Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Đảm bảo “sức sống” dài lâu cho Bộ luật Dân sự
- 28/04/2012
Trình bày về những hạn chế, bất cập của BLDS năm 2005, ông Dương Đặng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Tổ trưởng Tổ Biên tập nhấn mạnh, việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn như: Hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự còn nhiều "tầng lớp", "cấp độ" văn bản khác nhau. Văn bản luật được ban hành phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn mới đi vào thực tiễn cuộc sống, làm ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật. Trong một số lĩnh vực, văn bản dưới luật có "nguy cơ" trái Luật nhưng lại có tính phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hơn. Chẳng hạn, các văn bản quy định về biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự, về nhà ở.
Các thành viên ban soạn thảo (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Do vậy, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, quan điểm xây dựng BLDS sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong đó, BLDS đóng vai trò là nền tảng pháp lý cơ bản (luật chung) của hệ thống luật tư, có tính khái quát và tính dự báo để một mặt đảm bảo tính ổn định của Bộ luật. Mặt khác, đáp ứng được sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật và các văn bản pháp luật khác. Đồng thời, đảm bảo BLDS là luật của quan hệ thị trường, ghi nhận một cách nhất quán, triệt để nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên yếu thế; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập các quan hệ dân sự; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế trong lĩnh vực dân sự.
Kéo dài thời gian tổng kết thi hành
Để đảm bảo việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phù hợp với yêu cầu cuộc sống, việc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự dự kiến được tiến hành trên phạm vi cả nước với nội dung tổng kết tập trung vào một số vấn đề lớn, trọng điểm như: Phạm vi điều chỉnh, áp dụng tập quán, các nguyên tắc cơ bản, quyền nhân thân, các quy định về cá nhân; Đánh giá các quy định về chuyển quyền sử dụng đất trong Bộ luật Dân sự, bao gồm: quy định chung về chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất...
Đánh giá việc sửa đổi BLDS sẽ rất hấp dẫn, thú vị, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và thống nhất cao với những quan điểm, định hướng sửa đổi, tuy nhiên nhiều ý kiến thành viên Ban soạn thảo cho rằng, việc tổng kết thi hành BLDS ở các tỉnh, TP nếu chỉ tiến hành trong vòng 2 tháng thì e rằng quá vội vàng...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng: Việc tổng kết rất quan trọng nhưng chỉ tiến hành trong 2 tháng quá ngắn, vội vàng, việc tổng kết phải hết năm 2012 thì mới đạt mục tiêu sửa một cách thực chất. Về nội dung tổng kết, ông Kiều Đình Thụ đề xuất, hiện nay, nhiều đạo luật vẫn còn chấp nhận việc để lại một số vấn đề cho BLDS thì đợt tổng kết này cần thống kê xem, hệ thống lại cho đầy đủ, không bỏ trống. Ví dụ như một số vấn đề như thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, hôn nhân-gia đình không để lại trong BLDS thì có để lại khoảng trống pháp lý nào không, nếu những luật kia chưa điều chỉnh. Ngoài ra, cần xem xét sự tương thích, thống nhất giữa lĩnh vực dân sự với các luật khác như vấn đề hộ gia đình với đất đai, lãi suất (rất nóng bỏng, bao nhiêu lần sửa đều đụng đến khung lãi suất cố định trong BLDS). Hiện BLDS cứ 10 năm sửa một lần, trong khi các nước không như vậy, nên cần phấn đấu để tính ổn định của BLDS cao nhất, không mang tính chủ quan mà phải bám sát thực tế cuộc sống. Tránh tình trạng là cán bộ, người dân chưa kịp thẩm thấu hết các quy định trong BLDS thì Luật đã thay đổi rồi.
Tán thành việc kéo dài thời gian tổng kết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, quá trình tổng kết, 63 tỉnh, thành phải có sự hướng dẫn của Trung ương chứ không để địa phương muốn làm sao thì làm. Hơn nữa trong quá trình tổng kết cần tiến hành khảo sát ở một số địa phương (lựa chọn có đặc thù: đô thị lớn, đô thị trung bình, địa phương vùng sâu, vùng xa...). Ngoài ra, những ngành quan trọng cũng nên có hội nghị tổng kết như Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tài nguyên - Môi trường hoặc tổ chức tổng kết liên ngành Tư pháp - Kiểm sát - Tòa án. Có như thế việc Tổng kết BLDS 2005 mới thực chất.
PGS. Nguyễn Hữu Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cũng đánh giá, "số phận" của BLDS nước ta "hẩm hiu" quá. Ông nhấn mạnh: "Lý luận về pháp luật dân sự của nước ta bị bỏ trống nhiều quá, trong tổng kết cần đặc biệt chú trọng đến lý luận, lý thuyết. Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh đưa luật vào cuộc sống, tại sao không đặt ngược lại là đưa cuộc sống vào luật (cuộc sống đặt ra vấn đề gì thì BLDS cần giải quyết những vấn đề đó). Có nhiều vấn đề để dành cho BLDS cần thống kê, ngược lại có những vấn đề đáng lẽ phải được BLDS điều chỉnh như điều kiện giao dịch chung (hiện được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng)...”.
Về thời gian tổng kết thi hành BLDS 2005, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nên từ tháng 7 - 2012 đến tháng 12-2012, có thể kéo dài sang tháng 1, 2 năm 2013. Cần có đề cương "gợi ý" với các tỉnh, TP, trong đó một vài chuyên đề nên đề xuất các tỉnh, thành báo cáo. Về phía các địa phương, việc tổng kết cũng phải rất cụ thể. Phải tổng kết từ cơ sở cấp xã, sau đó báo cáo lên rồi cấp huyện tổng hợp, báo cáo. Việc tổng kết thi hành ở các ngành, bổ sung những ngành nào cần có sự cân nhắc.
Theo Kế hoạch xây dựng BLDS (sửa đổi): Năm 2013, việc xây dựng Bộ luật sẽ được đưa vào Chương trình Chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Tháng 4-2013, báo cáo Thường trực Chính phủ về những vấn đề lớn trong sửa đổi, bổ sung BLDS. Năm 2014, đưa vào Chương trình Chính thức xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Tháng 5-2014, trình Chính phủ Dự thảo BLDS (sửa đổi). Tháng 8 - 2014, trình UBTVQH Dự thảo BLDS (sửa đổi). Tháng 10-2014, trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất. Tháng 5-2015, trình Quốc hội thông qua phần Quy định chung của BLDS (sửa đổi). Tháng 10-2015, trình Quốc hội thông qua toàn bộ BLDS (sửa đổi).
Một số định hướng sửa đổi lớn
Theo Tổ trưởng Tổ biên tập - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, BLDS sửa đổi sẽ được kết cấu thành 5 phần, bao gồm Phần Những quy định chung, Phần Vật quyền, Phần Trái quyền, Phần Thừa kế, Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây là kết cấu được áp dụng đối với BLDS nhiều nước trên thế giới (Đức, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…), trừ Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Tổ biên tập cũng đã đưa ra một số vấn đề cơ bản của BLDS sửa đổi. Chẳng hạn, trong Phần Những quy định chung sẽ quy định một số nguyên tắc chính như nguyên tắc áp dụng luật trong trường hợp BLDS và luật chuyên ngành cùng điều chỉnh một quan hệ dân sự, nguyên tắc Tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự không có luật quy định, quy định không cụ thể hoặc không đầy đủ và cũng không có tập quán để áp dụng.
Ngoài ra, phần này cũng dự kiến sẽ bỏ quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Hay Phần Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và chuyển giao công nghệ của BLDS 2005 được đề nghị đưa ra khỏi BLDS sửa đổi…
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ rất băn khoăn trước việc bỏ một số vấn đề như thương mại, SHTT, lao động, hôn nhân – gia đình trong BLDS 2005 bởi nếu không để lại thì liệu có tạo ra khoảng trống pháp lý nào không khi những luật chuyên ngành chưa điều chỉnh hoặc chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với BLDS sửa đổi. Bên cạnh đó, ông Thụ cho rằng, cần xem xét thêm sự tương thích, thống nhất giữa lĩnh vực pháp luật dân sự với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam…
Đây cũng là kiến nghị của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ông Nam phân tích thêm: Khác với một số nước trên thế giới, hộ gia đình của nước ta khá chặt chẽ và nền tảng, hiện tại đất đai, nhà cửa đều cấp cho hộ gia đình, đứng tên cả hai vợ chồng, do vậy nên tính toán thật kỹ nếu bỏ chủ thể sở hữu hộ gia đình.
Còn Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Việt Nam Vũ Thế Vậc đặt vấn đề: BLDS liên quan đến rất nhiều đạo luật khác, vậy sửa đổi cơ bản BLDS thì có cần thiết sửa đổi cơ bản những luật này? Ông Vậc dẫn chứng một khó khăn: Lãi suất là một vấn đề rất nóng bỏng suốt thời gian qua, bao nhiêu lần sửa đều đụng đến khung lãi suất cố định trong BLDS 2005. Nhưng xây dựng Luật NHNN Việt Nam năm 2010 vẫn phải để quy định về lãi suất cơ bản theo đúng quy định của BLDS.
Cùng tán thành việc không để lại một phần riêng về SHTT và chuyển giao công nghệ là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, vì việc quy định cứng trong BLDS sẽ khó mở đường phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nhưng ông Khải cho rằng phải cân nhắc khi bỏ hẳn phần này mà nên đưa một số quy định liên quan vào Phần Trái quyền.
Trưởng Ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: Phải chăng BLDS 2005 hiện đang làm thay nhiệm vụ của luật chuyên ngành, không những thế lại có sự lẫn lộn giữa luật công và luật tư trong BLDS? Từ đó, cần xác định phạm vi điều chỉnh của BLDS sửa đổi. Tham khảo kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy nước này chỉ ban hành Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và có riêng luật về hợp đồng, Bộ trưởng gợi ý: “Đây có nên là BLDS khung hay không?”.
Dân dã hay khái quát hóa?
Phù hợp với xu thế thời đại, Phần Tài sản và quyền sở hữu của BLDS 2005 được đặt tên là Phần Vật quyền, quy định các loại vật quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền hưởng dụng, cầm cố, thế chấp, quyền cầm giữ, quyền địa dịch… Tương tự, Phần Nghĩa vụ dân sự và Hợp đồng dân sự chuyển thành Phần Trái quyền, phân rõ hình thức các loại hợp đồng, bổ sung một số loại hợp đồng như hợp đồng hợp tác, hợp đồng ủy thác quản lý tài sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phản ánh: “Thuật ngữ vật quyền, trái quyền thì tôi thấy nó hàn lâm lắm, người dân đọc rồi không hiểu. Cứ để vật quyền là tài sản và quyền sở hữu, trái quyền là nghĩa vụ và hợp đồng cho người ta dễ hiểu có hơn không?” .
PGS. Nguyễn Hữu Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật lại đồng tình với thuật ngữ “vật quyền” và “trái quyền” bởi lý do khoa học lẫn thực tiễn của nó. “Cách đây nhiều năm, chúng ta đã dùng những thuật ngữ có mức độ khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao này mà dân trí hồi đó chắc gì đã bằng bây giờ. Nếu cho là người dân không hiểu thì sinh ra các nhà làm luật, các nhà tuyên truyền pháp luật?” – ông Phát nhấn mạnh.