Sửa đổi Hiến pháp 1992: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực

Quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, mang bản chất nhân dân và phục vụ nhân dân, nhưng không phải lúc nào quyền lực nhà nước cũng đạt được mục tiêu đó vì có khi chúng bị tha hóa.Đây là một trong những ý kiến được các học giả đưa ra tại Hội thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, diễn ra tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 7/12/2011.

Cập nhật lúc :8:51 AM, 08/12/2011

Quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, mang bản chất nhân dân và phục vụ nhân dân, nhưng không phải lúc nào quyền lực nhà nước cũng đạt được mục tiêu đó vì có khi chúng bị tha hóa.

Đây là một trong những ý kiến được các học giả đưa ra tại Hội thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, diễn ra tại Hà Nội ngày 7/12.

Hạn chế chuyên quyền, lộng quyền

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ (Văn phòng Chính phủ), quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, mang bản chất nhân dân và phục vụ nhân dân. Tuy vậy, không phải lúc nào quyền lực nhà nước cũng đạt được những mục tiêu cao cả đó, vì có khi chúng bị tha hóa trở thành của riêng của kẻ mạnh thống trị xã hội. Bởi vậy, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Khiển đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề “kiểm soát quyền lực Nhà nước” tại điều 2 Hiến pháp 1992. Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. “Một khi đã có sự phân công các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phải có sự kiểm soát các cơ quan thực hiện những quyền lực đó, mới bảo đảm được quyền lực nhà nước là thống nhất, mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền”, TS Khiển phân tích.

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực

TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.


TS Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế TPHCM), cũng cho rằng, xác định nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức như hiện nay đã tạo nên bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, bởi vô hình trung đã chia công dân ra thành hai hạng: công dân cơ bản và không cơ bản. Theo TS Hảo, trong thực tế, tầng lớp doanh nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn sẽ  bị xem nhẹ.

GS Lê Văn Cảm (ĐH Quốc gia Hà Nội) góp ý, quy định về kiểm soát quyền lực là nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi lộng quyền, chuyên quyền, nhược quyền và độc đoán, quan liêu, tùy tiện của cơ quan công quyền và công chức nhà nước. Góp phần tạo ra cơ chế kiểm tra và cân bằng của các nhánh quyền lực nhà nước để loại trừ sự lấn át của một nhánh quyền nào đó với các nhánh quyền lực khác.

Làm rõ khái niệm sở hữu

Góp ý về khai niệm sở hữu, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, nổi lên hàng đầu là lĩnh vực đất đai. Theo ông Mão, nếu như điều 17, 18 Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thì Luật Đất đai quy định lại khác, tức là có sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và các văn bản luật. Cụ thể, Luật Đất đai năm 1993 phép người dân quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng, quyền thừa kế… Cũng theo ông Mão, sở hữu toàn dân thì không thể mua bán được, thừa kế được vì “có phải của anh đâu mà cho thừa kế, đó là tư hữu”. Sự mâu thuẫn đó là vi hiến và khi áp dụng vào cuộc sống lại thể hiện thành sở hữu tư nhân và sự quản lý của nhà nước tỏ ra rất lúng túng. Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng áp dụng Luật càng ngày càng đi vào tư nhân hóa đất đai. Do vậy, hiện, đất đai nhà nước mất, nhân dân mất, quyền lợi rơi vào tay một nhóm nhỏ. Khiếu kiện của nhân dân cũng chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. “Tôi đang suy nghĩ không biết lần này chúng ta có đủ sức, đủ dũng cảm để nghiên cứu lại điều 17, 18 để bổ sung hơn không”, ông Mão băn khoăn.

Về vấn đề này, TS Đinh Dũng Sỹ cũng cho rằng nói đến sở hữu tài sản thì dứt khoát phải có tài sản cụ thể, được sở hữu bởi những chủ thể cụ thể, không thể và không có loại chủ thể chung chung, không xác định được như khái niệm “toàn dân”. Khi Nhà nước giao, cho thuê, cho người dân sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên thì người dân mới có các quyền theo quy định đối với phần diện tích được giao, được thuê đó. Do vậy, TS Sỹ đề nghị nên nghiên cứu, bỏ khái niệm sở hữu toàn dân, thay bằng sở hữu nhà nước vì quyền sở hữu được gắn với một chủ thể cụ thể. Và từ đó, các Luật Đất đai, các Luật về tài nguyên, khoáng sản cần cụ thể rõ quyền của chủ sở hữu – Nhà nước và quyền của tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên đó.

Cần thành lập cơ quan bảo hiến

“Cần thành lập một cơ quan kiểm soát chung đối với các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đề bảo đảm tính hợp hiến trong hoạt động và cũng là đề phòng sự nể nang, né tránh trong sự kiểm soát lân nhau giữa những cơ quan này. Cụ thể, cần bổ sung vào Hiến pháp qui định về cơ quan bảo hiến nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Mở rộng dân chủ trực tiếp

Cùng ngày, hội thảo tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cũng đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Đa số các ý kiến kiến nghị Hiến pháp cần cụ thể hóa hơn quyền của MTTQ và nhân dân trong tham gia xây dựng bộ máy chính quyền, nhiệm vụ của MTTQ và cử tri trong bãi nhiệm, miễn nhiệm đại biểu dân cử không đủ tiêu chuẩn; nhiệm vụ của MTTQ trong giám sát cơ quan Nhà nước và đại biểu dân cử; bổ sung Điều 9 trong Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ với những cơ chế, chính sách rõ ràng. Bên cạnh đó, Hiến pháp phải thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn về hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Đảng; Hiến pháp sửa đổi phải xác định rõ vị trí của MTTQ là vị trí chiến lược, phải nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ thông qua hoạt động giám sát, phản biện, tham vấn nhân dân. Mối quan hệ giữa MTTQ với nhà nước phải là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng nhau, tạo đồng thuận để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cần mở rộng dân chủ trực tiếp, đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện.

Hà Vỹ

Nguồn: Báo Đất Việt online

Mạnh Đồng/Đất Việt online