Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ năm, 26/12/2024

  • Lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Cơ quan trình dự thảo: Chính phủ
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công thương
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XV - Kỳ họp thứ 8
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XV - Kỳ họp thứ 8
  • Trạng thái: Đã thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành hệ thống điện; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện.

02/04/2024
01
Lần dự thảo 1
18/10/2024
02
Lần dự thảo 2
A2102-dt5-Luat-Dien-luc-sd---20240927153535.doc

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Điện lực. 

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực tại Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng pháp luật
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan thì áp dụng Luật Điện lực, bao gồm:
1. Quy định về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tại khoản 3 Điều 11 và điều chỉnh phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh tại khoản 3 Điều 12 Luật này.
2. Quy định về thẩm quyền quyết định, giao các dự án, công trình điện quy định tại khoản 4 Điều 14, Điều 21 và quy định đầu tư xây dựng dự án, công trình điện khẩn cấp tại Điều 22 Luật này.
3. Tiến độ dự án nguồn điện, cơ chế xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ quy định tại Điều 16, Điều 17 và phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực quy định tại Điều 26 Luật này.
4. Quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực tại Điều 19 Luật này.
5. Quy định về đầu tư phát triển, xây dựng công trình điện gió ngoài khơi, trừ công trình thuộc dự án điện gió ngoài khơi được xây dựng trên đất liền.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. An toàn công trình thủy điện là tập hợp các biện pháp tổ chức và phương tiện kỹ thuật trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, khai thác công trình thủy điện nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa thủy điện, tuyến năng lượng, các công trình phụ trợ.
2. An toàn điện là tập hợp các biện pháp tổ chức và phương tiện kỹ thuật để ngăn chặn các tác động có hại và nguy hiểm đối với con người và thiết bị từ nguồn điện trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.
3. Bán buôn điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
4. Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
5. Biểu giá điện là bảng kê các mức giá và khung giá điện cụ thể áp dụng cho các đối tượng mua bán điện theo các điều kiện khác nhau.
6. Biểu giá chi phí tránh được làbảng kê các mức giá được tính toán căn cứ vào các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có 01 kWh điện của nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ được phát lên lưới điện quốc gia.
7. Cấp điện áp là một trong những giá trị của điện áp danh định được sử dụng trong hệ thống điện, bao gồm:
a) Hạ áp là cấp điện áp danh định đến 01 kV;
b) Trung áp là cấp điện áp danh định trên 01 kV đến 35 kV;
c) Cao áp là cấp điện áp danh định trên 35 kV đến 220 kV;
d) Siêu cao áp là cấp điện áp danh định trên 220 kV.
8. Chi phí tránh được là chi phí sản xuất 01 kWh của các tổ máy phát điện có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia, chi phí này có thể tránh được nếu bên mua điện mua 01 kWh từ một nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ thay thế.
9. Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, mua bán điện, hệ thống bảo vệ công trình điện lực.
10. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là bảng kê tỷ lệ phần trăm (%) của mức giá bán lẻ điện bình quân để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.
11. Dịch vụ phụ trợcác dịch vụ kỹ thuật cần thiết để duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, tin cậy, bao gồm điều chỉnh tần số, khởi động nhanh, vận hành phải phát, điều chỉnh điện áp, điều chỉnh công suất, khởi động đen và các dịch vụ kỹ thuật khác có liên quan theo quy định của Bộ Công Thương.
12. Dự án đầu tư điện lựclà dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, bao gồm tập hợp các đề xuất về sử dụng vốn để thực hiện các hoạt động xây dựng, đầu tư, cải tạo, kinh doanh công trình điện lực trên địa bàn cụ thể và trong khoảng thời hạn xác định.
13. Điện năng lượng mới là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn sau đây:
a) Hydrogen xanh;
b) Amoniac xanh;
c) Các nguồn năng lượng mới khác nhưng không phải là các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, điện năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, thiết bị lưu trữ điện. Hydrogen, amoniac được sản xuất từ nguồn điện tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 14 Điều này gọi là hydrogen xanh và amoniac xanh.
14. Điện năng lượng tái tạo là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn năng lượng sơ cấp sau:
a) Năng lượng mặt trời;
b) Năng lượng gió;
c) Năng lượng đại dương, gồm thủy triều, sóng biển, hải lưu;
d) Năng lượng địa nhiệt;
đ) Năng lượng từ sức nước, gồm thuỷ điện;
e) Năng lượng sinh khối gồm nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng có nguồn gốc từ thực vật;
g) Năng lượng từ chất thải của quy trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; trừ chất thải của quy trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiên liệu hóa thạch;
h) Các dạng năng lượng tái tạo khác.
15. Điểm đấu nối làđiểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện của khách hàng sử dụng điện vào lưới điện.
16. Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện được sản xuất và tiêu thụ do cùng một pháp nhân hoặc cá nhân hoặc đơn vị dịch vụ do pháp nhân hoặc cá nhân ký hợp đồng thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của pháp nhân hoặc cá nhân đó. Hoạt động mua bán sản lượng điện dư thực hiện theo pháp luật về điện lực.
17. Điều độ hệ thống điện là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định.
18. Điều hành giao dịch thị trường điện lực là hoạt động quản lý và điều phối các giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực.
19. Điều tiết điện lực là tác động của Nhà nước vào các hoạt động điện lực và thị trường điện lực nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
20. Đơn vị điện lực là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện hoặc những hoạt động khác có liên quan.
21. Giá bán điện bình quân là mức giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
22. Giá điện nhiều thành phần là giá bán điện có tối thiểu hai thành phần, trong đó có thể bao gồm thành phần giá công suất sử dụng, giá điện năng sử dụng, giá cố định, giá biến đổi.
23. Giá điện và giá các dịch vụ về điện là giá bán buôn điện, bán lẻ điện và giá các dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện.
24. Giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ cần thiết và có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ trong chu kỳ tính giá.
25. Giá điều độ vận hành hệ thống điện được xác định trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận hợp lý để đơn vị vận hành hệ thống điện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện.
26. Giá điều hành giao dịch thị trường điện lực được xác định trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận hợp lý để đơn vị vận hành thị trường điện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến điều hành giao dịch thị trường điện lực.
27. Giá truyền tải điện được xác định trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ với tỷ suất lợi nhuận hợp lý cho hoạt động truyền tải điện của đơn vị truyền tải điện.
28. Hệ thống điện quốc gia là hệ thống các trang thiết bị phát điện, lưới điện và các trang thiết bị phụ trợ được liên kết với nhau và được chỉ huy thống nhất trong phạm vi cả nước.
29. Hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện hoặc những hoạt động khác có liên quan.
30. Hợp đồng kỳ hạn điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên về việc mua hoặc bán sản lượng điện năng tại một thời điểm cụ thể trong tương lai với một mức giá đã được thống nhất.
31. Hợp đồng mua bán điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua điện và bên bán điện áp dụng cho việc mua bán điện.
32. Khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.
33. Khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện có công suất và sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện.
34. Khung giá điện là phạm vi biên độ dao động cho phép của giá điện giữa giá tối thiểu (giá sàn) và giá tối đa (giá trần).
35. Khung giá bán buôn điện là khung giá bán buôn điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được xác định theo mức giá bình quân tối thiểu (đồng/kWh) và mức giá bình quân tối đa (đồng/kWh).
36. Khung giá phát điện là khung giá phát điện bình quân trong vòng đời dự án nhà máy điện được xác định tại năm cơ sở, là năm có tổng mức đầu tư dự án nhà máy điện sử dụng tính giá phát điện được phê duyệt, Khung giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được xác định theo mức giá bình quân tối thiểu (đồng/kWh) và mức giá bình quân tối đa (đồng/kWh).
37. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của thiết bị, dụng cụ điện với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng, vận hành.
38. Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện trên không hoặc cáp điện ngầm; máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện, gồm lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối.
39. Nhà máy điện là tổ hợp một hoặc một số công trình điện lực để sản xuất điện năng.
40. Nhà máy điện gió trên biển là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên vùng biển Việt Nam được xác định theo pháp luật về biển.
41. Nhà máy điện gió trên đất liền là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên đất được xác định theo pháp luật về đất đai.
42. Nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ hoặc nguồn năng lượng tái tạo nhỏ là nhà máy điện năng lượng tái tạo có quy mô công suất do Bộ Công Thương xác định cho từng giai đoạn và từng nguồn năng lượng sơ cấp.
43. Thị trường điện giao ngaythị trường mua, bán điện năng trong các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện theo quy định tại các cấp độ của thị trường điện lực cạnh tranh.
44. Thiết bị đo đếm điện là thiết bị đo công suất, điện năng, dòng điện, điện áp, tần số, hệ số công suất, bao gồm các loại công tơ, các loại đồng hồ đo điện và các thiết bị, phụ kiện kèm theo.
45. Trộm cắp điện là hành vi lấy điện không qua công tơ điện, cố ý tác động làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ điện và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đo điện năng hoặc các hành vi khác phản ánh số liệu điện tiêu thụ không đúng thực tế.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực
1. Phát triển điện lực là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
2. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên,nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp;
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
3. Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
a) Nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương;
b) Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Ưu tiên đầu tư dự án điện sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của nhà nước. Dự án điện sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên của doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư là dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước được vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
5. Xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
6. Theo từng thời kỳ, để bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế phát triển các dự án điện phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh, bao gồm các cơ chế về sản lượng điện tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
7. Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ trên siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái. Rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định; Nhà nước khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động.
8. Chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí:
a) Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện;
b) Chính phủ quy định cơ chế bảo đảm huy động các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để đảm bảo lợi ích quốc gia;
c) Chính phủ quy định cơ chế bảo đảm các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng được bên mua điện cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đảm bảo thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn với thời gian áp dụng và các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư.
9. Chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới:
a) Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp với cam kết về mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam;
b) Nhà nước khuyến khích đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tham gia thị trường điện;
c) Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi;
d) Ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện thuỷ triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt và điện hải lưu phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước;
đ) Khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ chất thải và sinh khối;
e) Phát triển điện từ năng lượng mới phù hợp với điều kiện về tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính.
10. Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện.
11.Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực theo nguyên tắc:
a) Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và có thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và gia tăng giá trị doanh nghiệp;
b) Tách bạch chức năng sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý nhà nước;
c) Xử lý, cải thiện hiệu quả hoạt động và tái cơ cấu triệt để các dự án và doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả hoặc thua lỗ trong lĩnh vực điện lực;
d) Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh;
đ) Tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực;
e) Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ đối với quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra hoặc để điều chỉnh kịp thời;
g) Các đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện phải hoạt động độc lập và không chung lợi ích với các bên tham gia thị trường điện nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh;
h) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh nhằm ngăn chặn các hành vi lũng đoạn trong thị trường điện cạnh tranh.
12. Chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện:
a) Bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;
b) Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh;
c) Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm;
d) Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
đ)Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện; Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hộitheo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ;
e) Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện trong khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;
g) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực;
h) Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội;
i) Áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao,cơ sở lưu trú du lịch, các khách hàng sản xuất sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển và trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, chủ trương của nhà nước.
13. Xây dựng chiến lược mua bán điện dài hạn với nước ngoài, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
 14. Chính sách phát triển điện hạt nhân:
a) Quy hoạch phát triển điện hạt nhân là một phần gắn liền và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện;
b) Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành;
c) Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan;
d) Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.
đ) Tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả.
15. Nhà nước có chính sách đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài và an ninh cho công tác điều độ hệ thống điện quốc gia.
Điều 6. Hợp tác quốc tế trong hoạt động điện lực
1. Hợp tác quốc tế trong hoạt động điện lực phải phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điện:
a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực điện lực;
b) Đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động điện lực;
c) Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực quản lý trong lĩnh vực điện lực;
d) Thúc đẩy hợp tác đầu tư tài chính, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực điện lực và thỏa thuận điều ước quốc tế trong lĩnh vực điện lực theo quy định pháp luật.
Điều 7. Ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động điện lực
1. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
2. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước thực hiện các yêu cầu chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa của nhà máy điện và hệ thống điện; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp điện; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.
3. Các nội dung ứng dụng khoa học công nghệ khác.
Điều 8. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
1. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
2. Trộm cắp điện.
3. Trộm cắp, phá hoại trang thiết bị điện.
4. Sử dụng phương tiện, thiết bị, các chất gây cháy nổ, ăn mòn và các hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.
5. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
6. Vi phạm các quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
7. Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả diều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
8. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp hoặc thực hiện các hành vi sử dụng điện khác trái quy định của pháp luật.
9. Xây dựng công trình điện lực không phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh, trừ các trường hợp tại khoản 2 Điều 18 Luật này.
10. Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
11. Cản trở tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thi hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.
12. Gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Chương II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC VÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐIỆN LỰC
Mục 1. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC, PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN, LƯỚI ĐIỆN CẤP TỈNH VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
QUY HOẠCH
Điều 9. Yêu cầu của việc lập quy hoạch
1. Việc lập quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
2. Bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân với chi phí hợp lý.
3. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, bảo đảm phát triển bền vững.
4. Tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình quy hoạch phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý.
5. Thực hiện chuyển dịch năng lượng theo các mục tiêu, cam kết quốc gia trên cơ sở bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, chú trọng phát triển về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Điều 10. Phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển nguồn, lưới điện của cấp tỉnh
1. Quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm:
a) Tổng công suất lắp đặt các nguồn điệncủa hệ thống, bao gồm cả hệ thống lưu trữ điện phục vụ vận hành hệ thống điện trong thời kỳ quy hoạch;
b) Nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt từ 50 MW trở lên và lưới điện đấu nối nguồn điện này;
c) Nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt dưới 50 MW nhưng đấu nối ở cấp điện áp 220 kV;
d) Lưới truyền tải điện từ cấp điện áp 220 kV trở lên.
2. Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh, bao gồm:
a) Tổng công suất lắp đặt của các nguồn điệntrên địa bàn tỉnh đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực;
b) Nguồn điện, lưới điện trên địa bàn tỉnh đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực;
c) Nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt dưới 50 MW và lưới điện đấu nối nguồn điện này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Lưới điện 110 kV trên địa bàn;
đ) Tổng khối lượng lưới điện trung áp trên địa bàn.
3. Các trường hợp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh
a) Nguồn điện sử dụng nguồn nhiệt dư từ dây chuyền sản xuất sản phẩm cho nhu cầu tự sử dụng, không bán điện lên hệ thống điện; nhà máy điện sản xuất tại chỗ để tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia;
b) Dự án điện tự sản xuất tự tiêu thụtừ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia hoặc đấu nối lưới điện ở cấp hạ áp, trừ dự án điện sử dụng khu vực biển;
c) Điện tự sản xuất, tự tiêu thụtừ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước và công trình công cộng tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 33 của Luật này;
d) Lưới điện hạ áp;
đ) Dự án cải tạo, nâng cấp công trình điện lực mà không thay đổi quy mô công suất, cấp điện áp.
Điều 11. Lập, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực và chi phí cho các hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
3. Quy hoạch phát triển điện lực được phép điều chỉnh nội dung theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Quy hoạch khi xuất hiện các căn cứ được quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch hoặc các căn cứ sau đây:
a) Khi điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu của quy hoạch ngành;
b) Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ làm thay đổi một số nội dung, thông tin của dự án đã được xác định trong quy hoạch;
c) Do yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng;
d) Hình thành dự án để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian của khu chức năng;
đ) Khi có sự thay đổi của phương án phát triển nguồn, lưới, nhu cầu phụ tải điện so với quy hoạch.
4. Trường hợp có sai sót về các thông tin của dự án trong quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm đính chính nội dung sai sót nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, tổng quy mô công suất, thời kỳ quy hoạch trong quy hoạch phát triển điện lực được duyệt.
Điều 12. Lập, phê duyệt và điều chỉnh phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện:
a) Lập quy hoạch tỉnh theo quy định pháp luật về quy hoạch;
b) Lấy ý kiến Bộ Công Thương và các đơn vị điện lực có liên quan về phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh;
c) Hoàn thiện và tích hợp nội dung phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh vào quy hoạch tỉnh theo quy định pháp luật về quy hoạch.
2. Việc lập, thẩm định, tổ chức thực hiện và điều chỉnh phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh thực hiện theo việc lập, thẩm định, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
3. Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh được phép điều chỉnh nội dung theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Quy hoạch khi xuất hiện các căn cứ được quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch hoặc các căn cứ sau đây:
a) Khi điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mục tiêu của quy hoạch tỉnh;
b) Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ làm thay đổi một số nội dung, thông tin của dự án đã được xác định trong quy hoạch tỉnh;
c) Do yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng;
d) Hình thành dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian của khu chức năng của địa phương;
đ) Khi có sự thay đổi của phương án phát triển nguồn, lưới, nhu cầu phụ tải điện so với quy hoạch tỉnh.
4. Trường hợp có sai sót về các thông tin của dự án điện lực trong quyết định phê duyệt quy hoạchphát triển điện lực, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đính chính nội dung sai sót nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, tổng quy mô công suất, thời kỳ quy hoạch trong quy hoạch tỉnh.
Điều 13. Yêu cầu việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch
1. Bám sát mục tiêu, định hướng của quy hoạch, cụ thể hóa được các nhiệm vụ được giao trong quy hoạch.
2. Bảo đảm phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và linh hoạt trong phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với bối cảnh, nguồn lực quốc gia.
3. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các dự án. Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực.
Điều 14. Nội dung lập, phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, trong đó có kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điệncấp tỉnh.
3. Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực và kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh được lập chi tiết theo hai giai đoạn thời gian trong kỳ quy hoạch 10 năm phải đáp ứng quy định của Luật Quy hoạch và các nội dung sau đây:
a) Dự báo nhu cầu phụ tải điện bao gồm: công suất, điện năng;
b) Kế hoạch đầu tư nguồn điện và lưới điện;
c) Các giải pháp, nguồn lực thực hiện.
d) Danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác.
4. Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm các dự án trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật này.
Điều 15. Điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch
1. Kế hoạch thực hiện quy hoạch được phép điều chỉnh nội dung khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi quy hoạch phát triển điện lực điều chỉnh;
b) Do yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng;
c) Biến động bất thường của nhu cầu phụ tải điện hoặc giá các loại nhiên liệu tác động lớn đến giá thành điện;
d) Nhu cầu điều chỉnh tiến độ, quy mô công suất trong quá trình thực hiện dự án.
2. Thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; bổ sung dự án, thay thế các dự án bị chậm tiến độ, thay đổi quy mô công suất các dự án điện, giải pháp xử lý các dự án chậm tiến độ và các nội dung điều chỉnh khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b điểm c khoản này trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp quản lý về quy hoạch;
b) Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh: tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch; phương án đấu nối các dự án nguồn điện theo phạm vi phân cấp về quy hoạch; số lượng và công suất máy biến áp cấp 220 kV; số mạch đường dây cấp điện áp 220 kV;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh: tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch theo phân cấp quản lý; phương án đấu nối các dự án nguồn điện theo phạm vi phân cấp về quy hoạch; số lượng và công suất máy biến áp cấp 110 kV trở xuống; số mạch đường dây từ cấp điện áp 110 kV trở xuống.
3. Kế hoạch thực hiện quy hoạch được xem xét điều chỉnh 03 tháng một lần khi xuất hiện các căn cứ tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 16. Tiến độ dự án nguồn điện
1. Tiến độ thực hiện dự án nguồn điện, trừ các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật này bao gồm các mốc tiến độ sau:
a) Quyết định đầu tư dự án;
b) Khởi công công trình chính của dự án;
c) Đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
d) Các mốc tiến độ khác do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Tiến độ thực hiện dự án nguồn điện được thể hiện trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch.
3. Tiến độ thực hiện dự án nguồn điện được phép điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các điều kiện quy định tại hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
Điều 17. Cơ chế xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ
1. Việc xử lý các dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công bị chậm tiến độ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công.
2. Việc xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công thực hiện như sau:
a) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 06 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ quy định chi tiết điểm này;
b) Các dự án nguồn điện chậm tiến độ quá 12 tháng theo một trong các mốc tiến độ đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này không được điều chỉnh tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư và đã bị thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Số tiền bảo đảm thực hiện dự án nguồn điện chậm tiến độ chưa được hoàn trả phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư;
c) Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
d) Việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nguồn điện chậm tiến độ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư;
e) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu dự án nguồn điện chậm tiến độ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
g) Trường hợp dự án bị chậm tiến độ đáp ứng điều kiện là dự án khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật này, Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện dự án theo quy định tại Điều 21 Luật này;
h) Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định tại điểm e hoặc điểm g khoản này, Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thay thế dự án bị chậm tiến độ bằng dự án khác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật này.
 
Mục 2. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC
1. Đầu tư xây dựng dự án điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát nguồn, lưới điện cấp tỉnh. Căn cứ đánh giá theo thông tin về tên, quy mô công suất, tiến độdự án được xác địnhtrong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh;kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và các quyết định điều chỉnh (nếu có).
2. Các trường hợp không phải đánh giá phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh:
a) Các dự án quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật này;
b) Dự án lưới điện trung áp.
Điều 19.Quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực
1. Chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp 110 kV, 220 kV đi qua địa giới hành chính từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thuộc trường hợp có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định Luật Đất đai, trừ dự án lưới điện khẩn cấp quy định tại Điều 20 Luật này:
a) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có vị trí điểm nút đầu đường dây được xác định theo tên dự án lưới điện trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án;
b) Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án tại khoản này thưc hiện theo Luật Đầu tư. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm lấy ý kiến Uỷ ban nhân dân các tỉnh còn lại trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và nhận đủ hồ sơ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh còn lại phải có ý kiến đối với hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản này. Nội dung văn bản ý kiến thể hiện đồng ý hoặc không đồng ý, trường hợp không đồng ý cần nêu rõ lý do để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án đầu tư.
2. Chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt danh mục dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp cần đầu tư trên địa bàn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư bảo đảm không vượt khối lượng đã phê duyệt trong phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh;
b) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản này thay thế cho quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho từng dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp riêng lẻ.
3. Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện:
a) Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện tuân thủ pháp luật về đầu tư và phải bao gồm nội dung về các thông số kỹ thuật chuyên ngành thuỷ điện như sau: Thông tin về vị trí dự kiến xây dựng công trình (tọa độ địa lý dự kiến; tên huyện, tỉnh; tên sông, suối), sơ đồ khai thác, mực nước dâng bình thường, mực nước hạ lưu nhà máy nhỏ nhất hoặc mực nước hạ lưu nhà máy lớn nhất;
b) Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư và đánh giá sự phù hợp của các thông số kỹ thuật chuyên ngành thủy điện;
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương để lấy ý kiến thẩm định về nội dung đánh giá sự phù hợp của các thông số kỹ thuật chuyên ngành thủy điện;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương có ý kiến thẩm định về nội dung đánh giá sự phù hợp của các thông số kỹ thuật chuyên ngành thủy điện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư;
đ) Trường hợp điều chỉnh các thông số kỹ thuật chuyên ngành thủy điện dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.
Điều 20. Các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp
1. Dự án, công trình xây dựng điện khẩn cấp là dự án, công trình xây dựng điện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực cần thực hiện nhanh chóng để giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện, bao gồm các trường hợp:
a) Dự án, công trình xây dựng nguồn điện cần phải xây dựng, đưa vào vận hành gấp để bù đắp lượng công suất nguồn điện thiếu hụt so với kế hoạch thực hiện quy hoạch do chậm tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện khác gây nguy cơ thiếu điện; do thiếu hụt khi phụ tải khu vực, quốc gia tăng ngoài dự tính; do dừng dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn điện khác;
b) Dự án, công trình xây dựng lưới điện cần đầu tư gấp để đảm bảo đồng bộ với các công trình xây dựng nguồn điện khẩn cấp;
c) Dự án, công trình xây dựng lưới điện truyền tải có vai trò quan trọng trong việc truyền tải công suất nguồn điện giữa các khu vực cần phải đưa vào vận hành gấp để chống quá tải của lưới điện;
d) Dự án công trình xây dựng lưới điện 110 kV cần đầu tư gấp theo yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng, cấp điện cho các khu kinh tế, khu công nghiệp theo yêu cầu cấp bách của địa phương.
2. Các dự án, công trình xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh.
Điều 21. Thẩm quyền quyết định, giao các dự án, công trình điện khẩn cấp
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt các dự án, công trình xây dựng nguồn điện, lưới điện khẩn cấp đáp ứng các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật này trên cơ sở đánh giá, đề xuất của Bộ Công Thương hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp quản lý quy hoạch.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư các dự án điện khẩn cấp, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công khẩn cấp theo Luật Đầu tư công và dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo Luật Đầu tư.
Điều 22. Quy định đầu tư xây dựng dự án, công trình điện khẩn cấp
1. Đối với dự án, công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, việc thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công.
2. Đối với dự án, công trình không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, các quy định đầu tư xây dựng thực hiện như sau:
a) Dự án khẩn cấp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Điều 21 Luật này tương đương với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định Luật Đầu tư và chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định Luật Lâm nghiệp;
b) Chủ đầu tư dự án điện khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật này thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ theo quy định Luật Quản lý nợ công; được Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với doanh nghiệp và người có liên quan vượt quá giới hạn quy định tại Luật các tổ chức tín dụng; được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;
c) Chủ đầu tư dự án điện khẩn cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật này không phải thực hiện các thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt các nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn (bao gồm tài sản hình thành trong tương lai) theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
d) Chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu tiến độ công trình khẩn cấp;
đ) Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường được thực hiện đồng thời ở các bước thiết kế xây dựng, đảm bảo đủ nội dung theo quy định;
e) Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình, hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng và quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.
3. Dự án nguồn điện khẩn cấp được áp dụng các cơ chế về sản lượng điện tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư tại khoản 6 Điều 5 Luật này theo quy định của Chính phủ.
Điều 23. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về điện lực, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.
2. Chịu trách nhiệm thực hiện dự án bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật này.
3. Việc xây dựng các dự án, công trình liên kết lưới điện với nước ngoài trong khu vực biên giới đất liền không được làm thay đổi dấu hiệu nhận biết đường biên giới hoặc ảnh hưởng đến mốc quốc giới.
4. Đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến điểm đấu nối theo thỏa thuận đấu nối trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật.
5. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
6. Đối với dự án điện gió ngoài khơi
a) Chủ đầu tư tổ chức lập danh sách nhà thầu, người, phương tiện, thiết bị sử dụng trong dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan liên quan theo dõi quản lý;
b) Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
Điều 24. Phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
1. Cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh.
2. Các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước; vốn tự có, vốn vay để ưu tiên để đầu tư cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
a) Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu thuộc đối tượng được giao kế hoạch đầu tư công theo Luật Đầu tư công để thực hiện đầu tư cấp điện các đảo; nâng cấp, cải tạo công trình điện thuộc quyền quản lý;
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo công trình điện;
d) Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này.
3. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cấp điện sinh hoạt sau công tơ cho các đối tượng như sau:
a) Các hộ nghèo;
b) Hộ gia đình người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn;
c) Hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn, phải xây dựng nhà mới do thiên tai, cháy, nổ.
4. Nhà nước hỗ trợ đầu tư dây dẫn điện sau công tơ điện đến bảng điện của hộ gia đình cho các đối tượng như sau:
a) Các hộ cận nghèo;
b) Hộ gia đình người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã miền núi, biên giới, hải đảo;
c) Hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn, không phải xây dựng nhà mới do thiên tai, cháy, nổ.
5. Dự án đầu tư tại thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư thủy điện, các nguồn điện năng lượng tái tạo nhỏ khác cấp điện cho các hộ dân, trường hợp điện dư được phát vào lưới điện trung, hạ áp quốc gia. Giá phát điện dư theo mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 Luật này;
b) Dự án đầu tư, nâng cấp hoặc cải tạo lưới điện trung, hạ áp.
6. Dự án đầu tư theo khoản 5 Điều này không thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn, được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư theo Luật Đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư thủy điện, các nguồn điện năng lượng tái tạo nhỏ khác cấp điện cho các hộ dân, trường hợp điện dư được phát vào lưới điện trung, hạ áp quốc gia. Giá phát điện dư theo mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 Luật này;
b) Dự án đầu tư, nâng cấp hoặc cải tạo lưới điện trung, hạ áp.
7. Tiếp nhận tài sản sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu tiếp nhận công trình điện là tài sản công theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để quản lý vận hành;
b) Hộ sử dụng điện tiếp nhận tài sản và chịu trách nhiệm quản lý vận hành sau đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư khác bao gồm: công trình cấp điện bằng năng lượng tái tạo độc lập cấp điện cho các hộ sử dụng điện; đầu tư sau công tơ điện.
8. Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư nguồn điện và lưới điện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch theo phạm vi phân cấp về quy hoạch, các giải pháp, nguồn lực thực hiện để cấp điện khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 25. Sử dụng đất, sử dụng khu vực biển cho các dự án điện lực
1. Sử dụng đất cho các dự án điện lực:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu sử dụng đất của các dự án theo quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để lập, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo quy định pháp luật về đất đai làm cơ sở xác định diện tích đất sử dụng đất cho các dự án;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất để triển khai các dự án. Việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định của Luật Đất đai;
d) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai.
2. Sử dụng khu vực biển cho các dự án điện lực:
a) Căn cứ Quy hoạch không gian biển quốc gia được duyệt và quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để xác định nhu cầu và bố trí khu vực biển cho các công trình, dự án điện lực trên biển;
b) Cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển, cho thuê khu vực biển có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan để bảo đảm không trồng lấn khu vực biển của công trình, dự án điện lực với lĩnh vực khác;
c) Việc giao khu vực biển, cho thuê khu vực biển thực hiện dự án theo quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục 3.
LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐIỆN LỰC
Điều 26. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực
1. Lựa chọn nhà đầu tư các dự án được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
a) Lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công;
b) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án điện lực quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Dự án khẩn cấp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật này;
d) Lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật này;
đ) Các dự án không thuộc điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc là mức trần giá điện nằm trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành tại năm đấu thầu và nguyên tắc xác định giá điện chiếm trọng số điểm lớn.
2. Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư;
b) Các dự án thuỷ điện mở rộng và dự án cải tạo hoặc nâng cấp lưới điện được chấp thuận cho nhà đầu tư sở hữu dự án hiện hữu;
c) Các dự án nguồn điện tự sản xuất tự tiêu thụ;
d) Các dự án tại khoản 4 Điều 14 Luật này;
đ) Các dự án sử dụng vốn nhà nước được xác định theo điểm d khoản 3 Điều 14 Luật này do doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ đề xuất đầu tư.
3. Các dự án thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 1 Điều này.
Điều 27. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công
1. Thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như sau:
a) Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án do mình chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, các dự án điện lực phải thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở các tài liệu sau: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo hợp đồng mua bán điện được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với Bên mua điện trên cơ sở Hợp đồng mua bán điện mẫu được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc điểm cụ thể từng dự án.
4. Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, theo từng thời kỳ Chính phủ quy định các cơ chế cụ thể về: nguyên tắc giá, chuyển ngang giá khí sang giá điện, đảm bảo tiêu thụ hết khí khai thác trong nước, cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn đối với nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, các cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, bảo đảm của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu, đặc biệt là các loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới để đảm bảo thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
5. Bộ Công Thương ban hành mẫu hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu dự án điện lực (bao gồm cả mẫu hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư trúng thầu và bên mua điện).
6. Bên mua điện có trách nhiệm đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực. Giá điện trúng thầu được phê duyệt là giá tối đa để bên mua điện đàm phán, ký hợp đồng với nhà đầu tư trúng thầu.
7. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng dự án điện lực. Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện lực, Bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực được duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều 28. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư
1. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Trong quá trình đấu thầu, cơ quan tổ chức đấu thầu được áp dụng khoản 4 Điều 27 Luật này để thực hiện.
Mục 4.  DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ ÁP DỤNG LOẠI HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - VẬN HÀNH - CHUYỂN GIAO
Điều 29. Hợp đồng dự án
1. Hợp đồng dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) là loại hợp đồng dự án phía Việt Nam do các bên thỏa thuận, ký kết, bao gồm hợp đồng BOT và các tài liệu đính kèm như sau:
a) Hợp đồng BOT: là thỏa thuận bằng văn bản giữa Bộ Công Thương với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án;
b) Hợp đồng mua bán điện: là thỏa thuận bằng văn bản giữa Bên mua điện với doanh nghiệp dự án;
c) Hợp đồng thuê đất: là thỏa thuận bằng văn bản giữa Bên cho thuê đất nơi có dự án với doanh nghiệp dự án;
d) Hợp đồng cung cấp nhiên liệu trong nước: là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp nhà nước Việt Nam với doanh nghiệp dự án;
đ) Hợp đồng thỏa thuận về cơ sở hạ tầng dùng chung: là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp nhà nước Việt Nam với doanh nghiệp dự án.
2. Bộ Công Thương là cơ quan ký kết hợp đồng BOT dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Điều 30. Ngôn ngữ trong hợp đồng dự án và quy định cho các dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư
1. Ngôn ngữ sử dụng:
 Hợp đồng dự án phía Việt Nam theo quy định tại Điều 29 của Luật này được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trừ hợp đồng thuê đất.
2. Quy định áp dụng:
Tuỳ theo từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng cho các dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo khoản 4 Điều 27 của Luật này. 
 
Chương III. PHÁT TRIỂN ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MỚI
Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MỚI
Điều 31. Quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động để phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động để phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
b) Phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Nguyên tắc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới:
a) Bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện;
b) Đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện (lưới điện, trạm biến áp) để tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng do không giải tỏa được công suất;
c) Đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiến tới tự chủ về công nghệ;
d) Phát triển tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phù hợp với nhu cầu phụ tải; bảo đảm yêu cầu về môi trường và phù hợp với điều kiện xã hội khu vực phát triển;
đ) Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững, hợp lý và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ xuất khẩu điện hợp lý;
e) Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm áp lực truyền tải điện đi xa;
g) Ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện lớn để hình thành cụm nhà máy hoặc trung tâm năng lượng tái tạo nhằm phát huy lợi thế tự nhiên, hạ tầng lưới điện và phù hợp với nhu cầu phụ tải của từng vùng, từng địa phương (ngoại trừ nguồn điện phân tán quy mô nhỏ, phục vụ tự sản xuất, tự tiêu thụ), phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ;
h) Phát triển phù hợp điện mặt trời trên mặt nước, lòng hồ thủy lợi; ưu tiên phát triển tại mặt nước lòng hồ thủy điện hiện có, không phải đầu tư mới lưới điện truyền tải.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện. Đối với nguồn điện mặt trời và điện gió, công suất phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch là công suất phát điện định mức vào hệ thống điện quốc gia. Công suất lắp đặt do chủ đầu tư quyết định trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng để bảo đảm tỉ lệ công suất hệ thống lưu trữ điện theo quy định và hiệu quả sử dụng tài nguyên.
4. Phát triển điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng mới tạo nền tảng để chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng các-bon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững.
5. Nhà máy điện gió gần bờ là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tuabin được xây dựng trong vùng biển 06 hải lý từ đường mực nước triều trung bình nhiều năm ra phía biển.
6. Chính phủ quy định chi tiết hệ số sử dụng đất, hệ số sử dụng mặt nước, hệ số sử dụng khu vực biển, ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này.
7. Việc thực hiện hoạt động quy hoạch, đầu tư phát triển dự án điện gió trên biển theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Dự án sản xuất điện để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia;
b) Dự án sản xuất điện cho nhu cầu tự dùng hoặc để cấp điện cho sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh và nhu cầu khác phục vụ nhu cầu trong nước;
c) Dự án sản xuất điện để xuất khẩu và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh xuất khẩu.
8. Các công trình, dự án thực hiện trên biển phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phải bảo đảm phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế.
9. Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên biển phù hợp với thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển theo từng thời kỳ.
Điều 32. Khảo sát tiềm năng, định hướng phát triển
1. Tài nguyên năng lượng được khảo sát tiềm năng gồm:
a) Dữ liệu tài nguyên gió;
b) Dữ liệu tài nguyên mặt trời;
c) Dữ liệu chất thải rắn sinh hoạt và đô thị;
d) Dữ liệu tài nguyên địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và các dạng tài nguyên năng lượng đại dương khác;
đ) Dữ liệu tài nguyên sinh khối;
e) Dữ liệu nguồn chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh ngoài đối tượng tại điểm c khoản này;
g) Dữ liệu tài nguyên nước.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng trên toàn quốc, trừ đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng thuộc phạm vi quản lý địa giới hành chính đối với đối tượng quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này và đối tượng khác theo phân công của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chủ trì thực hiện tại các khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận;
d) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch hội đồng thành viên doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phê duyệt đề án khảo sát phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản này.
3. Nhà nước khuyến khích, huy động nguồn tài chính hợp pháp và đóng góp về khoa học, kỹ thuật của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác khảo sát tiềm năng.
4. Thông tin, dữ liệu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là một nguồn dữ liệu đầu vào để cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn lập quy hoạch sử dụng phục vụ:
a) Lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trường hợp khu vực chưa có thông tin, dữ liệu tại khoản này, tổ chức lập quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch có trách nhiệm thu thập, mua dữ liệu tin cậy để thực hiện nhiệm vụ theo quy định;
b) Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan.
5. Trừ thông tin, dữ liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, công bố, chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp thông tin, dữ liệu trên toàn quốc tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
6. Kinh phí thực hiện khảo sát tiềm năng tại khoản 1 Điều này được bố trí từ các nguồn sau:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Kinh phí của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
c) Kinh phí của tổ chức, cá nhân tự nguyện tài trợ cho công tác khảo sát.
7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phạm vi, trình tự, số liệu, dữ liệu và phương pháp khảo sát tiềm năng.
Điều 33. Phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để cung cấp cho nhu cầu phụ tải của tổ chức, cá nhân đó, bao gồm:
a) Điện sinh hoạt của hộ gia đình;
b) Điện của trụ sở cơ quan nhà nước, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động công cộng;
c) Điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể;
d) Điện của trụ sở đơn vị sự nghiệp, tòa nhà chung cư.
2. Yêu cầu đối với phát triển nguồn điện tại khoản 1 Điều này:
a) Công suất phát triển và điện năng sản xuất từ nguồn này bảo đảm phù hợp với nhu cầu phụ tải điện của tổ chức, cá nhân và phù hợp với điều kiện phát triển của hệ thống điện;
b) Việc đấu nối với hệ thống điện thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Chính sách khuyến khích:
a) Nguồn điện quy định tại khoản 1 Điều này được phép đấu nối với hệ thống điện quốc gia theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà của công trình xây dựng, điện gió quy mô đến 100 kW tại khoản 1 Điều này không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất của công trình hiện hữu sang đất công trình năng lượng theo quy định của Chính phủ;
c) Khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện tại khoản 1 Điều này lắp đặt hệ thống lưu trữ điện để đảm bảo ổn định cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải của tổ chức, cá nhân đó.
4. Quy định phát sản lượng điện dư:
a) Tổ chức, cá nhân có nguồn điện tại khoản 1 Điều này được lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia;
b) Trước khi đầu tư nguồn điện tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư và giá bán điện dư theo quy định của pháp luật. Đơn vị mua điện căn cứ nhu cầu và điều kiện vận hành hệ thống điện để quyết định việc huy động sản lượng điện dư;
c) Bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm nếu Bên bán điện lựa chọn phát sản lượng điện dư.
5. Căn cứ khả năng kỹ thuật, điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách của Trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện tự sản xuất, tự tiêu thụ tại điểm a khoản 1 Điều này:
a) Hỗ trợ về tài chính cho đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà và hệ thống lưu trữ;
b) Hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình, giải pháp phòng cháy chữa cháy.
6. Căn cứ điều kiện kỹ thuật, khả năng tài chính, người có thẩm quyền quyết định việc đầu tư, lắp đặt nguồn điện tại điểm b khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan.
7. Chính phủ quy định cụ thể:
a) Trình tự, thủ tục thực hiện, đăng ký phát triển;
b) Cơ chế giá mua bán, sản lượng điện dư;
c) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan khi phát triển nguồn điện tại khoản 1 Điều này.
Điều 34. Phát triển điện từ năng lượng mới
Căn cứ yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, Chính phủ quyết định chính sách cụ thể khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư vào điện năng lượng mới như sau:
1. Mức và thời gian miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, tiền thuê khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển, tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
2. Bên mua điện và bên bán điện được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện sản lượng điện được bảo đảm huy động tối thiểu trong năm đối với nhà máy điện có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia trong thời hạn theo quy định của Chính phủ.
3. Các cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đặc biệt theo pháp luật về đầu tư.
Điều 35. Cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
1. Trong thời gian vận hành nhà máy điện theo thiết kế được duyệt, trong thời hạn hoạt động của dự án đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị khác so với thông số kỹ thuật đang vận hành để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.
2. Công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia của các dự án tại khoản 1 Điều này không vượt quá công suất được ghi trong văn bản pháp lý của dự án:
a) Quyết định phê duyệt quy hoạch hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch;
b) Quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
c) Giấy phép hoạt động điện lực;
d) Hợp đồng mua bán điện đã ký.
3. Khi thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu dự án điện chịu trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để cập nhật, điều chỉnh theo quy định của pháp luật các hồ sơ, giấy phép liên quan đối với các lĩnh vực:
a) Môi trường;
b) Đầu tư;
c) Đất đai (nếu có);
d) Hoạt động điện lực;
đ) Phòng cháy và chữa cháy;
e) Mua bán điện;
g) Vận hành hệ thống điện.
Điều 36. Tháo dỡ dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo sau khi chấm dứt hoạt động
1. Công trình, phần dự án hoặc dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Khi hết thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng nếu không được gia hạn thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng;
b) Khi hết thời hạn hoạt động theo pháp luật về đầu tư hoặc hết thời hạn hoạt động dự án đầu tư nhưng không được gia hạn.
2. Việc gia hạn thời hạn sử dụng, thời hạn hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, sau khi có đánh giá về vấn đề an toàn, xây dựng, an ninh, quốc phòng. Khi có sự khác nhau về thời hạn theo điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, việc tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động thực hiện theo điều kiện đến trước.
3. Tháo dỡ nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió:
a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu dự án nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió phải thực hiện tháo dỡ nhà máy theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Việc tháo dỡ, thu hồi, xử lý các sản phẩm sau khi tháo dỡ thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường và pháp luật có liên quan;
c) Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí trong thời hạn 02 năm trước thời điểm chấm dứt hoạt động và tổ chức thực hiện tháo dỡ. Kinh phí tháo dỡ do doanh nghiệp dự án, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp từ kinh phí vận hành, bảo dưỡng và từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành tháo dỡ trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm chấm dứt hoạt động theo khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 37. Quản lý, vận hành điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
Ngoài việc tuân thủ các quy định về vận hành hệ thống điện tại Chương VI Luật này, các đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới (trừ điện mặt trời mái nhà của hộ gia đình hoặc hệ thống có quy mô đến 01 MW) có trách nhiệm:
1. Chia sẻ, cung cấp dữ liệu quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp của dự án và thống kê sản lượng điện của nhà máy hằng năm.
2. Trước ngày 25 tháng 12 hàng năm, cung cấp các dữ liệu tại khoản 1 Điều này thông qua hệ thống thông tin điện lực hoặc gửi văn bản tới bộ phận tiếp nhận văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia để quản lý, theo dõi.
Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI
Điều 38. Quy định chung
1. Ngoài quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, khi thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải tuân thủ thông lệ an toàn hàng hải, đăng kiểm quốc tế.
2. Các loại hình dự án điện gió ngoài khơi:
a) Dự án sản xuất điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia;
b) Dự án sản xuất điện phục vụ nhu cầu tự sử dụng của tổ chức, cá nhân trong nước và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
c) Dự án sản xuất điện cho mục đích khác như xuất khẩu, phục vụ sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh để xuất khẩu.
3. Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với công trình trên đất liền thuộc dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Toàn bộ thông tin, dữ liệu, mẫu vật trong quá trình khảo sát phát triển dự án, khảo sát lập thiết kế xây dựng công trình của dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện như sau:
a) Nhà nước sở hữu dữ liệu khảo sát;
b) Dữ liệu khảo sát được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng để theo dõi, quản lý theo quy định;
c) Trừ trường hợp chuyển giao quyền phát triển dự án, Chủ đầu tư, nhà đầu tư thực hiện khảo sát có quyền sử dụng dữ liệu để phục vụ dự án do mình làm chủ đầu tư hoặc dự án nghiên cứu đầu tư, không được bán hoặc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân khác, ngoài dữ liệu quy định tại điểm b khoản này.
5. Tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo đảm tuân thủ quy định về quốc phòng, an ninh.
Điều 39. Phát triển điện gió ngoài khơi
1. Nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng ngoài vùng biển 06 hải lý của đất liền.
2. Công trình chính của dự án điện gió ngoài khơi bao gồm:
a) Công trình nhà máy điện bao gồm: các thiết bị, kết cấu xây dựng và đường dây điện liên kết đồng bộ của tuabin gió;
b) Công trình lưới điện đấu nối đồng bộ bao gồm: trạm điện tăng áp, đường dây đấu nối từ nhà máy điện gió tới điểm đấu nối của hệ thống điện.
3. Đối với dự án có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia, bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, sản lượng điện còn lại thực hiện tham gia thị trường điện theo quy định. Căn cứ mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.
4. Ngoài chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành, dự án điện gió ngoài khơi được hưởng chính sách khuyến khích như sau:
a) Miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện;
b) Miễn, giảm tiền thuê khu vực biển tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về biển, tài nguyên môi trưởng biển và hải đảo;
c) Hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 40. Khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
1. Các giai đoạn khảo sát thực hiện dự án điện gió ngoài khơi gồm:
a) Khảo sát phục vụ nghiên cứu phát triển dự án;
b) Khảo sát phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát phục vụ lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở do chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và phù hợp với đặc thù dự án điện gió ngoài khơi, thông lệ quốc tế.
2. Xác định khu vực biển thực hiện khảo sát:
a) Căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án;
b) Cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển quyết định giao khu vực biển để khảo sát nghiên cứu phát triển dự án theo quy định;
c) Tổng quy mô công suất điện gió ngoài khơi trong danh mục tại điểm a khoản này được phép lớn hơn quy mô công suất đã duyệt trong thời kỳ quy hoạch phát triển điện lực.
3. Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện khảo sát tại các khu vực biển trước khi có chủ đầu tư dự án:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đề xuất thực hiện và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Căn cứ điều kiện thu hút đầu tư, Chính phủ quyết định và quy định chi tiết việc lựa chọn nhà đầu tư khảo sát ngoài đối tượng quy định tại điểm a khoản này.
4. Quản lý dữ liệu khảo sát
a) Nhà nước sở hữu dữ liệu khảo sát phục vụ nghiên cứu đầu tư dự án, khảo sát lập dự án và khảo sát phục vụ thiết kế;
b) Dữ liệu khảo sát tại điểm a khoản này được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng để theo dõi, quản lý theo quy định;
c) Chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện khảo sát có quyền sử dụng dữ liệu để phục vụ dự án do mình làm chủ đầu tư hoặc dự án nghiên cứu đầu tư, không được bán hoặc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân khác, ngoài các dữ liệu quy định tại điểm b khoản này.
Điều 41. Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi
1. Dự án điện gió ngoài khơi thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định sau:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đề xuất đầu tư, lập hồ sơ, trình phê duyệt theo pháp luật về đầu tư;
b) Nhà đầu tư được chấp thuận thực hiện khảo sát tại điểm b khoản 3 Điều 40 Luật này lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư tại khu vực khảo sát không đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực được thực hiện nghiên cứu, khảo sát theo pháp luật về đầu tư;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định chủ trương đầu tư lập hồ sơ, trình phê duyệt theo pháp luật về đầu tư.
2. Ngoài quy định theo Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư công, nội dung hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phải có:
a) Vị trí, tọa độ và diện tích khu vực biển sử dụng;
b) Hồ sơ giao khu vực biển để khảo sát đã được Bộ Tài nguyên và Môi chấp thuận.
3. Ngoài nội dung theo Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư công, nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phải có thông tin:
a) Vị trí, tọa độ của dự án;
b) Diện tích khu vực biển được sử dụng và thời hạn sử dụng;
c) Các mốc tiến độ quy định tại Điều 16 Luật này.
4. Khi thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan.
Điều 42. Lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi
1. Trừ các trường hợp sau đây, dự án điện gió ngoài khơi phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định:
a) Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Dự án khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật này;
c) Dự án được doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đề xuất thực hiện và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
2. Căn cứ điều kiện phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết và quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc lựa chọn theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật này và theo quy định pháp luật về đấu thầu.
4. Chính phủ quy định cụ thể:
a) Điều kiện nhà đầu tư được tham gia đấu thầu;
b) Các ưu đãi, ưu tiên khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện khảo sát;
c) Tiêu chí, hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Điều 43. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng:
a) Dự án đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư công;
b) Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
c) Cơ quan nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng không thẩm định báo cáo cáo nghiên cứu khả thi các dự án của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện. Hội đồng thành viên của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thay cơ quan chuyên môn về xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thẩm định toàn bộ nội dung theo quy định của pháp luật, bao gồm các nội dung do cơ quan chuyển môn về xây dựng thẩm định theo pháp luật về xây dựng;
d) Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi không thuộc điểm a, điểm b và điểm c khoản này, Bộ Công Thương thay cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì tổ chức thẩm định theo nội dung quy định của pháp luật về xây dựng;
đ) Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi, các cơ quan thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan;
e) Ngoài thành phần, nội dung quy định theo pháp luật về xây dựng, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điện gió phải có: Nhu cầu sử dụng khu vực biển; tính toán tăng, giảm giá điện khi thay đổi sản lượng điện 5% và 10%; kết quả đánh giá, xác nhận của cơ quan, tổ chức đăng kiểm của Việt Nam, quốc tế về sự phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy định về an toàn hàng hải, yêu cầu kỹ thuật công trình trên biển trong giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư.
2. Thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
a) Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình điện gió ngoài khơi, bảo đảm an toàn, chất lượng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Ngoài thành phần, nội dung quy định theo pháp luật về xây dựng, hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điện gió phải có kết quả đánh giá, chấp thuận của cơ quan, tổ chức đăng kiểm của Việt Nam, quốc tế về sự phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy định về an toàn hàng hải, yêu cầu kỹ thuật công trình trên biển trong giai đoạn thiết kế xây dựng công trình;
c) Trước khi phê duyệt thiết kế xây dựng công trình điện gió ngoài khơi, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ, dự thảo quyết định phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đến cơ quan có liên quan để lấy ý kiến về chuyên môn, quản lý nhà nước theo quy định;
d) Các cơ quan lấy ý kiến về chuyên môn: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công Thương và Bộ, ngành có liên quan.
đ) Các cơ quan nêu tại điểm d khoản này phải nêu ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong quá trình nêu ý kiến về chuyên môn, vấn đề quản lý nhà nước, các cơ quan được quyền thuê tổ chức, chuyên gia để hỗ trợ đánh giá hồ sơ. Chi phí thực hiện do chủ đầu tư chi trả theo quy định của pháp luật và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
3. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn điện gió ngoài khơi:
a) Tiêu chuẩn, quy chuẩn về điện gió ngoài khơi được ban hành theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn;
b) Các công trình điện gió ngoài khơi được áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài đối với các trường hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam chưa được ban hành.
Điều 44. Kiểm tra, chấp thuận đưa công trình vào khai thác sử dụng
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức kiểm tra hồ sơ hoàn thành của chủ đầu tư. Bộ Công Thương được phép mời chuyên gia, tổ chức trong nước tham gia kiểm tra.
2. Thẩm quyền kiểm tra của cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này thay thế cho thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan nhà nước theo quy định tại Luật Xây dựng.
3. Công trình điện gió ngoài khơi chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Hoàn thành theo thiết kế được duyệt;
b) Đã được chủ đầu tư và nhà thầu nghiệm thu, chấp thuận;
c) Đã được cơ quan, tổ chức đăng kiểm Việt Nam, quốc tế chấp thuận đối với các công trình trên biển theo quy định của pháp luật;
d) Được cơ quan nhà nước kiểm tra, chấp thuận kết quả và đã được cấp phép hoạt động điện lực theo quy định.
Điều 45. Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi
1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi. Việc chuyển nhượng phần cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong dự án điện gió ngoài khơi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Sau khi dự án đã vận hành, phát điện theo quy định của pháp luật;
b) Có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần, phần vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án, toàn bộ dự án phải tuân thủ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Biển Việt Nam và pháp luật có liên quan.
3.  Đối với hoạt động tại khoản 2 Điều này có yếu tố nước ngoài, phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Điều 46. Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi
Chính phủ quy định cụ thể điều kiện nhà đầu tư nước ngoài được tham gia, thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, gồm:
1. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp.
3. Quyền tham gia của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối tại dự án điện gió ngoài khơi có nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Chương IV. GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Điều 47. Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp giấy phép gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
2. Tổ chức đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ các trường hợp quy định tại Điều 54 Luật này.
3. Không cấp giấy phép hoạt động điện lực cho giai đoạn đầu tư. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
5. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện được cấp cho tổ chức sở hữu nhà máy điện theo hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình.
6. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp theo theo phạm vi quản lý, vận hành lưới điện truyền tải cụ thể.
7. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện được cấp theo theo phạm vi quản lý, vận hành lưới điện phân phối cụ thể.
8. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện được cấp theo theo phạm vi bán điện cụ thể.
9. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện được cấp theo theo phạm vi bán điện cụ thể, trừ phạm vi do cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho đơn vị khác. Khi chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện cấp cho tổ chức tham gia thị trường bán lẻ điện theo phạm vi của thị trường bán lẻ điện.
10. Trước giai đoạn vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phát điện hoặc phân phối điện.
Điều 48. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có hạng mục công trình, công trình phát điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh.
3. Có hạng mục công trình, công trình phát điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định.
4. Có người quản lý kỹ thuật và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác vận hành đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn theo quy định của Chính phủ.
5. Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện và thị trường điện.
6. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định.
7. Đối với nhà máy thủy điện: Có quy trình vận hành hồ chứa; phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phương án ứng phó thiên tai; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt theo quy định.
8. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, khu vực biển theo quy định để thực hiện dự án.
9. Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hạng mục công trình, công trình phát điện theo quy định.
Điều 49. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có hạng mục công trình, công trình truyền tải điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh.
3. Có hạng mục công trình, công trình truyền tải điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định.
4. Có người quản lý kỹ thuật và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác vận hành đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môntheo quy định của Chính phủ.
5. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, khu vực biển theo quy định để thực hiện dự án.
6. Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hạng mục công trình, công trình truyền tải điện theo quy định.
Điều 50. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có hạng mục công trình, công trình phân phối điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh.
3. Có hạng mục công trình, công trình phân phối điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định.
4. Có người quản lý kỹ thuật và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác vận hành đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn theo quy định của Chính phủ.
5. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, khu vực biển theo quy định để thực hiện dự án.
6. Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hạng mục công trình, công trình phân phối điện theo quy định.
Điều 51. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có phương án hoạt động bán buôn điện.
3. Có người quản lý kinh doanh bán buôn điện đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn theo quy định của Chính phủ.
Điều 52. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện
1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có phương án hoạt động bán lẻ điện.
3. Có người quản lý kinh doanh bán lẻ điện đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn theo quy định của Chính phủ.
Điều 53. Các trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Cấp mới giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp:
a) Cấp giấy phép lần đầu đối với hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình phát điện trong lĩnh vực phát điện;
b) Cấp giấy phép lần đầu đối với phạm vi cụ thể trong lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện;
c)   Cấp mới giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp thay đổi phạm vi hoạt động, thông số kỹ thuật chính của công trình điện, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực của giấy phép đã cấp.
2.  Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp:
a) Theo đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép khi có sự thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 55 hoặc giảm lĩnh vực hoạt động tại khoản 2 Điều 55 Luật này;
b) Trường hợp cần bảo vệ lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế - xã hội, lợi ích công cộng, theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực;
c)   Trường hợp có sai sót về các nội dung ghi trong giấy phép đã cấp, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm sửa đổi giấy phép đã cấp.
3. Cấp lại giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp:
a) Khi có đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép trong trường hợp giấy phép còn thời hạn bị mất, bị hỏng;
b) Khi giấy phép đã cấp hết hạn hoặc còn thời hạn dưới 06 tháng và có đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép. Trong trường hợp này, các nội dung của giấy phép quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 55 Luật này không thay đổi so với giấy phép đã cấp;
c)   Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật này.
4. Cấp gia hạn giấy phép hoạt động điện lực: Giấy phép hoạt động điện lực được gia hạn trong trường hợp giấy phép còn hiệu lực và thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đến trước thời điểm chuyển giao tài sản, công trình điện hoặc thời điểm dừng hoạt động của dự án không quá 12 tháng.
5. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 54. Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
1. Các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực:
a) Tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở phát điện để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định;
b) Tổ chức hoạt động phát điện có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định;
c) Tổ chức kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn mức công suất theo quy định từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;
d) Tổ chức hoạt động phát điện lên lưới điện quốc gia được miễn trừ giấy phép bán buôn điện;
đ) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
e) Hạng mục công trình, công trình xây dựng nguồn điện, lưới điện khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật này được miễn giấy phép hoạt động điện lực trong thời gian 06 tháng kể từ thời điểm vận hành;
g) Các hoạt động điện lực khác không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật này.
2. Tổ chức được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn và các nghĩa vụ theo lĩnh vực hoạt động điện lực được quy định tại Luật này.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra tổ chức hoạt động điện lực tại địa phương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định cụ thể mức công suất được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 55. Nội dung của giấy phép hoạt động điện lực
1. Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
2. Lĩnh vực hoạt động điện lực.
3. Phạm vi hoạt động điện lực.
4. Thông số kỹ thuật chính của công trình điện, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện.
5. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.
6. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 56. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
1. Thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực quy định như sau:
a) Thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện là 20 năm;
b) Thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện là 20 năm;
c) Thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện là 10 năm;
d) Thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện là 10 năm.
2. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ trong trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép và trường hợp cấp lại khi giấy phép còn thời hạn bị mất, bị hỏng.
3. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực không quá 12 tháng đối với trường hợp gia hạn giấy phép.
4. Tổ chức đề nghị thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này thì cấp theo thời hạn đề nghị, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, phương án bán buôn, bán lẻ điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này. Chính phủ quy định nội dung, trường hợp xác định việc cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định.
Điều 57. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
1. Tổ chức bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức có nhu cầu ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực đã được cấp phép cho tổ chức khác;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện hoạt động điện lực được cấp phép theo quy định;
c) Không thực hiện đúng lĩnh vực hoạt động điện lực hoặc phạm vi hoạt động điện lực được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực;
d) Cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực;
đ) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
e) Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động điện lực và không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Tổ chức bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này được đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động điện lực sau khi đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 58. Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
1. Bộ Công Thương cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
3. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
4. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy mô công suất, cấp điện áp, phạm vi của lĩnh vực hoạt động điện lực.
Điều 59. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp phép
1. Quyền của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
a) Được hoạt động điện lực theo nội dung quy định trong giấy phép;
b) Đề nghị cấp lại, gia hạn, sửa đổi hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động điện lực khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp giấy phép;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
a) Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép;
b) Đảm bảo các điều kiện hoạt động điện lực được cấp phép trong suốt thời gian hoạt động;
c) Nộp đầy đủ các loại phí có liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;
d) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực;
đ) Không được cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực;
e) Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký;
g) Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực khi thay đổi tên, địa chỉ đăng ký kinh doanh của đơn vị được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
h) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về tình hình hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 hằng năm;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương V. HOẠT ĐỘNG MUA BÁN ĐIỆN
Mục 1. THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH
Điều 60. Nguyên tắc hoạt động
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.
2. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do lựa chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
3. Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
Điều 61. Cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh
1. Thị trường điện cạnh tranh phát triển theo các cấp độ sau đây:
a) Thị trường phát điện cạnh tranh;
b) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
c) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
2. Để phù hợp với yêu cầu vận hành của các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, các điều kiện sau đây cần từng bước hoàn thành trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; cơ cấu ngành điện; cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện; cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5 Luật này và tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.
Điều 62. Đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ
1. Các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a) Đơn vị phát điện;
b) Đơn vị truyền tải điện;
c) Đơn vị phân phối điện;
d) Đơn vị bán buôn điện;
đ) Đơn vị bán lẻ điện;
e) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
g) Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
h) Khách hàng sử dụng điện.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về việc tham gia của các đối tượng tại khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Điều 63. Mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ
1. Đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a) Đơn vị phát điện;
b) Đơn vị bán buôn điện;
c) Đơn vị bán lẻ điện;
d) Khách hàng sử dụng điện.
2. Việc mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Mua bán thông qua hợp đồng giữa bên bán điện và bên mua điện;
b) Mua bán giao ngay giữa bên bán điện và bên mua điện thông qua đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
c) Mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện giữa bên bán điện và bên mua điện.
3. Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố.
Điều 64. Hoạt động, điều hành giao dịch trong thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ
1. Các hoạt động, điều hành giao dịch trong thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a) Dự báo đầy đủ, tin cậy cung cầu điện năng và lập kế hoạch vận hành thị trường điện;
b) Mua bán điện giao ngay trên thị trường điện;
c) Chào giá và xác định giá thị trường;
d) Cung cấp các dịch vụ phụ trợ và giá dịch vụ phụ trợ phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh;
đ) Lập hoá đơn và thanh toán giữa các đối tượng mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này và các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ;
e) Cung cấp, công bố thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực cho các bên liên quan;
g) Cung cấp các dịch vụ giao dịch và dịch vụ thanh toán đối với phần điện năng và công suất được mua bán theo hình thức giao ngay và các dịch vụ phụ trợ;
h) Tiếp nhận và xử lý các kiến nghị liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực để bảo đảm sự ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
i) Giám sát vận hành thị trường điện;
k) Báo cáo về hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực với cơ quan điều tiết điện lực.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Điều 65. Quyền và nghĩa vụ Đơn vị phát điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh
1. Đơn vị phát điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các quyền sau đây:
a) Cạnh tranh bán điện cho bên mua điện thông qua hợp đồng kỳ hạn điện và chào giá bán điện giao ngay trên thị trường điện cạnh tranh;
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện trong thị trường điện cạnh tranh;
c) Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Đơn vị phát điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranhcác cấp độ;
b) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 66. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh
1. Đơn vị bán buôn điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các quyền sau đây:
a) Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo hợp đồng bán buôn điện, hợp đồng kỳ hạn điện;
b) Định giá bán buôn điện trong khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt để cạnh tranh mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện trong thị trường điện cạnh tranh;
d) Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Đơn vị bán buôn điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ;
b) Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động tham gia thị trường điện cạnh tranh theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 67. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh
1. Đơn vị bán lẻ điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các quyền sau đây:
a) Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo hợp đồng bán buôn điện, hợp đồng kỳ hạn điện;
b) Định giá bán lẻ điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật này;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan phục vụ hoạt động bán lẻ điện trong thị trường điện cạnh tranh;
d) Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Đơn vị bán lẻ điện tham gia thị trường điện cạnh tranh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ;
b) Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động tham gia thị trường điện cạnh tranh theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 68. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh
1. Khách hàng sử dụng điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến: quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh; hoạt động của đơn vị bán lẻ điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
b) Được lựa chọn bên bán điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
c) Khách hàng sử dụng điện lớn được mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện thông qua hợp đồng mua bán điện, hợp đồng kỳ hạn điện vàmua điện giao ngay trên thị trường điện cạnh tranh;
d) Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Khách hàng sử dụng điện khi tham gia thị trường điện cạnh tranh có các nghĩa vụ sau:
a) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ;
b) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện cung cấp dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện trong thị trường điện cạnh tranh
1. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có các quyền sau đây:
a) Được tiếp cận các thông tin, quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ;
b) Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền tải, phân phối điện với các đối tượng tham gia mua bán điện cạnh tranh trên thị trường điện theo các cấp độ;
c) Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Đơn vị truyền tải điện, phân phối điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ;
b) Không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia cạnh tranh trên thị trường điện khi sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực
1. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các quyền sau đây:
a) Vận hành thị trường điện giao ngay;
b) Yêu cầu các đơn vị điện lực liên quan cung cấp các số liệu phục vụ công tác điều hành giao dịch trên thị trường điện lực theo quy định của pháp luật;
c) Đầu tư, lắp đặt, quản lý, vận hành Hệ thống thu thập số liệu đo đếm và Hệ thống quản lý số liệu đo đếm trong phạm vi quản lý theo từng cấp độ của thị trường điện cạnh tranh;
d) Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thị trường điện trong phạm vi quản lý để phục vụ hoạt động của thị trường điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh;
đ) Xây dựng và trình duyệt giá điều hành giao dịch thị trường điện lực;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định trong thị trường điệncạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện cạnh tranh;
c) Lập và công bố các thông tin kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới, tháng tới, tuần tới, lập lịch ngày tới, chu kỳ tới;
d) Lập và công bố giá điện giao ngay và giá dịch vụ phụ trợ;
đ) Cung cấp các dịch vụ giao dịch và dịch vụ thanh toán đối với điện năng và công suất được mua bán trên thị trường điện giao ngay và dịch vụ phụ trợ phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh;
e) Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng thông tin thị trường điện và cơ sở hạ tầng viễn thông, thông tin chuyên ngành phục vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện;
g) Tiếp nhận, thẩm định, đánh giá và xác nhận hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện của các đơn vị có nhu cầu tham gia thị trường điện;
h)Giám sát hoạt động đăng ký tham gia thị trường điện của các thành viên;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 71. Tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ
1. Bộ Công Thương thực hiện tạm ngừng hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ trong trường hợp sau đây:
a) Các tình huống khẩn cấp về thảm họa thiên tai hoặc bảo vệ an ninh quốc phòng;
b) Hệ thống điện vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp, không đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện ổn định, an toàn và liên tục;
c) Các sự kiện bất khả kháng khác làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường trên thị trường điện giao ngay.
2. Bộ Công Thương thực hiện khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh trạnh các cấp độ khi những nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được khắc phục.
Mục 2. HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN VÀ DỊCH VỤ CUNG CẤP ĐIỆN
Điều 72. Hợp đồng mua bán điện giữa bên bán điện và bên mua điện, hợp đồng bán buôn điện và hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện
1. Nội dung chính của hợp đồng mua bán điện giữa bên bán điệnvà bên mua điện, hợp đồng bán buôn điện và hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện:
a) Giá hợp đồng mua bán điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ;
b) Sản lượng điện hợp đồng (nếu có);
c) Lập hoá đơn, tiền điện thanh toán và thời hạn thanh toán;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt. Trường hợp bên bán điện có nhà đầu tư nước ngoài, bên bán điện và bên mua điện có thể thỏa thuận bổ sung hợp đồng với ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh.
e) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.
2. Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định các nội dung chính của hợp đồng mua bán điện giữa bên bán điệnvà bên mua điện, hợp đồng bán buôn điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh.
3. Bên bán điện và bên mua điện có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại các hợp đồng quy định tại Điều này cho phù hợp với quy định từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
4. Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra:
a) Giá hợp đồng mua bán điện theo đề nghị của bên bán điện và bên mua điện, phù hợp với phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương quy định;
b) Giá bán buôn điện theo đề nghị của bên bán điện và bên mua điện, phù hợp với phương pháp xác định giá bán buôn điện do Bộ Công Thương quy định.
5. Trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy điện, hợp đồng mua bán điện được thoả thuận ký kết thông qua đấu thầu theo quy định tại Điều 27 Luật này.
Điều 73. Mua bán điện giữa đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện
1. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải có các nội dung cơ bản sau:
a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);
b) Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ vàđịa chỉ sử dụng điện;
c) Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của bên mua điện;
e) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;
g) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;
h) Phương thức giải quyết tranh chấp;
i) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng;
k) Thỏa thuận phạt vi phạm;
l) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.
2. Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt:
a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đề nghị mua điện và thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện;
b) Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
3. Nội dung của hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt do các bên thỏa thuận. Trường hợp khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng lớn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên.
4. Hình thức hợp đồng có thể bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 74. Hợp đồng kỳ hạn điện
1. Nội dung chính của Hợp đồng kỳ hạn điện:
a) Sản lượng điện cam kết trong hợp đồng kỳ hạn điện được xác định trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua điện và bên bán điện;
b) Giá mua bán điện trong hợp đồng kỳ hạn điện được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận giữa bên mua điện và bên bán điện;
c) Giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện là giá thị trường điện giao ngay do Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện tính toán và công bố;
d) Bên mua điện và bên bán điện có nghĩa vụ thanh toán khoản chênh lệch giữa giá mua bán điện và giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện đối với sản lượng điện cam kết;
đ) Các nội dung khác trong hợp đồng kỳ hạn điện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
2. Cơ chế thuế giá trị gia tăng đối với Hợp đồng kỳ hạn điện áp dụng theo quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Điều 75. Mua bán điện với nước ngoài
1. Việc mua bán điện với nước ngoài bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của khách hàng sử dụng điện và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chiến lược mua bán điện với nước ngoài.
2. Giá nhập khẩu điện xác định tại biên giới Việt Nam, do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận phù hợp với khung giá nhập khẩu điện do Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm tối đa chi phí phát điện, cạnh tranh so với giá điện tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định khung giá nhập khẩu điện áp dụng cho các nước láng giềng cụ thể; trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện.
3. Giá xuất khẩu điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ theo nguyên tắc tại khoản 1 Điều này. Trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia, bên bán điện căn cứ nguyên tắc tại khoản 1 Điều này và căn cứ quy định giá bán lẻ điện tại khoản 1 Điều 86 để thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện.
4. Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 76. Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện
1. Các trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện bao gồm:
a) Mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp;
b) Mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.
2. Việc mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật về quy hoạch, cấp phép hoạt động điện lực, hoạt động mua bán điện và các hoạt động khác có liên quan;
b) Phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
3. Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan khi tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Điều 77. Thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện
1. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt:
a) Tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả;
b) Lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán. Trường hợp lãi suất chậm trả vượt quá mức lãi suất theo quy định tại điểm này thì bên mua điện không phải trả phần lãi suất vượt quá;
c) Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa;
d) Lãi suất thu thừa được xác định theo quy định tại điểm b khoản này;
đ) Bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, trừ trường hợp bất khả kháng có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện. Cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau một ngày so với ngày ấn định hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
2. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trường hợp các bên chậm trả hoặc thu thừa thì có nghĩa vụ trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả và lãi suất theo quy định pháp luật về dân sự.
3. Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp tại đơn vị bán điện; dịch vụ bưu chính; phương tiện điện tử hoặc các hình thức khác do các bên thỏa thuận. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải theo quy định tại khoản 7 Điều này.
Trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định.
Trong thời gian yêu cầu của bên mua điện chưa được giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện; bên bán điện không được ngừng cấp điện.
4. Bên mua điện không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 07 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định pháp luật về điện lực (bao gồm cả chi phí cấp điện trở lại) thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.
5. Hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
6. Việc xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất theo quy định của Bộ Công Thương.
7. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải tranh chấp về thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận. Trình tự, thủ tục hòa giải được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 78. Ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện
1. Việc ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện đã ký. Bên mua điện và bên bán điện phải thỏa thuận, thống nhất các trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện và hình thức thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện.
2. Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện:
a) Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, bên bán điện được phép ngừng, giảm mức cung cấp và phải thông báo sớm nhất nhưng không chậm hơn 24h kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện cho bên mua điện về tình trạng cấp điện và thời gian dự kiến cấp điện trở lại;
b) Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc các nhu cầu khác theo kế hoạch, bên bán điện có trách nhiệm thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng hình thức thông báo được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện;
c) Không thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 4 Điều 77 Luật này;
d) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực hoặc vi phạm quy định của Luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của Luật đó.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện tại khoản 2 Điều này.
Điều 79. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện
1. Đơn vị phát điện có các quyền sau đây:
a) Bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện;
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị phát điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm vận hành các tổ máy và các thiết bị trong nhà máy an toàn, ổn định, tin cậy, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu để đáp ứng các phương thức vận hành, yêu cầu vận hành của hệ thống điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục;
b) Phải ngừng hoặc giảm mức phát điện nếu không có giải pháp khác trong trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị;
c) Thông báo ngay cho Cấp điều độ có quyền điều khiển và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về phát điện;
d) Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 80. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện
1. Đơn vị truyền tải điện có các quyền sau đây:
a) Xây dựng và trình duyệt giá truyền tải điện;
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện;
c) Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị truyền tải điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ truyền tải và các dịch vụ phụ trợ cho các bên có liên quan, trừ trường hợp lưới điện truyền tải bị quá tải theo xác nhận của Bộ Công Thương;
b) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc yêu cầu Cấp điều độ có quyền điều khiển giảm mức truyền tải điện nếu không có giải pháp khác;
c) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
d) Thông báo ngay cho Cấp điều độ có quyền điều khiển và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về lưới điện truyền tải;
đ) Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải được giao quản lý vận hành, do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương;
e) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện;
g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 81. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện
1. Đơn vị phân phối điện có các quyền sau đây:
a) Xây dựng và trình duyệt giá phân phối điện;
b) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phân phối điện;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị phân phối điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực điện lực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên mua điện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
c) Thực hiện các phương thức vận hành theo yêu cầu của Cấp điều độ có quyền điều khiển, thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngừng, giảm cung cấp điện theo quy định để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục;
d) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phân phối điện nếu không có giải pháp khác;
đ) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 82. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện
1. Đơn vị bán buôn điện có các quyền sau đây:
a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng mua buôn điện;
b) Sử dụng dịch vụ truyền tải, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị bán buôn điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 83. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện
1. Đơn vị bán lẻ điện có các quyền sau đây:
a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng mua buôn điện;
b) Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
c) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số đo điện năng, bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt và thay thế hệ thống đo đếm điện, trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện và liên hệ với khách hàng;
d) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán lẻ điện;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị bán lẻ điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
c) Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến lượng điện bán lẻ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 84. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện
1. Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện;
c) Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán;
đ) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến dịch vụ và bên bán lẻ điện;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Khách hàng sử dụng điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán tất cả các khoản tiền phát sinh từ hợp đồng mua bán điện;
b) Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định, chương trình về quản lý nhu cầu điện để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục;
c) Sử dụng dịch vụ truyền tải, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
d) Sử dụng điện đúng đối tượng và mục đích theo quy định về giá bán điện;
đ) Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản;
e) Tạo điều kiện để bên bán điện kiểm tra, sửa chữa, ghi chỉ số đo điện năng, bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt và thay thế hệ thống đo đếm điện, trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện và và liên hệ với khách hàng;
g) Bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy;
h) Chịu trách nhiệm đầu tư đường dây dẫn điện sau công tơ đến nơi sử dụng điện trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật này; chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống điện trong công trình thuộc phạm vi quản lý đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật;
i) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định của pháp luật;
k) Bảo vệ công tơ điện đặt trong phạm vi quản lý của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác, phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển;
l) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 85. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện lớn
1. Khách hàng sử dụng điện lớn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật này và được sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện theo quy định tại Hợp đồng ký với đơn vị truyền tải điện, phân phối điện.
2. Khách hàng sử dụng điện lớn có các nghĩa vụ sau đây:
a) Có các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật này;
b) Thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu của Cấp điều độ có quyền điều khiển, biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện năng, an toàn điện và nội dung khác đã được thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện, truyền tải điện, phân phối điện.
Mục 3. GIÁ ĐIỆN VÀ GIÁ CÁC DỊCH VỤ VỀ ĐIỆN
Điều 86. Các loại giá điện và dịch vụ về điện
1. Giá bán lẻ điện:
a) Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
b) Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền;
c) Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ phát triển thị trường điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện;
d) Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: lộ trình giảm bù chéo giá điện theo quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật này; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật này.
2. Giá bán buôn điện:
a) Giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá bán buôn điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Trường hợp chưa thỏa thuận được về giá bán buôn điện, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức nhưng không được vượt quát khung giá bán buôn điện và thời gian áp dụng do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp xác định giá bán buôn điện; trình tự, thủ tục kiểm tra giá bán buôn điện;
b) Khung giá bán buôn điện do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp lập khung giá bán buôn điện; trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.
3. Giá dịch vụ phát điện:
Trừ nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ, giá dịch vụ phát điện được quy định như sau:
a) Giá hợp đồng mua bán điện bao gồm thành phần giá cố định, giá vận hành và bảo dưỡng, giá biến đổi. Giá cố định được xác định bình quân theo đời sống kinh tế dự án trên cơ sở phân tích tài chính dự án để bên bán điện thu hồi chi phí đầu tư và lợi nhuận hợp lý. Giá vận hành và bảo dưỡng, giá biến đổi để bên bán điện thu hồi chi phí hoạt động vận hành và bảo dưỡng; chi phí mua nhiên liệu, vật liệu phụ, các chi phí khác để phát điện;
b) Giá hợp đồng mua bán điện tại năm cơ sở do các đơn vị điện lực thỏa thuận tại hợp đồng mua bán điện nhưng không được vượt quá khung giá phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Bên bán điện và bên mua điện có quyền ký kết hợp đồng mua bán điện với giá cố định từng năm hợp đồng mua bán điện trên cơ sở đảm bảo giá cố định không thay đổi;
c) Trường hợp chưa thỏa thuận được giá hợp đồng mua bán điện, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức nhưng không được vượt quá khung giá phát điện và thời gian áp dụng do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định;
d) Trường hợp bên bán điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp từ sân phân phối điện của nhà máy điện hoặc một số nhà máy điện để tải công suất của một số nhà máy điện đến điểm đấu nối của bên mua điện và chi phí này chưa được tính toán trong giá hợp đồng mua bán điện, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận thu hồi chi phí xây dựng, quản lý, vận hành và bảo dưỡng theo quy định của pháp luật;
đ) Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện; trình tự, thủ tục kiểm tra hợp đồng mua bán điện;
e) Trường hợp nhà máy điện có nguồn vốn vay ngoại tệ; chi phí mua nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng có thành phần bằng ngoại tệ, giá hợp đồng mua bán điện bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về ngoại hối và phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành;
g) Khung giá phát điện do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp lập khung giá phát điện; trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá phát điện;
h) Trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy điện, giá hợp đồng mua bán điện được bên bán điện và bên mua điện xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Luật này và không vượt quá khung giá phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
4. Nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ áp dụng cơ chế Biểu giá chi phí tránh được. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ.
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định chi phí phát điện của nhà máy điện trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh đối với các trường hợp sau:
a) Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu do Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng và vận hành tại khoản 2 Điều 5 Luật này;
b) Nhà máy điện phối hợp vận hành theo danh sách do Bộ Công Thương quy định, bao gồm nhà máy điện có cùng tính chất vận hành với nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu;
c) Các nhà máy điện khác không xác định được giá dịch vụ phát điện.
        6. Đối với nhà máy thủy điện mở rộng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật này và loại hình nhà máy điện chưa có phương pháp xác định giá phát điện, bên mua điện và bên bán điện có trách nhiệm thỏa thuận xây dựng phương pháp xác định giá phát điện và hợp đồng mua bán điện phù hợp với thực tế của nhà máy điện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.
        7. Đối với nhà máy năng lượng tái tạo nhỏ hết thời hạn áp dụng Biểu giá chi phí tránh được quy định tại khoản 4 Điều này; nhà máy điện đã vận hành thương mại và hết thời hạn áp dụng giá hợp đồng mua bán điện, bên mua điện và bên bán điện có trách nhiệm thỏa thuận giá hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc bảo đảm cho nhà máy điện thu hồi chi phí đầu tư (nếu có), chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và thỏa thuận mức lợi nhuận hợp lý.
8. Giá các dịch vụ về điện khác:
a) Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp xác định và trình tự, thủ tục phê duyệt giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực;
b) Giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
9. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng trong trường hợp sau:
a) Giá phát điện đối với trường hợp bên bán điện đầu tư dự án nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện theo Điều 31 Luật này;
b) Giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện trong trường hợp hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thuỷ điện tích năng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
10. Căn cứ đặc thù của các nhà máy điện theo từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định về việc áp dụng khung giá phát điện đối với nhà máy điện gió ngoài khơi theo Điều 39 Luật này, các nhà máy điện theo khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này và điểm a khoản 9 Điều này.
Điều 87. Căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện
1. Căn cứ lập giá điện:
a) Chính sách giá điện;
b) Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
c) Quan hệ cung cầu về điện;
d) Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý và tỷ suất lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực;
đ) Cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh;
e) Báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực đã được đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán.
2. Căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ điện:
Giá bán lẻ điện phản ánh kịp thời biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu không thấp hơn bình quân lãi suất liên ngân hàng thời hạn 06 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố của năm trước liền kề để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp; được điều chỉnh ít nhất một lần trong thời gian 03 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất.
3. Căn cứ điều chỉnh giá dịch vụ phát điện:
a) Thay đổi về chính sách, pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của bên bán điện hoặc bên mua điện;
b) Thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Bên bán điện được giao đầu tư nâng cấp, cải tạo các hạng mục đường dây và trạm biến áp theo quy hoạch;
d) Các nhà máy điện đang vận hành phải đầu tư cải tạo, nâng cấp thiết bị; xử lý tro, xỉ để đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Điều 88. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
1. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 86 của Luật này.
2. Bộ Công Thương chủ trì, xây dựnggiá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.
Chương VI. VẬN HÀNH, ĐIỀU ĐỘ HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA
Điều 89. Nguyên tắc vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia
1. Nguyên tắc vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia:
a)    Bảo đảm an toàn, ổn định, chất lượng và tin cậy;
b)   Bảo đảm các ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện;
c)    Bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống lũ, tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu và cấp nước hạ du theo quy định;
d)   Bảo đảm thực hiện các thỏa thuận về sản lượng điện và công suất trong Hợp đồng mua bán điện, xuất, nhập khẩu điện; các ràng buộc tiêu thụ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Bảo đảm nguyên tắc tối ưu kinh tế - kỹ thuật hệ thống điện;
e)    Không phân biệt đối xử trong việc huy động công suất, điện năng của các đơn vị phát điện trong hệ thống điện quốc gia.
2. Hệ thống điện quốc gia được chỉ huy bởi Cấp điều độ có quyền điều khiển. Cấp điều độ có quyền điều khiển bao gồm Cấp điều độ quốc gia, Cấp điều độ miền, Cấp điều độ phân phối.
3. Các đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm tuân thủ chỉ huy của Cấp điều độ có quyền điều khiển; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong phạm vi quản lý để bảo đảm vận hành an toàn và giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố, phối hợp với các đơn vị liên quan trong vận hành để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.
4. Chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quyền điều khiển của Cấp điều độ có quyền điều khiển, nguyên tắc vận hành, điều độ, thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương.
5. Trong trường hợp tình huống khẩn cấp hoặc bất thường đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc vận hành, huy động các nhà máy điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Điều 90. Hệ thống truyền tải điện
Trang thiết bị điện, lưới điện đấu nối vào lưới điện truyền tải phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống truyền tải điện, đấu nối lưới điện truyền tải. Yêu cầu kỹ thuật, đấu nối và vận hành hệ thống truyền tải điện thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương.
Điều 91. Hệ thống phân phối điện
Trang thiết bị điện, lưới điện đấu nối vào lưới điện phân phối phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống phân phối điện, đấu nối lưới điện phân phối. Yêu cầu kỹ thuật, đấu nối và vận hành hệ thống phân phối điện thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương.
Điều 92. Quản lý nhu cầu điện
1. Quản lý nhu cầu điện là những hoạt động khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và thấp điểm.
2. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm nghiên cứu phụ tải, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện.
3. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm tham gia chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện, giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện.
4. Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp quản lý nhu cầu điện và trách nhiệm tham gia chương trình quản lý nhu cầu điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
5. Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết trình tự thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, quy định về giờ cao điểm, giờ thấp điểm, giờ bình thường.
Điều 93. Liên kết lưới điện với nước ngoài
1. Liên kết lưới điện với nước ngoài phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật này.
2. Trường hợp liên kết lưới điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia;
b) Đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia.
3. Trường hợp một phần lưới điện tách ra khỏi hệ thống điện quốc gia để liên kết với lưới điện nước ngoài thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện nhưng phải bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia.
4. Liên kết lưới điện với nước ngoài không thông qua hệ thống điện quốc gia thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện.
Điều 94. Tiết kiệm trong phát điện
1. Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, thân thiện với môi trường, có hiệu suất cao, quản lý và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
2. Hệ thống điện tự dùng trong nhà máy phát điện phải được thiết kế, lắp đặt hợp lý và phải bố trí sử dụng trong quá trình vận hành phù hợp với yêu cầu tiết kiệm điện tự dùng.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao điện tự dùng cho các loại nhà máy điện.
Điều 95. Tiết kiệm trong truyền tải, phân phối điện
Hệ thống đường dây tải điện, phân phối điện và trạm điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và xét đến hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm tổn thất điện năng. 
Điều 96. Tiết kiệm trong sử dụng điện
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm:
a) Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện;
b) Bảo đảm hệ số công suất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và hạn chế tối đa việc sử dụng non tải thiết bị điện.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu trang thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm các chỉ tiêu tiêu hao điện năng tiên tiến nhằm giảm chi phí điện năng, góp phần thực hiện tiết kiệm điện.
3. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình.
Điều 97. Đo đếm điện
1. Bên bán điện, đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt và quản lý toàn bộ các thiết bị đo đếm điện, thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật.
2. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường.
3. Vị trí lắp đặt công tơ đo đếm điện năng phải bảo đảm an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số đo điện năng và bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng.
4. Bên sở hữu thiết bị đo đếm có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của pháp luật về đo lường.
5. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; bên bán điện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế; đối với trường hợp bán lẻ điện, bên bán điện phải hoàn thành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên mua điện phải trả chi phí kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên bán điện phải trả chi phí kiểm định, đồng thời thực hiện việc truy thu hoặc thoái hoàn điện năng theo hợp đồng mua bán điện đã ký và theo quy định của pháp luật.
Điều 98. Bảo đảm chất lượng điện năng 
1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm điện áp, tần số dòng điện theo yêu cầu kỹ thuật do Bộ Công Thương ban hành, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.
2. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện của mình hoạt động an toàn để không gây ra sự cố cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp, tần số của lưới điện.
Điều 99. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia
1. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các quyền sau đây:
a) Chỉ huy, điều khiển các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện thực hiện phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;
b) Chỉ huy xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc bất thường trong hệ thống điện quốc gia; huy động công suất, điện năng của các nhà máy điện trong hệ thống điện quốc gia; chỉ huy việc thao tác lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối; ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trong trường hợp có nguy cơ đe doạ đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia;
c) Được điều chỉnh kế hoạch, phương thức huy động công suất các nhà máy điện trong tình huống bất thường hoặc khẩn cấp trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định;
d) Xây dựng và trình duyệt giá điều độ vận hành hệ thống điện;
đ) Yêu cầu các đơn vị điện lực có liên quan cung cấp thông tin về đặc tính kỹ thuật, khả năng sẵn sàng tham gia vận hành và mang tải của các trang thiết bị phát điện, truyền tải điện và phân phối điện; nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để xác định phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;
e) Đánh giá cân đối cung cầu hệ thống điện.
2. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các nghĩa vụ sau đây:
a) Vận hành hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm an toàn, ổn định, kinh tế;
b) Tuân thủ các quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia, hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối điện do Bộ Công Thương ban hành và các hướng dẫn của cơ quan điều tiết điện lực;
c) Lập và trình Bộ Công Thương phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia hàng năm; Lập, phê duyệt và thực hiện phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia trên cơ sở do Bộ Công Thương phê duyệt;
d) Thông báo số lượng công suất, điện năng và các dịch vụ phụ trợ đã được huy động cho đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
đ) Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng hệ thống viễn thông, thông tin và các hệ thống chuyên dụng phục vụ công tác điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện;
e) Báo cáo kịp thời với cơ quan điều tiết điện lực và thông báo cho đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực về những tình huống khẩn cấp hoặc bất thường đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia.
Điều 100. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực trong vận hành
1. Các đơn vị điện lực có các quyền sau đây:
a) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan.
2. Các đơn vị điện lực có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị thuộc phạm vi quản lý vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
c) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của Cấp điều độ có quyền điều khiển;
d) Báo cáo các thông tin liên quan đến về khả năng sẵn sàng, độ dự phòng của các trang thiết bị, các thông tin liên quan theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 101. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi đấu nối vào lưới điện
1. Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:
a) Được đấu nối trực tiếp vào hệ thống điện quốc gia theo quy định;
b) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
c) Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin liên quan đến việc mua bán điện và hướng dẫn về an toàn điện;
d) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, mức độ chính xác của thiết bị đo đếm điện.
2. Khách hàng sử dụng điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện;
b) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của Cấp điều độ có quyền điều khiển;
c) Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả;
d) Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản.
Chương VII. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ AN TOÀN TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN
Mục 1. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC
Điều 102. Trách nhiệm bảo vệ công trình điện lực
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình điện lực và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời với đơn vị điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn đối với công trình điện lực, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình điện lực.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 103. Trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo, mở rộng công trình điện lực và các công trình khác
1. Khi xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của trang thiết bị điện, công trình điện lực, chủ đầu tư công trình xây dựng phải có biện pháp đảm bảo an toàn đối với trang thiết bị điện, công trình điện lực. Trường hợp xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng công trình xây dựng gây sự cố mất an toàn cho trang thiết bị điện, công trình điện lực thì chủ đầu tư xây dựng công trình phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
2. Khi xây dựng, sửa chữa, cải tạo, mở rộng công trình điện lực, đơn vị điện lực và đơn vị thi công xây dựng có trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và an toàn điện. Trường hợp gây ảnh hưởng đến công trình và hoạt động sử dụng đất hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải thực hiện hỗ trợ, bồi thường theo quy định pháp luật.
3. Đơn vị quản lý, vận hành công trình điện lực có trách nhiệm phối hợp triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho trang thiết bị điện, công trình điện lực khi có yêu cầu của chủ đầu tư công trình xây dựng.
Điều 104.  Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực
1. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực là vùng xung quanh công trình điện lực cần có biện pháp bảo vệ để bảo đảm an toàn cho con người và công trình điện lực, được xác định trên không, trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước tùy thuộc từng loại công trình điện lực.
2. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực bao gồm:
a) Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;
b) Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;
c) Hành lang bảo vệ an toàn trạm điện;
d) Hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện.
3. Đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được xác định và theo quy định của pháp luật; việc sử dụng đất không được gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an toàn công trình điện lực.
Trường hợp sử dụng đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực gây ảnh hưởng đến an toàn công trình điện lực thì người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc bồi thường khi thu hồi đất hoặc hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
4. Các hoạt động trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật về an toàn điện.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 105. Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
1. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình.
2. Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải có văn bản thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này.
Trường hợp xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không thuộc đối tượng phải xin cấp phép xây dựng thì chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình có trách nhiệm thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không trước khi thực hiện, trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh.
3. Trường hợp xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có nguy cơ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải thông báo bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về kế hoạch xây dựng và các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình thi công xây dựng.
4. Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.
5. Cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu cây trồng phải có trách nhiệm chặt, tỉa phần cây trồng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện hoặc khi cây phát triển, ngã đổ vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện. Trường hợp người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu cây trồng không chặt tỉa cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện dẫn đến gây sự cố lưới điện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phối hợp khi có yêu cầu của người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu cây tổ chức chặt tỉa bảo đảm an toàn điện.
6. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây điện trên không với đường bộ, đường thủy nội địa, luồng hàng hải, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao tĩnh không, chiều sâu dưới đất đến đỉnh của đường dây ngầm theo quy định pháp luật về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Phương tiện khi đi qua điểm giao chéo giữa đường dây điện trên không với đường bộ, đường thủy nội địa, luồng hàng hải phải bảo đảm chiều cao không vượt quá chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện trên không quy định tại khoản này.
7. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao của khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
8. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn.
9. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp tại khoản 6 và khoản 7 Điều này và thỏa thuận khi xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không tại khoản 2 Điều này.
Điều 106. Bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm
1. Việc xây dựng, lắp đặt đường cáp điện ngầm trong đất, trong nước phải tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành đường cáp điện ngầm trong đất, trong nước có trách nhiệm lắp đặt và bảo trì dấu hiệu cảnh báo vị trí đường cáp điện ngầm. Dấu hiệu cảnh báo phải có kích thước, thông tin và đặt ở vị trí phù hợp để tổ chức, cá nhân nhận biết và tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa hoặc quản lý cảng biển và luồng hàng hải và quy định về bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.
3. Ở những đoạn giao chéo giữa đường cáp điện ngầm với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, luồng hàng hải, độ sâu tối thiểu của đường cáp điện ngầm tại điểm cao nhất của đường cáp điện ngầm bằng độ sâu an toàn theo quy định pháp luật về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải.
4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất hợp pháp trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trong đất có trách nhiệm ngăn chặn các hoạt động sử dụng đất gây tác động đến đường cáp điện ngầm, xả nước thải và các chất ăn mòn khác vào khu vực hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.
5. Khi thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, lòng hồ tiếp giáp hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm, bên thi công phải thông báo trước ít nhất 10 ngày cho đơn vị quản lý đường cáp điện ngầm và phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đường cáp điện ngầm.
6. Việc bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trên biển phải tuân thủ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này và các quy định sau:
a) Chủ đầu tư đường cáp điện ngầm trên biển phải tiến hành thiết lập các tín hiệu cảnh báo, các biện pháp bảo vệ an toàn và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải;
b) Trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm trên biển, các tổ chức, cá nhân không được đánh bắt cá và các hoạt động tác động đến trầm tích đáy biển. Trong phạm vi 02 hải lý tính từ mép ngoài cùng của đường cáp điện ngầm, các tàu thuyền không có nhiệm vụ không được thả neo.
Điều 107. Bảo vệ an toàn trạm điện
1. Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây khi ngã đổ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; không xâm phạm đường ra vào của trạm điện.
2. Việc xây dựng nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện. Chủ đầu tư có trách nhiệm theo quy định tại Điều 103 Luật này.
3. Đường ra vào trạm điện phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều 108. Bảo vệ an toàn công trình nguồn điện
1. Đối với các công trình nguồn điện có hàng rào bảo vệ, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình nguồn điện có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình nguồn điện trong phạm vi hàng rào bảo vệ.
2. Đối với công trình nguồn điện không có hàng rào bảo vệ:
a) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình nguồn điện có trách nhiệm: đặt dấu hiệu cảnh báo phạm vi hành lang bảo vệ an toàn. Dấu hiệu cảnh báo phải có kích thước, thông tin và đặt ở vị trí phù hợp để tổ chức, cá nhân nhận biết; tổ chức bảo vệ an toàn công trình nguồn điện và khu vực hành lang bảo vệ an toàn. Trường hợp đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện bị lấn chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Cây trong hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Người sử dụng đất hoặc sở hữu cây trồng ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện có trách nhiệm phối hợp tổ chức, đơn vị quản lý, vận hành công trình nguồn điện để chặt, tỉa cây đảm bảo khi cây ngã đổ không vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện;
c) Tổ chức, cá nhân khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước trong hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý, vận hành công trình nguồn điện về các biện pháp bảo đảm an toàn.
3. Bảo vệ an toàn công trình điện gió trên đất liền:
a) Khi thực hiện các hoạt động trong phạm vi hàng lang bảo vệ an toàn công trình điện gió trên đất liền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió, các tổ chức, cá nhân không được phép thả diều, vật bay, trừ các thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh và các thiết bị của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình điện gió làm nhiệm vụ kiểm tra, vận hành và bảo trì công trình;
c) Cột tháp gió, cánh quạt, tua bin gió phải có dấu hiệu nhận biết và tín hiệu cảnh báo hàng không theo quy định pháp luật về hàng không.
4. Bảo vệ an toàn công trình điện gió trên biển:
a) Chủ đầu tư công trình điện gió trên biển phải có trách nhiệm: Thiết hiết lập vùng an toàn xung quanh công trình điện gió; thiết lập, duy trì và phát triển hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển; thực hiện báo hiệu hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải Việt Nam;
b) Vùng an toàn xung quanh công trình điện gió trên biển, bao gồm: Vùng cấm xâm nhập đối với các công trình điện gió và vùng cấm thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển. Các hoạt động trong vùng an toàn xung quanh công trình điện gió trên biển phải đảm bảo an toàn đối với công trình điện gió theo quy định;
c) Cột tháp gió, cánh quạt, tua bin gió phải có dấu hiệu nhận biết và tín hiệu cảnh báo hàng không theo quy định pháp luật về hàng không.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Điều 109. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị, dụng cụ điện có trách nhiệm tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng,vận hành bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Việc kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện phải được thực hiện bởi tổ chức kiểm định theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; chu kỳ kiểm định định kỳ đối với các thiết bị, dụng cụ điện; quy trình kiểm định.
4. Chính phủ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
Mục 2. AN TOÀN ĐIỆN
Điều 110. Yêu cầu chung về an toàn điện
1. Người trực tiếp thực hiện công việc: xây lắp, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện, công trình điện lực; kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và các công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện phải được đào tạo, huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện.
2. Tổ chức, đơn vị quản lý, vận hành, xây lắp, sửa chữa, cải tạo công trình điện lực, kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và các công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện có trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện; thực hiện chế độ báo cáo về tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn điện theo quy định; tổ chức hoặc thuê đơn vị có đủ năng lực tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý.   
3. Đối với các công trình phát điện, trạm điện, lưới điện chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao đầy đủ tài liệu thiết kế, thi công, hoàn công và các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai cho đơn vị quản lý vận hành.
4. Tại các vị trí điều khiển vận hành công trình điện lực phải có đầy đủ: các quy trình vận hành thiết bị, xử lý sự cố điện; sơ đồ lưới điện; nội quy phòng cháy, chữa cháy; nhật ký vận hành; báo hiệu hàng hải, biển báo an toàn về điện và tài liệu liên quan khác theo quy định.
5. Chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý, vận hành trạm điện có trách nhiệm thực hiện việc đo, vẽ bản đồ phân bố cường độ điện trường trên toàn bộ diện tích mặt bằng trạm điện và có biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo quy định.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị, dụng cụ điện phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật; cung cấp cho khách hàng hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ điện bảo đảm an toàn theo quy định.
7. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về: huấn luyện, sát hạch cấp thẻ an toàn điện; đo, vẽ bản đồ phân bố cường độ điện trường; chế độ báo cáo về tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực; biển báo an toàn về điện; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện, an toàn điện.
Điều 111. An toàn trong phát điện
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình phát điện phải tuân thủ quy định chung về an toàn điện tại Điều 110 Luật này và các quy định sau:
a) Quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, kỹ thuật điện, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường;
c) Quy định về: biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn hàng không, an toàn hàng hải;
d) Có biện pháp ngăn ngừa những người không có nhiệm vụ xâm nhập trái phép vào công trình phát điện;
đ) Thực hiện đánh giá an toàn kỹ thuật định kỳ theo quy định của Bộ Công Thương;
e) Công trình nhiệt điện phải có biện pháp xử lý, tiêu thụ tro, xỉ đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và đảm bảo dung tích tro, xỉ lưu trữ tại bãi chứa không vượt quá khối lượng phát sinh tương ứng 02 năm vận hành theo công suất thiết kế.
2. Trường hợp xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn về điện, chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý, vận hành có trách nhiệm khẩn trương áp dụng các biện pháp cứu người bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm, tiến hành sơ, cấp cứu người bị nạn; tổ chức xử lý, ngăn ngừa khả năng cháy, nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục gây tác hại nguy hiểm, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; có các biện pháp bảo đảm an toàn về điện cho các lực lượng, phương tiện được huy động tham gia xử lý vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; tổ chức xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục sau sự cố, tai nạn theo quy định.
Điều 112. An toàn trong truyền tải điện, phân phối điện
1. Chủ đầu tư trạm điện và công trình lưới điện phải chịu trách nhiệm:
a) Xây dựng, quản lý, vận hành trạm điện, công trình lưới điện phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn công trình đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, luồng hàng hải và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, kỹ thuật điện, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường;
b) Lắp đặt biển báo, báo hiệu hàng hải, thiết bị cảnh báo an toàn về điện tại các trạm điện, cột điện, đường cáp điện ngầm;
c) Cột điện phải được sơn màu và lắp đặt tín hiệu cảnh bảo hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không.
2. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao áp trên không, đường cáp điện ngầm với đường bộ, luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa phải được thiết lập, quản lý và duy trì báo hiệu chuyên ngành giao thông vận tải theo quy định. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành khai thác đường dây dẫn điện cao áp, đường cáp điện ngầm công trình có trách nhiệm chi trả chi phí thiết lập, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và duy trì báo hiệu theo quy định.
3. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao áp trên không với đường sắt, chủ đầu tư công trình điện phải thường xuyên kiểm tra chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại đến đỉnh ray, bảo đảm đáp ứng quy định tại khoản 7 Điều 105 Luật này.
4. Khi bàn giao công trình lưới điện, chủ đầu tư phải giao cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện các tài liệu kỹ thuật, quy trình vận hành, quy trình bảo trì, biên bản nghiệm thu, quyết định giao đất, cho thuê đất và các tài liệu liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
5. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
6. Cáp điện đi ngầm trong đất, đi chung trên cầu, đường dây thông tin, nằm trong kết cấu công trình khác phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và quy định pháp luật khác có liên quan.
7. Các thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất của trạm điện, lưới điện truyền tải và phân phối phải được lắp đặt đúng thiết kế và được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện.
Điều 113. An toàn trong đấu nối vào hệ thống điện quốc gia
1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và khách hàng sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện các thủ tục về đấu nối theo quy định của Bộ Công Thương được đấu nối hệ thống điện của mình vào hệ thống điện quốc gia.
2. Hệ thống điện độc lập phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Công Thương mới được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Điều 114. An toàn trong sử dụng điện cho sản xuất
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định chung về an toàn điện tại Điều 110 Luật này và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện tương ứng.
2. Các thiết bị điện phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ chống điện giật, nối đất, nối không các thiết bị điện.
3. Hệ thống thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường và sửa chữa, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện. Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với hồ sơ sửa chữa, bảo dưỡng và các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động.
4. Lưới điện thuộc phạm vi quản lý của tổ chức, cá nhân sử dụng điện phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các quy định liên quan khác.
5. Đường dây dẫn điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hóa học có thể gây hư hỏng. Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại, dây chống sét để làm dây trung tính làm việc.
6. Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ; sử dụng loại thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy, nổ chuyên dùng theo quy định.
7. Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị cung cấp, bán điện thực hiện kiểm tra an toàn hệ thống điện của khách hàng, trường hợp phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp điện.
Điều 115. An toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ có trách nhiệm tuân thủ các quy định sau:
a) Thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống điện trong nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, dịch vụ phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về công trình dân dụng theo pháp luật về xây dựng và phù hợp với tổng nhu cầu sử dụng điện năng của người sử dụng. Khi tăng nhu cầu sử dụng điện năng phải đồng bộ với thiết kế hệ thống điện trong nhà ở, công trình đảm bảo an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy;
b) Cột điện, đường dây dẫn điện sau công tơ đến nhà ở, công trình, khu vực sử dụng điện phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và không gây cản trở đến hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa;
c) Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, kiểm định trang thiết bị điện theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất. Kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện;
d) Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn đối với hệ thống điện trong nhà ở, công trình do mình sở hữu hoặc quản lý, sử dụng;
đ) Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra an toàn trong sử dụng điện.
2. Đơn vị cung cấp, bán điện có trách nhiệm:
a) Khi ký hợp đồng mua bán điện phải thông tin cho khách hàng sử dụng điện về các nguy cơ gây mất an toàn sử dụng điện và các biện pháp bảo đảm an toàn. Khi phát hiện các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống điện phục vụ sinh hoạt thì phải yêu cầu khách hàng sử dụng điện kiểm tra và hướng dẫn khách hàng các biện pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống điện;
b) Phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng điện an toàn.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan quản lý thuộc phạm vi quản lý và đơn vị điện lực ở địa phương tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt, dịch vụ.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Điều 116. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải phù hợp trong phạm vi, khu vực được phép sử dụng hàng rào điện do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt đảm bảo an toàn điện theo quy định, tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc; có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phạm vi, khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về an toàn trong sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp; nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện đối với người quản lý, sử dụng hàng rào điện.
Điều 117. Xử lý sự cố điện
1. Trường hợp xảy ra sự cố điện, đơn vị điện lực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý theo quy định của Bộ Công Thương.
2. Trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp ứng phó phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Mục 3. AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN
Điều 118. Nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện
1. Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện.
2. Công tác quản lý an toàn công trình thủy điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy điện.
3. Chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình thủy điện chịu trách nhiệm đối với an toàn công trình thủy điện do mình sở hữu và phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống các công trình thủy điện, góp phần bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập.
4. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy điện.
5. Đối với các hồ chứa thủy điện có nhiệm vụ phòng lũ, phải đảm bảo dung tích phòng lũ theo quy định, đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du trong quá trình vận hành khai thác hồ chứa, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập.
Điều 119. Phân loại và phân cấp công trình thủy điện
1. Phân loại và phân cấp công trình thủy điện để phục vụ đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy điện.
2. Loại công trình thủy điện được xác định theo quy mô, nhiệm vụ, tầm quan trọng, mức độ rủi ro vùng hạ du, bao gồm công trình thủy điện quan trọng đặc biệt, công trình thủy điện lớn, công trình thủy điện vừa và công trình thủy điện nhỏ. 
3. Cấp công trình thủy điện được xác định theo quy mô, nhiệm vụ, điều kiện địa chất nền và yêu cầu kỹ thuật xây dựng công trình, bao gồm công trình thủy điện cấp đặc biệt, công trình thủy điện cấp I, công trình thủy điện cấp II, công trình thủy điện cấp III, công trình thủy điện cấp IV.
4. Bộ trưởng Bộ Công Thương xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy điện.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.  
Điều 120. An toàn trong giai đoạn xây dựng, trước khi đưa vào vận hành
1. Quá trình thi công xây dựng công trình thủy điện, chủ đầu tư xây dựng và nhà thầu phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước và pháp luật về xây dựng.
2. Trong quá trình thi công xây dựng dự án công trình thủy điện mới, chủ đầu tư có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Đối với dự án đầu tư mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành công trình hiện hữu lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trước khi tích nước và bàn giao cho tổ chức quản lý, vận hành và các cơ quan quản lý nhà nước về điện lực, thủy lợi, tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai.
4. Trước khi phê duyệt kế hoạch tích nước lần đầu, Chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn công trình thủy điện, đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; Kế hoạch tích nước lần đầu phải được thông báo bằng văn bản trước khi tích nước 15 ngày đến cơ quan phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, cơ quan cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện:
a) Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với công trình thủy điện loại quan trọng đặc biệt, cấp I trở lên và công trình thủy điện trên địa bàn 02 tỉnh trở lên;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt hoặc phân cấp cho các cơ quan quản lý thuộc phạm vi quản lý thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với các công trình thủy điện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, trừ các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 121. An toàn trong giai đoạn quản lý, vận hành
1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước, tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và các quy định sau:
a) Vận hành công trình thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo tuân thủ phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định;
b) Thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa thủy điện; quan trắc công trình đập, hồ chứa thủy điện, bồi lắng lòng hồ; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; kiểm định định kỳ hoặc đột xuất công trình; kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện; lập và thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa công trình và thiết bị; bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện; lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
c) Trước mùa mưa hằng năm, rà soát, cập nhật, hiệu chỉnh và tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai theo quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai; hoàn thành công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình thủy điện; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Báo cáo kết quả gửi Sở Công Thương, trường hợp công trình thủy điện thuộc loại quan trọng đặc biệt, cấp I trở lên, công trình thủy điện trên địa bàn 02 tỉnh trở lên thì báo cáo gửi Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh có liên quan;
d) Sau mùa mưa hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng thiết bị, công trình; báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương kết quả khai thác, tính hợp lý, những tồn tại và nêu những kiến nghị cần thiết về việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện;
đ) Bố trí nhân sự làm công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có chuyên môn phù hợp, được đào tạo, bồi dưỡng định kỳ kiến thức, kỹ năng về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định.
2. Định kỳ 05 năm hoặc khi có sự thay đổi về quy mô, hạng mục công trình thủy điện, chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trước mùa mưa hằng năm, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của chủ sở hữu công trình thủy điện:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập đối với các công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà;
b) Bộ Công Thương chủ trì tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với các công trình thủy điện quan trọng đặc biệt, cấp I trở lên và công trình thủy điện trên địa bàn 02 tỉnh trở lên, trừ các công trình thủy điện quy định tại điểm a khoản này;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện hoặc phân cấp cho các cơ quan quản lý thuộc phạm vi quản lý tổ chức kiểm tra đối với các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, trừ các công trình thủy điện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
4. Khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý an toàn công trình và vận hành khai thác hiệu quả tài nguyên nước theo hướng tiệm cận thời gian thực.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 122. Phạm vi bảo vệ công trình thủy điện
1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy điện bao gồm công trình đập, hồ chứa, nhà máy, trạm điện, các công trình phụ trợ khác và vùng phụ cận (bao gồm vùng phụ cận của đập, vùng phụ cận của tuyến năng lượng và vùng phụ cận của lòng hồ chứa thủy điện) được xác định theo cấp công trình thủy điện; khi điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, phải điều chỉnh vùng phụ cận phù hợp với quy định. Việc xác định phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy điện phải tuân thủ quy định pháp luật về hành lang bảo vệ nguồn nước.
2. Chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy điện và bảo đảm kinh phí cắm, bảo trì mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy điện.
3. Tổ chức quản lý, vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện các hoạt động có nguy cơ gây mất an toàn đối với công trình thủy điện.
4. Việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy điện quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
5. Hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ hành lang nguồn nước và được đánh giá tác động đến an toàn đập, hồ chứa thủy điện:
a) Trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; không gây sạt lở bờ hồ ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn hồ chứa, không làm ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ nguồn nước; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố;
b) Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét yếu tố ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy điện và lấy ý kiến bằng văn bản của chủ sở hữu công trình thủy điện, chủ sở hữu công trình thủy điện có liên quan, Sở Công Thương các tỉnh có liên quan về tác động của dự án, hoạt động đầu tư xây dựng đối với công trình thủy điện và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có biện pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định;
c) Tổ chức, cá nhân khi triển khai các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm tuân thủ các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện và thông báo bằng văn bản gửi đến tổ chức quản lý, vận hành công trình thủy điện về kế hoạch hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện;
d) Công trình hiện có hợp pháp trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy điện được tiếp tục sử dụng. Khi mở rộng quy mô phải tuân thủ quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này;
đ) Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy điện phải thực hiện các giải pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan khác;
e) Hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản trong lòng hồ thủy điện phải đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa thủy điện và tuân thủ quy định pháp luật về địa chất, khoáng sản và tài nguyên nước.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 123. Hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện
1. Thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện được xây dựng, quản lý, sử dụng phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý, giám sát, điều hành việc vận hành công trình thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn cho công trình, vùng hạ du và công tác phòng chống thiên tai. Nội dung thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện phải đảm bảo:
a) Nội dung thông tin, dữ liệu được cập nhật định kỳ phản ánh đầy đủ thông số kỹ thuật và chế độ vận hành công trình thủy điện theo quy định; 
b) Thuận tiện cho các tổ chức quản lý, vận hành công trình thủy điện cập nhật thông tin, dữ liệu vận hành công trình bảo đảm an ninh, an toàn thông tin;
c) Tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia.
2. Việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
3. Chủ sở hữu, đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước hồ chứa bao gồm cả xả nước phát điện, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ và cập nhật định kỳ thông tin, dữ liệu vận hành vào hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện theo quy định.
4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện; quy định kỹ thuật về hệ thống camera giám sát phục vụ công tác vận hành, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ.
Chương VIII. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN LỰC
Điều 124. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện lực trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện lực.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về điện lực theo quy định tại Luật này và phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về điện lực tại địa phương.
Điều 125. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
1. Ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về điện lực.
2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về điện lực.
3. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về điện lực, hướng dẫn thực thi pháp luật về điện lực.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động điện lực.
5. Tổ chức lập, trình thẩm định, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo Luật Quy hoạch.
6. Tổ chức đấu thầu lựa chọn đầu tư theo các quy định của Luật này.
7. Quản lý hoạt động xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng điện lực theo quy định pháp luật về xây dựng.
8. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ ngành liên quan khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch đầu tư để bảo đảm cấp điện các hộ dân; kiểm tra giám sát phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.
9. Tổ chức hướng dẫn, xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thông tin về điện lực, điện năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
10. Cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại, cấp gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
11. Phê duyệt các loại giá điện, khung giá điện.
12. Kiểm tra giá hợp đồng mua bán điện, giá bán buôn điện.
13. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ ngành liên quan và các hiệp hội có liên quan khác kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực theo quy định tại Luật này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị điện lực thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện. Bộ Công Thương công bố công khai kết quả kiểm tra.
14. Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng trình Chính phủ cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng và các hệ thống thiết yếu khác phục vụ công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện được xây dựng, phát triển theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng các yêu cầu trong vận hành, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện; cơ chế, chính sách ưu tiên nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện.
15. Xây dựng các quy định về vận hành, điều độ hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện và vận hành thị trường điện cạnh tranh.
16. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung cấp điện, kiểm tra và giám sát tình hình cung cấp điện và vận hành hệ thống điện để bảo đảm cân bằng cung cầu điện; Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện, tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện.
17. Quy định chi tiết về: huấn luyện, sát hạch cấp thẻ an toàn điện; đo, vẽ bản đồ phân bố cường độ điện trường; chế độ báo cáo về tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực; biển báo an toàn về điện; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện, an toàn điện.
18.  Quy định Danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; chu kỳ kiểm định định kỳ đối với các thiết bị, dụng cụ điện; quy trình kiểm định. Quản lý hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện theo quy định.
19. Quy định nội dung đánh giá an toàn kỹ thuật định kỳ đối với công trình phát điện.
20. Quy định về an toàn trong sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp; nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện đối với người quản lý, sử dụng hàng rào điện.
21. Thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Luật này.
22. Tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của chủ sở hữu công trình thủy điện theo quy định tại Luật này.
23. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy điện.
24. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về điện lực.
25. Quy định mức công suất của nhà máy thủy điện nhỏ.
Điều 126. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản4 khoản 24 Điều 125 của Luật này trong lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật này.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên các loại hình năng lượng trên toàn quốc theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và ban hành quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật này.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình ban hành quy định phạm vi, khu vực được phép sử dụng hàng rào điện theo quy định tại khoản 4 Điều 116 Luật này.
5.  Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật này.
Điều 127. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan đăng ký đầu tư
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản4 khoản 24 Điều 125 của Luật này theo thẩm quyền tại địa phương;
b)Sau khi quy hoch phát trin đin lc, quy hoch tnh được phê duyt, U ban nhân dân cp tnh rà soát, điu chnh, b sung và xây dng mi các quy hoch có tính cht k thut, chuyên ngành theo quy định ca pháp lut v quy hoch bo đảm đồng b. Trường hp khu vc không yêu cu lp quy hoch xây dng thì U ban nhân dân cp tnh có trách nhim xem xét chp thun phương án tuyến công trình, v trí dán đin lc do nhàđầu tưđề xut;
c) Chịu trách nhiệm về tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án do mình chấp thuận chủ trương đầu tư để đảm bảo tiến độ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh;
d) Có trách nhiệm quản lý, kiểm tra về điện lực tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật này;
đ) Thực hiện cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ;
e) Đảm bảo bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở độc lập cho đơn vị điều độ hệ thống điện nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài và an ninh cho công tác điều độ hệ thống điện quốc gia;
g) Thẩm định, phê duyệt hoặc phân cấp cho các cơ quan quản lý thuộc phạm vi quản lý thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với các công trình thủy điện theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 120 Luật này;
h) Tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của chủ sở hữu công trình thủy điện theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật này;
i) Trình Hội đồng nhân dân phê duyệt kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước; thực hiện triển khai đồng bộ kế hoạch, giải pháp cấp điện cho các hộ dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;
k) Tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng điện an toàn theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Luật này;
l) Thực hiện các nội dung quản lý nhà nước khác về điện lực theo quy định tại Luật này.
2. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật này.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng điện an toàn theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Luật này;
b) Thực hiện các nội dung quản lý nhà nước khác về điện lực theo quy định tại Luật này. 
4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về điện lực theo quy định tại Luật này.
Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 128. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều, phụ lục của các luật liên quan
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 như sau:
a) Bổ sung khoản 5, khoản 6 và khoản 7 vào sau khoản 4 Điều 31 như sau:
“5. Dự án có đề nghị nhà nước giao hoặc cho thuê khu vực biển, thuộc khu vực biển trong các trường hợp sau, trừ dự án, công trình thực hiện theo Luật Dầu khí:
a) Chưa xác định thuộc địa giới hành chính của một tỉnh cụ thể;
b) Thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ;
c) Thuộc địa giới hành chính của 02 tỉnh trở lên;
d) Chưa xác định được thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật này.
6. Dự án nhà máy điện ngoài vùng biển 06 hải lý của đất liền, đồng thời sử dụng khu vực biển và có công trình lưới điện đấu nối sử dụng đất;
7. Dự án cáp điện ngầm dưới biển xuyên biên giới trừ trường hợp các dự án đầu tư thuộc khoản 1 Điều 56 của Luật này.”;
b) Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 như sau:
“đ) Dự án có đề nghị nhà nước giao hoặc cho thuê khu vực biển đồng thời sử dụng đất.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 33 như sau:
“d) ...
Trường hợp pháp luật về xây dựng và điện lực quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 33 như sau:
“b) …
Trường hợp pháp luật về xây dựng và điện lực quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.”;
đ) Sửa đổi mục số 50 Phụ lục IV về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:
Hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.”.
2. Bổ sung điểm h vào sau điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 như sau:
h) Công trình trên biển thuộc dự án điện gió ngoài khơi đã được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để thực hiện dự án”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như sau:
1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển, tài nguyên thiên nhiên trên mặt biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Mục 2 Phụ lục 2 của Luật Giá số 16/2023/QH15 như sau: Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống và dịch vụ tồn trữ, tái hoá, vận chuyển và phân phối khí thiên nhiên hoá lỏng cho sản xuất điện.
Điều 129. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 20…..
2. Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 16/2023/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Điện lực số 28/2004/QH11) hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trừ các quy định cụ thể tại Điều 130 Luật này.
Điều 130. Quy định chuyển tiếp
1. Dự án đầu tư điện lực đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng chuyển tiếp đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư điện lực.
2. Đối với các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện. Trường hợp có quy định khác về cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh theo quy định của Luật này thì các bên phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cấp độ đó.
3. Đơn vị điện lực đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép hoạt động điện lực đó; trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
4. Trường hợp tổ chức đã nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực đầy đủ và hợp lệ đến cơ quan cấp giấy phép trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì áp dụng Luật số 28/2004/QH11 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật Giá số 16/2023/QH15 để cấp phép. Trường hợp tổ chức đề nghị thực hiện cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại và gia hạn giấy phép theo quy định của Luật này thì áp dụng Luật này để cấp giấy phép hoạt động điện lực.
5. Đối với công trình điện gió đưa vào khai thác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 106 Luật này thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
6. Trường hợp kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa giao các doanh nghiệp thực hiện dự án điện lực do nhà nước đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật này thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương.
7. Đối với dự án lưới điện 110 kV, 220 kV chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật này thực hiện thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
8. Đối với dự án lưới điện có cấp điện áp trung áp, hạ áp chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phê duyệt danh mục dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật này.
9. Trong khi cấp có thẩm quyền chưa phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế biển theo Luật Biển Việt Nam, được phép thực hiện dự án điện gió ngoài khơi trong quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt.
10. Các dự án đầu tư nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng đã lựa chọn được nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm luật này có hiệu lực được áp dụng các cơ chế theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật này. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành các cơ chế cho các dự án sử dụng điện khí theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật này, nhà đầu tư thực hiện dự án và Bên mua điện đàm phán hợp đồng mua bán điện. Hết thời hạn 12 tháng mà không ký được hợp đồng mua bán điện, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo pháp luật về đầu tư.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …. kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm …
 

 

Không tìm thấy ý kiến nào
Không có mục thảo luận

Dự thảo Tờ trình Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Cơ quan ban hành: Bộ Công thương

Ngày ban hành:

Số hiệu:

Mô tả:

Tài liệu đăng tải lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

1.-dt-to-trinh-du-an-luat-dl-sua-doi-.docx

Lời giải nào cho những thách thức hiện nay của ngành điện?

Tác giả :
Mô tả :
Nắng nóng kỷ lục kéo dài làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện, lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, nguồn than nhập khẩu có hạn... là những thách thức rất lớn mà ngành điện đang phải đối mặt.
5.Lời-giải-nào-cho-những-thách-thức-hiện-nay-của-ngành-điện.docx

Xây dựng chính sách pháp luật về thị trường điện cạnh tranh

Tác giả :
Mô tả :

Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh của thị trường không bảo vệ được sự cạnh tranh trong kinh doanh và lợi ích mà sự cạnh tranh đó đem lại cho người tiêu dùng, các chính sách cạnh tranh và chống độc quyền cần phải là một bộ phận của cơ sở hạ tầng pháp lý ở tất cả mọi nền kinh tế thị trường. Cạnh tranh là sức mạnh mà hầu hết các nền kinh tế thị trường tự do dựa vào để đảm bảo rằng các doanh nghiệp thoả mãn được các nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Khi có cạnh tranh, không một chính phủ nào cần phải quy định các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gì với số lượng, chất lượng và giá cả thế nào. Cạnh tranh trực tiếp quy định những vấn đề đó với các doanh nghiệp ở tất các lĩnh vực, ngành nghề.

Thiết kế mới thị trường điện và những tác động

Tác giả :
Mô tả :
3.Thiết-kế-mới-thị-trường-điện-và-những-tác-động.docx

Luật Điện lực mới: Cần tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi

Tác giả :
Mô tả :
Luật Điện lực sửa đổi cần ổn định, bền vững nhất định với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, đặc biệt là các thay đổi thiết kế thị trường điện, để có thể giúp thực hiện các mục tiêu, chính sách đã đề ra. Vì vậy, cần tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi.
2.Luật-Điện-lực-mới.docx

Thị trường điện: nút thắt cần tháo gỡ ngay

Tác giả :
Mô tả :

Chậm thực hiện các cơ chế thị trường điện phù hợp, xứng tầm chính là các điểm nghẽn cần khai thông nhanh chóng để phát triển ngành điện lực, kinh tế - xã hội.

Thị-trường-điện.docx

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8

Tác giả :
Mô tả :

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội này, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PGS.docx

Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện

Tác giả : Thái Doãn Hoàng Cầu
Mô tả :
Góp ý với Quốc hội, TS Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng cần sớm hoàn thiện, ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) và hỗ trợ, giám sát việc thực hiện nhanh các cơ chế thị trường điện hiện đại, xứng tầm để sớm khai thông các điểm nghẽn phát triển điện lực, kinh tế - xã hội.
Luật-Điện-lực-mới-và-vấn-đề-cấp-bách-triển-khai-thực-hiện-cải-cách-thị-trường-điện.docx