Sửa đổi Luật Lao động: Chưa như kỳ vọng

Ngày 16-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận 3 Dự án Luật gồm: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong khi việc chế tài xử phạt ở dự thảo Luật Phòng, chống thuốc lá chưa rõ ràng khiến nhiều ĐB băn khoăn không biết sẽ thực thi thế nào nếu đi vào thực tế, thì khi thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các ĐBQH lại cho rằng dự luật chưa như kỳ vọng.

Sửa đổi Luật Lao động: Chưa như kỳ vọng

Một vụ ngừng việc liên quan đến tiền lương tại một doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM. Ảnh internet
 
Khó xử phạt

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), những điều cấm quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chế tài chưa đủ mạnh, chưa cụ thể, mới chỉ mang tính định hướng. Việc giao cho các bộ, ngành địa phương thực hiện chế tài là không khả thi mà cần phải quy định cụ thể hơn nữa trong Luật để dễ thực hiện. ĐB Bùi Mạnh Hùng đề xuất, ngoài quy định về chế tài phải coi trọng phương pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe. Do đó, cần quy định trách nhiệm cho các cơ quan truyền thông và có kinh phí thường xuyên lâu dài cho các cơ quan này để thực hiện nhiệm vụ.

Đồng tình với việc cần phải ban hành Luật này, tuy nhiên ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn: trong nhà, trong khuôn viên, cơ sở giáo dục, y tế… rất khó thực hiện. Khái niệm “khuôn viên” như dự thảo Luật đề cập rất rộng, mà rộng thì khó kiểm soát. Trong khi đó, dự thảo Luật lại quy định các nhà hàng, quán bar, karaoke lại được hút thuốc ở ngoài trời. Như vậy là không bình đẳng trong một quy định, ĐB nhấn mạnh.

Phát biểu khá ngắn gọn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: Người dân thực hiện quyền của mình như thế nào đây khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được thông qua. Bởi nếu người đứng đầu cơ quan hút thuốc lá, các công chức ngồi trong phòng máy lạnh nhả khói thuốc lá… thì xử phạt thế nào, ai là người thực hiện. ĐB Cương cũng không quên nhắc lại lời của một ĐB đã phát biểu tại những phiên họp trước đó: Khi người đại diện của Nhà nước thực hiện pháp luật không nghiêm thì người dân sẽ nhờn luật!

Khá thẳng thắn, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, với tinh thần đổi mới của QH lần này, dự thảo Luật cần ngắn gọn hơn. ĐB đặt vấn đề: Không đặt quyền lợi của 15% dân số trước quốc dân đồng bào. ĐB đề nghị nên ủy quyền xử phạt, nếu không sẽ rơi vào tình trạng không ai bị xử phạt cả.

Đồng quan điểm trên, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh như nhiều nước đã thực hiện, đánh vào túi tiền của người hút là biện pháp hiệu quả nhất. Còn nếu xây phòng riêng dành cho người hút thuốc lá thì người hút thuốc cũng phải nộp lệ phí, ĐB này đề nghị.

Có giải quyết được tình trạng đình công?

Thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều ĐB băn khoăn vì theo như dự thảo Bộ Luật vẫn chưa giải quyết được tình trạng đình công của công nhân hiện nay. Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), tình trạng đình công tới đây sẽ không giảm. ĐB đề nghị cần sửa đổi triệt để Chương 14 về giải quyết tranh chấp lao động của dự thảo Bộ Luật và phải có giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Ngoài ra, vấn đề tiền lương phải sát thực tế, cộng  với các chính sách về nhà ở, nhà trẻ, giáo dục… cho công nhân.

Cũng lo lắng về vấn đề này, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng, dự thảo Bộ Luật cần đưa ra một cơ chế cụ thể trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. “Thương lượng tập thể cũng là nội dung mới. Từ thực tế tại TP.HCM, người lao động luôn muốn thu nhập nhiều hơn, trong khi người chủ doanh nghiệp muốn lợi nhuận, do vậy cần dung hoà giữa hai vấn đề này”, ĐB gợi ý.

Đồng ý với ý kiến trên, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) bổ sung thêm, có 2 loại đình công, vì quyền và vì lợi ích, do vậy không thể tách rời giữa quyền và lợi ích. ĐB nêu một thực tế, các cuộc đình công không đúng trình tự hay nói cách khác là vi phạm pháp luật do trình tự đình công còn rườm rà.

Trong khi đó, quy định trong dự thảo Luật về cử đại diện tổ chức đình công, cơ chế như thế nào, trách nhiệm pháp lý tới đâu và khi nào chấm dứt đại diện này đều không có. Nếu làm kỹ được vấn đề này, sẽ tránh được sự lợi dụng của kẻ xấu, tránh việc kích động dẫn đến đình công kéo dài như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, những vấn đề như mức lương tối thiểu, vấn đề làm thêm giờ, thời gian nghỉ thai sản, quyền và tuổi nghỉ hưu cũng nhận được sự quan tâm của các ĐBQH. Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) mức lương tối thiểu phải bám theo đời sống của người dân, có như vậy đời sống của người công nhân mới tăng cao được và ngăn chặn tình trạng đình công đang diễn ra ở nhiều nơi hiện nay.

ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho biết, theo Tổng Liên đoàn lao động, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu của người lao động. Vậy chương quy định về tiền lương sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, trong khi dự thảo còn quy định khá chung chung. Bên cạnh đó, theo một số ĐB, việc nghỉ thai sản cũng không có gì mới khi quay lại quy định nghỉ 6 tháng như trước đây và tuổi nghỉ hưu của nữ giới sau nhiều lần đề xuất cũng không có thay đổi.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang):
 
“Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là một trong những Bộ Luật rất lớn, trong đó bao hàm rất nhiều vấn đề. Vị trí pháp lý như thế nào cũng nên cân nhắc. Nhìn chung sửa đổi luật lần này cũng không to tát. Vấn đề nghỉ hưu, chỉ quy định thêm một số đối tượng; giờ làm việc thì "phú quý giật lùi", lại tăng thêm giờ làm thêm; nghỉ thai sản tăng không bao nhiêu mà chỉ là quay lại như ngày xưa. Mong muốn ra Luật này để giải quyết tình trạng đình công thì không giải quyết được”.

 

Minh Anh/Báo Hải Quan online