Quốc hội thảo luận dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền: Bộ Công an nên là đầu mối trong phòng, chống rửa tiền

Tại phiên thảo luận tổ, dự án luật này đã nhận được sự đóng góp ý kiến của 91 ĐBQH. Hôm qua, tại hội trường đã có 25 ĐBQH đóng góp cho dự thảo luật này.Tựu trung, các ý kiến đều nhất trí cho rằng cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh, quyền của công dân hoặc cá nhân có ảnh hưởng chính trị quy định ở các điều trong luật… Chiều qua, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giám định tư pháp.
Phòng, chống tội phạm mà vẫn đảm bảo quyền công dân?
Hôm qua, trong phiên thảo luận tại hội trường, các ĐBQH một lần nữa bày tỏ sự nhất trí cần thiết phải ban hành luật này. Bởi, trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Nếu chúng ta không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng. Đây cũng là cách để thể hiện sự cam kết cao của nhà nước ta đối với các tổ chức quốc tế về chống tham nhũng. Một trong những vấn đề được ĐB đưa ra bàn bạc là: Mức giao dịch là bao nhiêu thì đặt nghi vấn và yêu cầu phải báo cáo (theo Điều 21)? Và như thế nào là cao? Nếu một khi không quy định rõ thì rất khó thực thi. Do đó, nhiều ĐB cho rằng, Luật phòng, chống rửa tiền cần phải quy định cụ thể một mức giá trị để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh phải sửa đổi nhiều lần theo tôi mức giao dịch phải báo cáo nên quy bằng hệ số tiền lương mức cơ bản để dễ điều chỉnh.
 
Đứng ở góc độ đảm bảo quyền công dân, ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng: Vấn đề liên quan các quyền của công dân, quyền bí mật riêng tư của cá nhân đã được quy định từ Điều 8 đến Điều 12 trong dự thảo luật còn rộng hơn trong luật mẫu. Chính vì thế, theo ĐB Luật việc trao thẩm quyền cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng mà được quy định các biện pháp tạm thời áp dụng trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố thì tự mình đặt ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế quyền bí mật đời tư của các cá nhân là không ổn. Cùng đề cập tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tuy thống nhất cao với nguyên tắc phòng, chống rửa tiền nhưng lại tỏ ý băn khoăn:các quy định có liên quan đến quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật riêng tư của cá nhân và về quy định cá nhân có ảnh hưởng chính trị. ĐB này đề nghị cần xem xét lại nội dung Khoản 4, Điều 18 khi quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền và các cơ quan có thẩm quyền khác có quyền truy cập vào hệ thống thông tin của các tổ chức, cá nhân; đồng thời đề nghị bổ sung điều kiện được truy cập cụ thể.
 
NHNN không nên quản cơ quan phòng, chống rửa tiền
Đã nói đến rửa tiền thì phải nói đấy là một tội phạm hình sự, nó tiếp nối cho các tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, cướp của, tham ô, tham nhũng. Trong viện dẫn của Chính phủ có 4 mô hình thì 3/4 người ta giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để thực thi việc chống tội phạm này. Vì thế, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, không nên giao cho Ngân hàng nhà nước (NHNN) làm đầu mối. Có chăng NHNN cũng tham gia phối hợp, nhưng chủ trì phải là cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng quan điểm này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị cơ quan phòng, chống rửa tiền là cơ quan trực thuộc Bộ Công an. ĐB này giải thích, khái niệm rửa tiền không chỉ liên quan đến các hoạt động của ngân hàng mà nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực tài chính khác. Trên thực tế, các cơ quan khác theo góc độ hoạt động chuyên môn của mình cũng chỉ phát hiện những dấu hiệu có tội về vi phạm rửa tiền, phát hiện dấu hiệu thông qua giao dịch đáng ngờ, bây giờ có tội hay không có tội thì phải tiến hành điều tra. Như vậy tất cả các cơ quan khác khi tiến hành nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến giao dịch mà phát hiện được giao dịch đáng ngờ thì đó chỉ là cơ quan cung cấp bước đầu về mặt hiện tượng. Còn điều tra xem nó có tội không, nguồn tiền, tài sản đó có phải phạm tội mà có không thì phải là cơ quan điều tra. Vì thế, ĐB Phương đề nghị, để cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an thì hợp lý hơn và tất cả những cơ quan có liên quan khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ liên quan có thể ngờ vực đấy là tội rửa tiền thì có trách nhiệm cung cấp đến các cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an để cơ quan này tiến hành các nội dung điều tra, xác minh, xem xét nguồn gốc tài sản đó có phải phạm tội không.
 
Đề xuất của ĐB Phương đã nhận được sự đồng tình của khá nhiều ĐB. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) còn đóng góp thêm: Giao cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an, có sự phối hợp với các cơ quan khác có liên quan như ngân hàng Nhà nước, thanh tra Chính phủ, cơ quan phòng, chống tham nhũng và các cơ quan khác có liên quan. Trên thực tế của Việt Nam, hiện việc sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến, hơn nữa ngân hàng Nhà nước không có kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm nên ĐB Hà nhận định: "Nếu giao cơ quan phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thuộc ngân hàng Nhà nước rất khó đảm bảo tính hiệu quả trong phòng, chống các loại vi phạm tội phạm này, vì đây là tội phạm mới đối với nước ta. Hành vi vi phạm rất tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện do đối tượng vi phạm phạm tội chủ yếu có trình độ cao, cử trú tại nhiều quốc gia”.


Nhóm phóng viên/Báo Đại đoàn kết