Quy định chặt về xuất bản phẩm điện tử
- 19/06/2012
Quy định về xuất bản xuất bản phẩm điện tử còn chung chung
Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết quy định nội dung này trong luật và cho rằng Xuất bản phẩm điện tử là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.
Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo quy định về xuất bản phẩm điện tử như dự thảo còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đưa ra khung pháp lý quản lý cụ thể, chi tiết nên khó khả thi, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, phương thức và cơ chế quản lý; cần quy định về cả xuất bản, in và phát hành đối với xuất bản phẩm điện tử. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, xuất bản và xuất bản phẩm điện tử là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu nhiều hơn. Trên mạng, chỉ cần vài thao tác đơn giản đã có thể sao chép ra hàng ngàn đầu sách, xuất bản phẩm (trong khi in bản giấy như vậy là đã bị xử lý). Mặt khác, bản in nếu sai phạm có thể thu hồi, còn với xuất bản điện tử điều này là không thể. Do vậy, đại biểu Minh và một số đại biểu đề nghị cần có một chương riêng về xuất bản phẩm điện tử, chứ không chỉ quy định trong vài điều trong dự thảo.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) chỉ ra xuất bản phẩm đang bùng phát và cũng là nhu cầu đương nhiên của con người trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý loại hình này nên đại biểu Nái đồng tình như dự thảo chỉ quy định tính nguyên tắc còn lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Một số đại biểu nhất trí với sự quy định về xuất bản phẩm điện tử chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Tuy vậy, những quy định nguyên tắc này phải thể hiện được đặc thù của xuất bản điện tử.
Quản lý chặt liên kết xuất bản
Về nội dung liên kết xuất bản các đại biểu đều bày tỏ nhất trí tăng cường vai trò, trách nhiệm của nhà xuất bản và đối tác liên kết. Một số đại biểu đề nghị quy định rõ khi có sai phạm về xuất bản phẩm liên kết thì trách nhiệm thuộc về nhà xuất bản, không nên quy định đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm vì nhà xuất bản có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt xuất bản phẩm trước khi ký quyết định phát hành xuất bản phẩm. Cũng có ý kiến đề nghị nên quy định giới hạn liên kết, không nên mở rộng như hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, các quy định về liên kết chưa minh bạch, rõ ràng, chưa sát thực tiễn. Chế tài trong luật chưa có khả năng kiểm soát được tình trạng sai phạm trong những xuất bản phẩm liên kết trong thực tế, đề nghị bổ sung cụ thể hơn nữa trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề quản lý mới nâng cao được hiệu quả, hạn chế được sai phạm trong lĩnh vực liên kết xuất bản.
Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về nhiệm vụ, hoạt động, quyền, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của nhà xuất bản trong hoạt động liên kết xuất bản.
Đề nghị sửa quy định tại Điều 4 quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của đối tác liên kết, cho phép đối tác liên kết thực hiện toàn bộ công đoạn xuất bản phẩm, nhưng nhà xuất bản phải thẩm định nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm và quyết định việc xuất bản tác phẩm đó và cần quy định chế tài nghiêm khắc xử lý trường hợp sai phạm.
Tổ chức và hoạt động in xuất bản phẩm cần thuận tiện, tránh xin cho
Đề nghị rà soát lại các quy định tại Chương III với các quy định của Luật Doanh nghiệp tránh quy định chồng chéo, vì các cơ sở in hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ kinh doanh phải theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực in là không chặt chẽ, không quản lý được, đề nghị cân nhắc và bổ sung quy định quản lý đối với nhà in và có quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc, thích đáng sai phạm của các cơ sở in. Một số ý kiến đề nghị phân cấp việc cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm cho UBND cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý Nhà nước về công tác xuất bản in, phát hành các xuất bản phẩm, phù hợp với việc cách hành chính.
Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng, việc cấp phép cho cơ sở in trong thời hạn 5 năm là quá ngắn, sẽ ảnh hưởng tới việc thu hồi vốn, tạo lợi nhuận của cơ sở in và cũng như không khuyến khích được ngành in phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị cần quy định sao cho thủ tục nhanh gọn, tránh phiền hà và tránh xin cho.