Sẽ tăng cường áp dụng biện pháp tài chính trong quản lý tài nguyên nước

Dự kiến sẽ quy định thu tiền cấp quyền khai thác đối với các hoạt động khai thác có lợi thế nhằm kinh tế hóa ngành tài nguyên nước.
Sáng nay (2/11), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
 
Theo đó, một trong những chủ trương, chính sách lớn cần được thể chế hoá trong Dự thảo Luật là tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
 
Chính phủ cho rằng, biện pháp này sẽ đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, khuyến khích khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước và bảo đảm được tính công bằng.
 
Tài nguyên nước được xác định là tài sản quý giá và vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan giám sát, hiện nay, tình trạng khai thác, sử dụng nước lãng phí còn rất phổ biến.
 
Vì vậy, trong Dự thảo Luật cần có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, sử dụng các công cụ thuế, phí, lệ phí và các công cụ tài chính khác để bảo đảm bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi tài nguyên nước là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền.
 
Căn cứ theo quy định này, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vì hiện nay tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác đã phải nộp phí, lệ phí khi cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nếu phải nộp thêm tiền cấp quyền khai thác nước là trái với chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong Dự thảo Luật.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ khắc phục cơ chế xin cho, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng tài sản của Nhà nước.
 
Đồng thời cũng huy động thêm nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động bảo vệ, giữ gìn tài nguyên nước. Vì vậy, Bộ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần có quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác có lợi thế nhằm thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên nước.
 
Trước đó, vấn đề này cũng đã được thảo luận nghiêm túc trong phiên làm việc chiều 4/10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã cảnh báo: “Nước vô cùng quý. Nếu cứ tùy tiện sử dụng như hiện nay hoặc để ô nhiễm thì chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt, với các dòng sông chết. Sẽ sớm đến lúc không còn nước để dùng”.
 
Dự kiến, sáng mai (3/11), nội dung này tiếp tục sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ trước khi thảo luận chung ở hội trường vào ngày 10/11 tới.
Bích Diệp/Hiệp Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài