Quan điểm của Tổng LĐLĐVN về Bộ luật Lao động (sửa đổi): Phải đồng bộ, tương thích với sửa Luật Công đoàn

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án BLLĐ (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII lần này, Tổng LĐLĐVN đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm. Về cơ bản, Tổng LĐLĐVN đồng tình cao với nội dung dự thảo sau khi đã chỉnh sửa, song vẫn còn 7 vấn đề tổ chức CĐ đề nghị cần xem xét kỹ.

1. Vấn đề tiền lương:

- Cần có các quy định tăng cường vai trò quản lý nhà nước về LĐ đối với vấn đề tiền lương. Theo đó, giữ lại quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về LĐ trong việc thẩm tra, xem xét việc đăng ký thang lương, bảng lương và định mức LĐ; đồng thời quy định vai trò của BCHCĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS xây dựng thang lương, bảng lương, định mức LĐ, quy chế trả lương, trả thưởng v.v... (trong dự thảo luật chỉ quy định gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ cấp huyện mà không quy định cơ quan quản lý nhà nước về LĐ thẩm tra, xem xét thì việc DN có gửi cũng không có tác dụng gì).

- Vấn đề tiền thưởng cũng rất cần quan tâm nghiên cứu. Hiện nay đa số các DN đều có thưởng ít nhất một tháng lương cho NLĐ vào dịp kết thúc năm hoặc vào Tết âm lịch, dù DN đạt hiệu quả như thế nào nhằm thể hiện sự quan tâm chăm lo của DN đối với NLĐ.

Nếu quy định như dự thảo luật thì nhiều DN sẽ vin vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN thấp hoặc bị lỗ để không thưởng cho NLĐ.

2. Về hợp đồng lao động:

Tổng LĐLĐVN đề nghị chọn phương án 1 (hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), vì phương án này đã thực hiện ổn định, hiệu quả từ năm 1995 đến nay không có vướng mắc.

3. Về thoả ước lao động tập thể:

Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) quy định: Sau khi ký kết TƯLĐTT thì bản TƯLĐTT được gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ cấp tỉnh (đối với TƯLĐTT doanh nghiệp) hoặc cho Bộ LĐTBXH (đối với TƯLĐTT ngành và các TƯLĐTT khác) nhưng lại không quy định trách nhiệm của các cơ quan này phải thẩm tra, xem xét bản TƯLĐTT thì việc gửi bản TƯLĐTT cũng không có tác dụng gì.

4. Về thời gian nghỉ thai sản:

Đề nghị chọn phương án 1 (lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng), nhưng cho phép NLĐ có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người SDLĐ.

5. Về thời giờ làm thêm:

Tổng LĐLĐVN đề nghị chọn phương án 1: “Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ trong một năm”.

6. Về giải quyết tranh chấp lao động:

Vấn đề giải quyết tranh chấp LĐ tập thể là vấn đề rất phức tạp mà chương XIV BLLĐ đã sửa đổi 2 lần, nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, lần sửa đổi này cần nghiên cứu sửa đổi một cách căn bản, toàn diện chương XIV, trong đó cần xem xét một số nội dung sau:

- BLLĐ hiện hành cũng như dự thảo BLLĐ (sửa đổi) đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp LĐ hoàn toàn thụ động, chỉ khi nào xảy ra tranh chấp và khi tập thể NLĐ có đơn yêu cầu thì các cơ quan có trách nhiệm mới giải quyết. Vì vậy, cần nghiên cứu thành lập “hội đồng hoà giải trung gian” thay cho cả hoà giải viên cấp huyện và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của “hội đồng hoà giải trung gian” một cách linh hoạt sao cho hội đồng có thể giải quyết các tranh chấp LĐ đang phát sinh tại DN cũng như khi đã xảy ra.

- Nghiên cứu sửa đổi quy trình đình công theo hướng đơn giản, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian, đảm bảo cho đình công xảy ra trên thực tế phù hợp với pháp luật.

- Đề nghị bỏ nội dung đóng cửa tạm thời nơi làm việc (điểm d, khoản 1, điều 6, điểm b, khoản 3, điều 216, điều 218, điều 219 dự thảo BLLĐ sửa đổi).

7. Vấn đề công đoàn trong quan hệ lao động:

Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) quy định các bảo đảm và bảo vệ cho cán bộ CĐ còn chưa tương thích, đồng bộ và thống nhất với dự thảo Luật CĐ (sửa đổi):

- Khoản 1, điều 25 dự thảo Luật CĐ về bảo đảm cho cán bộ CĐ quy định: “ Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà NLĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được tiếp tục ký HĐLĐ, hợp đồng làm việc”.

Trong khi đó, dự thảo BLLĐ không quy định về việc đảm bảo thời hạn HĐLĐ theo nhiệm kỳ tham gia BCH CĐCS cho cán bộ CĐ không chuyên trách.

- Khoản 2, điều 25 dự thảo Luật CĐ quy định: “Đơn vị sử dụng LĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ CĐ không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của BCH CĐCS hoặc BCH CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở”. Và, theo dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) thì cán bộ CĐ không chuyên trách “là người làm việc kiêm nhiệm được đại hội, hội nghị CĐ các cấp bầu ra hoặc được CĐ chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh từ tổ phó tổ công đoàn trở lên (khoản 5, điều 4).

Vấn đề này, dự thảo BLLĐ (sửa đổi) quy định: “Khi người SDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với NLĐ là uỷ viên ban chấp hành CĐ thì phải thỏa thuận với BCH CĐCS, nếu là chủ tịch BCH CĐCS thì phải thỏa thuận với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (khoản 6, điều 194). Quy định như dự thảo BLLĐ (sửa đổi) là hạn chế đối tượng cán bộ CĐ không chuyên trách cần được bảo vệ, bảo đảm hoạt động so với dự thảo Luật CĐ (sửa đổi).

Hoàng Quang/Báo Điện tử Lao động