Quốc hội thảo luận dự án Luật Khiếu nại: Cần có quy định từ chối tiếp dân
- 28/10/2011
Thảo luận về dự án Luật Khiếu nại tại hội trường chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung các quy định về từ chối tiếp dân, để bớt đi “gánh nặng” cho cán bộ tiếp dân.
Cần có quy trình riêng cho khiếu nại nhiều người
Thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp đã và đang xảy ra trên thực tế không thể không quy định nhưng quy định thế nào, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý “cần phải cân nhắc kỹ”.
Dự thảo Luật mới đã bổ sung một số quy định về các trường hợp khiếu nại nhiều người (trong đó có các hình thức khiếu nại như nhiều người khiếu nại thông qua đơn, nhiều người đến khiếu nại trực tiếp, địa điểm để công dân khiếu nại nhiều người…). Trình tự thủ tục giải quyết đối với khiếu nại nhiều người vẫn tuân theo trình tự, thủ tục chung như với khiếu nại từng người.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) ủng hộ phải có quy định về khiếu nại nhiều người nhưng đề nghị làm rõ khái niệm nhiều là bao nhiêu để tránh làm phức tạp tình hình. “Khiếu nại nhiều người không thể giống quy trình của khiếu nại đơn lẻ mà phải có quy trình riêng”, ông Tâm nhấn mạnh.
Cho rằng, khiếu nại đông người là thực tế “không thể né tránh” ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) gợi ý, Luật nên quy định theo hướng nếu nhiều người cùng tố cáo một nội dung thì hướng dẫn họ làm đơn, còn nếu mỗi người một nội dung khác nhau thì cũng cần hướng dẫn họ làm đơn riêng lẻ.
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) bổ sung: khiếu nại nhiều người mà mỗi người một nội dung khác nhau thì cơ quan nhà nước cũng cần có văn bản trả lời từng trường hợp, tránh tình trạng khi đi khiếu nại thì huy động nhiều người để gây áp lực.
Để giảm bớt gánh nặng cho cán bộ tiếp dân, Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị cần bổ sung quy định về từ chối tiếp dân. “Thực tế tiếp dân cho thấy nhiều công dân khiếu nại đến trụ sở cơ quan nhà nước nhiều lần, dù đã được xem xét, giải quyết bằng văn bản. Có vụ, chính quyền từ chối tiếp nhưng HĐND hay Đoàn Đại biểu QH vẫn tiếp”, ĐB Sinh nói Nhiều đại biểu đồng tình với ĐB Sinh đề nghị phải có cơ chế để chấm dứt khiếu nại kéo dài.
Rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại
Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu từ 30 ngày xuống còn 15 ngày, lần hai từ 45 ngày xuống còn 30 ngày.
Một số ĐBQH tỏ ra chưa đồng tình với quy định này, bởi lẽ hiện nay, đơn thư khiếu nại nhiều, nhiều trường hợp phức tạp, cán bộ tiếp dân mỏng… nếu rút ngắn sẽ tạo áp lực lên các cơ quan có thẩm quyền. Một số đồng ý rút ngắn nhưng chỉ rút từ 30 xuống 20 ngày thay như đề nghị của dự thảo là 15. Số khác đề nghị cần quy định rõ như thế nào là trường hợp phức tạp thì được kéo dài hơn thời hạn giải quyết.
Cũng liên quan đến thời hạn giải quyết khiếu nại, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) không đồng tình với quy định công dân phải khiếu nại đến cơ quan người có quyết định, hành vi hành chính. “Tại sao lại lý giải điều đó giúp người ban hành quyết định hành chính có cơ hội sửa chữa. Tại sao anh không cẩn thận trước khi ra quyết định hành chính mà chờ ban hành rồi mới sửa sai?” Ông Độ đề nghị khi công dân cần khiếu nại thì khiếu nại lên cấp trên có thẩm quyền. Như vậy mới có thể rút ngắn thời gian khiếu nại