Phòng chống rửa tiền:Cần nâng cao nhận thức xã hội

Trong nghị trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Việt Nam khóa XIII diễn ra ở Hà Nội từ 21/5-21/6/2012, các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Chống rửa tiền. Để tiến tới ban hành và triển khai luật này có hiệu quả, cần nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan và công chúng về bản chất và tác hại của việc rửa tiền để phòng chống.
Bản chất của rửa tiền có thể hiểu là số tiền đối tượng có được từ nguồn thu nhập bất hợp pháp hoặc từ phạm tội mà có; có hành vi che giấu bản chất, nguồn gốc số tiền đó; có mục đích, động cơ nhằm hợp pháp hóa số tài sản phạm tội mà có.
Tác hại của rửa tiền đối với xã hội và nền kinh tế là rất rõ và nguy hiểm vì nó có thể làm gia tăng tội phạm (trước rửa tiền là tội phạm nguồn) và gia tăng tham nhũng, làm giảm uy tín và đầu tư nước ngoài, làm suy yếu các định chế tài chính, làm tổn thương khu vực tư nhân và nền kinh tế, làm tổn hại những nỗ lực tư nhân hóa (cổ phần hóa) nền kinh tế.
Nếu việc rửa tiền thành công thì tội phạm đã có thể làm sinh lợi từ số tài sản phạm tội mà có, trở thành nơi ẩn náu an toàn cho số tài sản có được từ nguồn thu nhập bất hợp pháp hoặc không minh bạch, làm gia tăng nhiều tội phạm nguồn và tham nhũng hơn. Một quốc gia hoạt động rửa tiền gia tăng sẽ là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ rửa tiền và tài trợ khủng bố gây bất lợi cho phát triển kinh tế.
Các định chế tài chính nước ngoài có thể hạn chế, ngừng hoặc kiểm soát gắt gao các giao dịch liên quan của quốc gia có hoạt động rửa tiền làm giảm cơ hội kinh doanh và tăng chi phí vốn, khả năng hấp thụ được các nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài bị suy giảm. Việc rửa tiền cũng sẽ làm cho các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng và các định chế tài chính nói chung phải chịu nhiều rủi ro về uy tín, nghiệp vụ, pháp lý và gia tăng những chi phí tiêu cực.
Rửa tiền còn làm tổn thương khu vực tư nhân và tổn hại đến nỗ lực tư nhân hóa nền kinh tế vì tội phạm rửa tiền có thể thành lập công ty làm bình phong để hợp pháp hóa tài sản hoặc số tiền phạm tội có được thông qua các chiêu bài đầu tư, mua bán sản phẩm, hợp đồng kinh tế... Tổ chức tội phạm có thể trả giá cao để thâu tóm doanh nghiệp, kiểm soát và điều hành doanh nghiệp phục vụ các hoạt động rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế…, kiểm soát ngành hoặc khu vực kinh tế làm tăng sự bất ổn tiềm tàng về khía cạnh tiền tệ và kinh tế do việc phân bổ sai các nguồn lực từ tình trạng méo mó giả tạo của giá trị tài sản và hàng hóa.
Tác hại của rửa tiền là như vậy. Ở Việt Nam, trong cuộc tập huấn cho các phóng viên và biên tập viên báo chí khu vực phía Bắc về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố diễn ra ở Hà Nội ngày 25/5/2012, một chuyên gia của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) khẳng định: “Tội phạm rửa tiền ở Việt Nam không phải là không có, đã có, thậm chí là có nhiều”. Còn ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: “Việt Nam đã tham gia Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) tháng 5/2007 và đã tuân thủ những khuyến nghị cần thiết của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền quốc tế (FATF); đã ban hành một số qui định pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vấn chưa phát hiện, tiến hành điều tra, xét xử được một vụ rửa tiền nào. Quá trình hình sự hóa tội rửa tiền một cách toàn diện cũng mới bắt đầu được thực hiện vào tháng 8/2011; và khung pháp luật cao nhất cho vấn đề này là Luật Chống rửa tiền vẫn đang được Quốc hội thảo luận để thông qua và dự kiến ban hành trong tháng 12/2012”.
Phòng chống tội phạm nói chung, chống rửa tiền và chống tham nhũng là vấn đề Đảng và Nhà nước hiện rất quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh để đẩy lùi. Tuy nhiên, phòng chống rửa tiền là một vấn đề mới mẻ, đầy khó khăn, nhạy cảm cần phải có các giải pháp thiết thực nâng cao nhận thức cho người dân hiểu biết những qui định của pháp luật về phòng chống rửa riền, chống tham nhũng. Đây là một vấn đề mà các chuyên gia Cục Thông tin đối ngoại và Cục Phòng chống rửa tiền đều thừa nhận vẫn còn yếu kém. Việc tập huấn cho giới báo chí về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nêu trên là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề này./.


Lan Ngọc/Báo Kinh tế Việt Nam