né tránh hợp tác xã là doanh nghiệp, nhưng nếu quy định như các điều khoản trên và nội dung trong luật thì hình như lại công nhận hợp tác xã là doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được làm rõ một khi chúng ta xác định đúng bản chất của hợp tác xã thì các nội dung khác xuyên suốt của dự thảo luật mới toát lên được và như vậy mới đáp ứng được mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật hợp tác xã”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, cần khẳng định hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp với đặc trưng rất riêng, mỗi thành viên có quyền biểu quyết ngang nhau, không phụ thuộc vào góp vốn. Điều đó vừa đúng với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể mà hợp tác xã là nòng cốt và cũng thể hiện hợp tác xã không phải hoạt động với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà vì lợi ích thành viên.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đồng ý phải làm rõ nét hơn tính chất kinh tế, tính chất doanh nghiệp trong hợp tác xã.

Không chỉ vì lợi ích kinh tế

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đã phản bác lại quan điểm trên. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói, nếu xem hợp tác xã là doanh nghiệp đặc thù thì không cần ban hành Luật Hợp tác xã, chỉ sửa một số điều trong Luật Doanh nghiệp là xong.

Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), phải khẳng định rõ hợp tác xã có bản chất khác với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường đại chúng nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, cho doanh nghiệp là chủ sở hữu. Trong khi đó hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các thành viên có chung nhu cầu, lợi ích, tự nguyện lập ra. Theo đó thành viên hợp tác xã vừa là người góp vốn, trở thành chủ sở hữu, vừa là người sử dụng sản phẩm dịch vụ hợp tác xã. Bản chất hợp tác xã thể hiện ở mục đích hoạt động vì lợi ích thành viên khác với doanh nghiệp hoạt động có mục đích tối đa hóa lợi nhuận.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) dẫn định nghĩa bản chất hợp tác xã được quy định tại Điều 4 Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về kinh tế tập thể: "Hợp tác xã là loại hình doanh nghiệp được vay vốn bình đẳng như doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế khác".

Theo ông Huỳnh Nghĩa, những giá trị phổ biến của hợp tác xã là tự trợ giúp, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng và đoàn kết. Như vậy, có thể thấy hợp tác xã không chỉ lấy lợi ích kinh tế mà cả các lợi ích xã hội, lợi ích của các thành viên làm mục tiêu hoạt động của hợp tác xã được tổ chức theo giá trị và nguyên tắc của một tổ chức xã hội. Lấy con người và lợi ích xã viên làm trung tâm, lấy đối nhân làm nguyên tắc tổ chức và hoạt động.

Ông đề nghị cần phải dựa vào nội dung đã được đúc rút và khẳng định đó để có những quy định thích hợp đối với các tổ chức và hoạt động của hợp tác xã. Xác định rõ những đặc thù của hợp tác xã, quy định theo hướng hợp tác xã phải được bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lại quan tâm đến hợp tác xã nông nghiệp vốn đang chiếm 9.085/14.500 hợp tác xã, với 6,7 triệu xã viên là các hộ nông dân nhỏ, lẻ.

Về cơ bản, ngày nay xã viên vào hợp tác xã nông nghiệp, ruộng đất nhà ai vẫn của nhà ấy. Xã viên chỉ góp vốn để mua sắm một số tài sản chung cần thiết để làm dịch vụ cho chính mình mà một hộ không làm được hoặc làm kém hiệu quả. Thay vì chủ yếu làm dịch vụ cho người khác như các hợp tác xã dịch vụ, thậm chí 95% các hợp tác xã chuyển đổi thì xã viên không góp vốn thêm mà chỉ tiếp tục khai thác các hệ thống thủy lợi và cơ sở vật chất đã có từ trước. Do vậy, đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay có rất ít vốn, bình quân chỉ có 816 triệu đồng. Trong đó 31% là vốn lưu động và thực tế 80% hợp tác xã đang làm dịch vụ thủy lợi, 30% làm dịch vụ cung ứng vật tư, 97% làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 20% làm dịch vụ làm đất…

Do vậy, theo Bộ trưởng Phát, quy định về điều kiện thành lập, vận hành, và chính sách của Chính phủ đối với hợp tác xã nông nghiệp phải khác so với hợp tác xã dịch vụ và doanh nghiệp.

THẢO LÊ - MINH NHẬT/http://nhandan.org.vn