Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ tư, 22/01/2025

  • Lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Cơ quan trình dự thảo: Chính phủ
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công thương
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XV - Kỳ họp 7
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XV - Kỳ họp thứ 8
  • Trạng thái: Chưa thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hoạt động hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.

22/03/2024
01
Lần dự thảo 1
28/10/2024
02
Lần dự thảo 2
A22.02-du-thao-Luat-Hoa-chat--sd-.docx

(Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Hóa chất.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động hóa chất; phát triển công nghiệp hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; an toàn trong hoạt động hóa chất; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; quản lý nhà nước về hóa chất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
          Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các hoạt động liên quan đến hóa chất.
Điều 3. Áp dụng pháp luật
1. Các hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này trên Lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án hóa chất thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm thực hiện theo quy định của Luật này. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
3. Hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.
4. Hoạt động liên quan đến chất phóng xạ, chất thải phóng xạ thực hiện theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
5. Hoạt động ngoại thương về hóa chất đối với khu hải quan riêng thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
6. Việc nhập khẩu hóa chất cấm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện theo quy định của Luật này.
7. Trường hợp luật khác có liên quan đến hóa chất không quy định thì quy định của Luật này được áp dụng.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hóa chất là chất, hỗn hợp chất được conngười khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo.
2. Chất là đơn chất, hợp chất kể cả tạp chất sinh ra trong quá trình chế biến, những phụ gia cần thiết để bảo đảm đặc tính lý, hóa ổn định, không bao gồm các dung môi mà khi tách ra thì tính chất của chất đó không thay đổi.
3. Hỗn hợp chất là tập hợp của hai hoặc nhiều chất mà giữa chúng không xảy ra phản ứng hóa học trong điều kiện bình thường.
4. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất của Liên hợp quốc.
5. Chất độc là hóa chất mà thông qua tác động hóa học của nó lên các quá trình sống có thể gây tử vong, mất năng lực tạm thời hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho con người hoặc động vật.
6. Hoá chất mới là chất chưa có trong danh mục hóa chất quốc gia, các danh mục hóa chất quy định tại Luật này và danh mục hóa chất nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận.
7. Dự án hóa chất là dự án đầu tư xây dựng được hình thành và thực hiện với mục tiêu chính để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất.
8. Công trình hóa chất là một công trình xây dựng độc lập, một tổ hợp các công trình xây dựng hoặc một dây chuyền công nghệ để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất.
9. Tổ hợp hóa chất là một tập hợp nhiều công trình hóa chất hoặc công trình có hoạt động sử dụng hóa chất thuộc một dự án hoặc nhiều dự án khác nhau, có mối liên hệ về công nghệ, nguyên nhiên liệu, sản phẩm.
10. Khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho dự án hóa chất, công trình hóa chất; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án hóa chất, dự án đầu tư có công trình hóa chất hoặc công trình có sử dụng hóa chất.
11. Cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất là cụm công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho dự án hóa chất, công trình hóa chất; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án hóa chất, dự án đầu tư có công trình hóa chất hoặc công trình có sử dụng hóa chất.
12. Nguyên tắc hóa học xanh làbộ nguyên tắc theo quy định của Bộ Công Thương được áp dụng trong thiết kế, quy trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các hóa chất nguy hiểm.
13. Hóa chất cơ bản là các hóa chất được dùng với vai trò là nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia, dung môi trong quá trình sản xuất hóa chất khác hoặc trong quá trình sản xuất của các ngành kinh tế. 
14. Sản phẩm hóa dầu là sản phẩm hóa chất của quá trình lọc dầu, chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên, khí dầu mỏ, than đá; hoặc sản phẩm được tạo ra thông qua các phản ứng hóa học từ các nguồn nguyên liệu là sản phẩm của quá trình lọc dầu, chế biến dầu mỏ, chế biến khí tự nhiên, khí dầu mỏ, than đá; không bao gồm sản phẩm làm nhiên liệu, năng lượng.
15. Hóa dược là nguyên liệu làm thuốc và các chế phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm dược chất (còn gọi là hoạt chất), dược liệu, tá dược, vỏ nang được tạo ra từ quá trình hóa học, quá trình chiết xuất hợp chất thiên nhiên hoặc quá trình công nghệ sinh học.
16. Cao su kỹ thuật là tên gọi chung cho các sản phẩm được sản xuất từ cao su hoặc vật liệu có tính đàn hồi, có yêu cầu kỹ thuật theo khuôn mẫu và dựa theo các yêu cầu riêng biệt về tính năng, không bao gồm sản phẩm săm, lốp.
17. Hoạt động hóa chất bao gồm hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, sản xuất hóa chất, kinh doanh hóa chất, vận chuyển hóa chất, tồn trữ hóa chất, sử dụng hóa chất, xử lý chất thải hóa chất.
18. Sản xuất hóa chất bao gồm việc tạo ra hóa chất thông qua phản ứng hóa học hoặc các quá trình công nghệ sinh học, pha chế, trích ly, chưng cất, chiết xuất, tinh chế hóa chất; gia công hóa chất, san chiết, đóng gói hóa chất không bao gồm hoạt động phát thải hóa chất không chủ đích.
19. Pha chế hóa chất là việc tạo ra hỗn hợp chất thông qua việc phối trộn các chất hoặc hỗn hợp chất mà không xảy ra phản ứng hóa học.
20. Gia công hóa chất là hoạt động sản xuất hóa chất mà bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất hóa chất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
21. San chiết, đóng gói hóa chất là việc sử dụng thiết bị, dụng cụ để san, chiết hóa chất từ dạng rời vào phương tiện chứa hoặc từ phương tiện chứa này sang phương tiện chứa khác mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, tính chất của hóa chất.
22. Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, trao đổi, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.
23. Sử dụng hóa chất là việc dùng hóa chất cho các mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, an ninh, quốc phòng, y tế, khoa học công nghệ hoặc các mục đích hợp pháp khác.
24. Chất thải hóa chất là chất thải được tạo ra từ các hoạt động hóa chất có chứa yếu tố độc hại, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại dễ gây ô nhiễm môi trường và các đặc tính nguy hại khác.
25. Cơ sở hóa chất là nơi diễn ra một hay nhiều các hoạt động sản xuất hóa chất, kinh doanh hóa chất, tồn trữ hóa chất, sử dụng hóa chất, xử lý hóa chất.
26. Dịch vụ tồn trữ hóa chất là việc tổ chức, cá nhân cho ít nhất 02 tổ chức, cá nhân khác thuê một phần diện tích tồn trữ hóa chất tại một cơ sở hóa chất hoặc thực hiện tồn trữ hóa chất của ít nhất 02 tổ chức, cá nhân khác tại một cơ sở hóa chất.
27. Cơ sở dữ liệu hóa chất là tập hợp dữ liệu về công nghiệp hóa chất, hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất trên phạm vi toàn quốc, địa chỉ tại https://chemicaldata.gov.vn.
28. An ninh hóa chất là việc áp dụng các quy định, biện pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng hóa chất, thiết bị hóa học vào mục đích phi hòa bình để duy trì trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, tổ chức hoặc của toàn xã hội.
29. Sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm là sản phẩm trong điều kiện sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, sinh vật, tài sản và môi trường do thành phần hóa học trong sản phẩm.
30. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa là hóa chất nguy hiểm tồn tại trong sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây hại cho con người, sinh vật, tài sản và môi trường, được xác định theo quy định của Luật này.
31. Sự cố hóa chất là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho người, tài sản và môi trường.
32. Khoảng cách an toàn là khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo từ một công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất, tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động xấu tới sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường trong điều kiện hoạt động bình thường.
 Điều 5. Nguyên tắc hoạt động hóa chất
1. Bảo đảm an toàn cho người, tài sản và môi trường, an ninh hóa chất, trật tự, an toàn xã hội.
2. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất, đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm.
3. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính nguy hiểm của hóa chất và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Điều 6. Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực hóa chất
1. Phát triển công nghiệp hoá chất một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tại mỗi địa phương để phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
2. Có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm.
3. Bố trí ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất.
4. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ; phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư và tư vấn kỹ thuật từ nguồn ngân sách và xã hội hoá. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao.
5. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất; ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn.
6. Khuyến khích đầu tư, hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, cụm công nghiệp chuyên ngành hoá chất, trung tâm logistics về hoá chất có hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo an toàn, hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghiệp hoá chất bền vững.
Điều 7. Các hành vi bị cấm
1. Thực hiện hoạt động hóa chất trái quy định của Luật này.
2. Vận chuyển, tồn trữ không vì mục đích thương mại, cho, tặng, hóa chất cấm, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.
3. Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.
4. Sử dụng hóa chất thuộc danh mục không được phép sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
5. Sử dụng hóa chất nguy hiểm, chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường.
6. Đưa dự án vào hoạt động khi chưa được phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc chưa thực hiện báo cáo Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật này.
7. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng hóa chất nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh hóa chất, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 8. Thực hiện điều ước quốc tế về quản lý hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Chương II. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT
Điều 9. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất
1. Yêu cầu đối với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất
a) Phù hợp với nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về hoạt động hóa chất, quy định của Luật này và luật khác có liên quan;
b) Xây dựng trên cơ sở chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia, chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp;
c) Định hướng hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch không gian của các địa phương, vùng lãnh thổ và đáp ứng yêu cầu an toàn hóa chất;
d) Xác định cụ thể quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên phạm vi toàn quốc trong từng thời kỳ và giải pháp phát triển, tổ chức sử dụng các nguồn lực của đất nước từ trung ương đến địa phương để bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
2. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất được lập cho từng giai đoạn 10 năm, tầm nhìn cho tối thiểu 10 năm tiếp theo.
Điều 10. Trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất
1. Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
3. Cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Nhà nước bố trí kinh phí cho công tác xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 11. Dự án hóa chất
1. Hoạt động đầu tư dự án hóa chất, xây dựng công trình hóa chất thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật này và các luật khác có liên quan.
2. Chủ đầu tư dự án hóa chất có nghĩa vụ
a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định khác của pháp luật về an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân;
b) Lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất nguy hiểm và giảm thiểu chất thải hóa chất;
c) Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Điều 64, Điều 66 của Luật này;      
d) Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của pháp luật.
3. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đánh giá sự phù hợp địa điểm của dự án hóa chất với quy định về khoảng cách an toàn tại Điều 62 của Luật này. 
4. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án hóa chất phải có các nội dung sau đây:
a) Sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn hóa chất;
b) Các nguyên tắc hóa học xanh đã được áp dụng trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị.
Điều 12. Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm
1. Lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm:
a) Sản xuất hóa chất cơ bản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Sản xuất sản phẩm hóa dầu, hóa dược là nguyên liệu làm thuốc, cao su kỹ thuật, phân bón hàm lượng cao;         
c) Sản xuất hóa chất hydro, amoniac và các dẫn xuất từ nguồn năng lượng tái tạo;         
d) Đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất;
đ) Đầu tư tổ hợp hóa chất với mục tiêu chính là sản xuất hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất;
e) Đầu tư dự án hóa chất thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư.
2. Chính phủ quy định danh mục hóa chất cơ bản thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm theo các tiêu chí sau đây:
a) Hóa chất cơ bản được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực nhưng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu;
b) Sản phẩm hóa chất cơ bản được sản xuất từ chế biến sâu tài nguyên khoáng sản.
3. Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư, tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan. Cơ quan quản lý chuyên ngành hóa chất có trách nhiệm có ý kiến thẩm định về nội dung quy định tại khoản này, gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.
Điều 13. Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất
Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện gồm:
1. Tư vấn xây dựng đối với dự án hóa chất gồm: Lập thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, giám sát thi công lắp đặt thiết bị vào công trình, quản lý dự án, định giá xây dựng.
2. Tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị, thi công lắp đặt thiết bị đối với dự án hóa chất.
3. Tư vấn an toàn, an ninh hóa chất gồm: Lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, diễn tập ứng phó sự cố hóa chất, phân loại và ghi nhãn hóa chất, lập phiếu an toàn hóa chất, đăng ký hóa chất mới.
Điều 14. Điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất
1. Tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này phải đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và phải có ít nhất 01 cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về hóa chất, có kinh nghiệm công tác tương đương với điều kiện xét cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cùng hạng trong lĩnh vực hoạt động. Việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.
2. Tổ chức hoạt động tư vấn quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 13 phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Có đội ngũ tư vấn viên đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này với số lượng phù hợp;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu của hoạt động tư vấn.
3. Cá nhân hoạt động tư vấn hóa chất quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 13 được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất khi đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về hóa học;
b) Có kinh nghiệm công tác tương đương với điều kiện xét cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cùng hạng trong lĩnh vực hoạt động đối với tư vấn chuyên ngành hóa chất về lựa chọn công nghệ, thiết bị, thi công lắp đặt thiết bị đối với dự án hóa chất;
c) Có kinh nghiệm công tác phù hợp trong lĩnh vực an toàn, an ninh hóa chất đối với tư vấn chuyên ngành hóa chất về an toàn, an ninh hóa chất.
4. Chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất.
Chương III. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT
Điều 15. Sản xuất hóa chất 
Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải tuân thủ yêu cầu về đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất hóa chất quy định tại khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 và Điều 62 của Luật này.
Điều 16. Kinh doanh hóa chất
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất phải tuân thủ yêu cầu về đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh hóa chất quy định tại khoản 2 Điều 59, khoản 2 Điều 60 và Điều 62 của Luật này.
Điều 17. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất
1. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định tại Điều 18 của Luật này, trừ các trường hợp được miễn trừ khai báo theo quy định của Chính phủ.
Điều 18. Khai báo hóa chất nhập khẩu
1. Khai báo hóa chất nhập khẩu được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo mẫu do Bộ Công Thương quy định.
2. Thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu
a) Thông tin về tổ chức, cá nhân khai báo, thông tin về hóa chất nhập khẩu;
b) Hóa đơn mua, bán hóa chất. Trường hợp đối với mặt hàng không vì mục đích thương mại, không có hóa đơn mua, bán hóa chất, tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất có thể sử dụng giấy báo hàng về cảng thay cho hóa đơn mua, bán hóa chất;
c) Phiếu an toàn hóa chất bằng tiếng Việt đối với hóa chất nguy hiểm.
3. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử khai báo hóa chất nhập khẩu
a) Tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều này; thông tin được tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương; hệ thống của Bộ Công Thương tự động phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới tổ chức, cá nhân khai báo và Cơ quan hải quan. Thông tin phản hồi là chứng từ điện tử, có giá trị pháp lý xác nhận hoàn thành khai báo hóa chất;
b) Thông tin phản hồi khai báo hóa chất nhập khẩu có giá trị pháp lý để làm thủ tục thông quan. Sau khi hóa chất được thông quan, Cơ quan hải quan có trách nhiệm gửi phản hồi trạng thái thông quan gồm thông tin tờ khai, hóa chất, khối lượng hóa chất thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia về hệ thống của Bộ Công Thương.
4. Trường hợp phát sinh sự cố hệ thống dịch vụ công trực tuyến mà tổ chức, cá nhân không thể thực hiện khai báo theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu qua hệ thống dự phòng do Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo quy định.
5. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ bảo đảm về tính chính xác của các thông tin khai báo, văn bản, chứng từ, dữ liệu điện tử trong hồ sơ khai báo hóa chất; lưu trữ hồ sơ khai báo hóa chất trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm khai báo.
6. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống quản lý tiếp nhận thông tin khai báo; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khai báo hóa chất.
Điều 19. Vận chuyển hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 59 và khoản 4 Điều 60 của Luật này.
3. Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển, người điều khiển phương tiện, chủ hàng, chủ phương tiện có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố, đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân và cơ quan phòng thủ dân sự nơi gần nhất.
Điều 20. Tồn trữ hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ yêu cầu về bảo đảm an toàn trong hoạt động tồn trữ hóa chất quy định tại khoản 3 Điều 59, khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 60 và Điều 62 của Luật này;
b) Có các thông tin cảnh báo cần thiết tại nơi tồn trữ hóa chất nguy hiểm,  nội quy về an toàn hóa chất, có hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó;
c) Có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất có điều kiện phải được cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất.
Điều 21. Sử dụng hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường và tuân thủ yêu cầu về bảo đảm an toàn trong hoạt động sử dụng hóa chất quy định tại khoản 5 Điều 59, khoản 5 Điều 60 của Luật này.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
Điều 22. Xử lý chất thải hóa chất
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng hóa chất phải xử lý chất thải hóa chất, bao gồm cả bao bì, thiết bị, dụng cụ chứa hóa chất thải bỏ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Mục 2. HÓA CHẤT CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 23. Phạm vi, yêu cầu đối với hóa chất có điều kiện
1. Hóa chất có điều kiện bao gồm chất và hỗn hợp chất nguy hiểm thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành.
2. Hoạt động hóa chất đối với hóa chất có điều kiện phải tuân thủ các quy định về an toàn để giảm thiểu nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường.
Điều 24. Sản xuất hóa chất có điều kiện
1. Hoạt động sản xuất hóa chất có điều kiện do tổ chức, cá nhân thực hiện theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp pha chế hóa chất tạo thành hóa chất có điều kiện và hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất có điều kiện để đưa vào quá trình sử dụng của chính tổ chức, cá nhân đó.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất hóa chất có điều kiện phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 15, khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Có tài liệu pháp lý, tài liệu an toàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện sản xuất hóa chất và thực hiện tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất là nguyên liệu, thành phẩm.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện.
4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất Hóa chất có điều kiện có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. 
5. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận, nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện.
Điều 25. Kinh doanh hóa chất có điều kiện
1. Hoạt động kinh doanh hóa chất có điều kiện do tổ chức, cá nhân thực hiện theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện do cơ quan có thẩm quyền cấp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hóa chất có điều kiện phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 16, khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Có tài liệu pháp lý, tài liệu an toàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện tồn trữ, vận chuyển hóa chất.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện.
4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. 
5. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận, nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện.
Điều 26. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất có điều kiện
1. Các trường hợp được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất có điều kiện:
a) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện được xuất khẩu, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hóa chất ghi trong Giấy chứng nhận;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất thuộc danh mục ghi trong Giấy chứng nhận;
c) Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất được nhập khẩu hóa chất có điều kiện để sử dụng; xuất khẩu hoặc bán lại hóa chất sử dụng không hết cho tổ chức, cá nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện.
2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất có điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có điều kiện phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định tại Điều 18 của Luật này.
Điều 27. Vận chuyển hóa chất có điều kiện
Hoạt động vận chuyển hóa chất có điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật này.
Điều 28. Tồn trữ hóa chất có điều kiện
1. Hoạt động tồn trữ hóa chất có điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân phải có kho chứa để thực hiện tồn trữ hóa chất có điều kiện hoặc sử dụng dịch vụ tồn trữ hóa chất của tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
Điều 29. Sử dụng hóa chất có điều kiện
Hoạt động sử dụng hóa chất có điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật này.
MỤC 3. HÓA CHẤT CẦN KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT
Điều 30. Phạm vi, yêu cầu đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt bao gồm chất và hỗn hợp chất nguy hiểm thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành, bao gồm:
a) Hóa chất thuộc đối tượng kiểm soát để thực thi điều ước quốc tế về hóa chất mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hóa chất có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường.
2. Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được kiểm soát về kỹ thuật an toàn; bảo vệ môi trường; phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh và mục đích sử dụng.
3. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải lập sổ theo dõi, quản lý nghiêm ngặt số lượng; phòng, chống thất thoát, sự cố.
Điều 31. Sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hoạt động sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt do tổ chức thực hiện theo Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp pha chế hóa chất tạo thành hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất cần kiểm soát đặc biệt để đưa vào quá trình sử dụng của chính tổ chức đó.
2. Tổ chức hoạt động sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 15, khoản 2, 3 Điều 30 của Luật này;
c) Có cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện sản xuất hóa chất và thực hiện tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất là nguyên liệu, thành phẩm.
3. Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. 
4. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép, nội dung Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
Điều 32. Kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hoạt động kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt do tổ chức thực hiện theo Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức hoạt động kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 16, khoản 2, 3 Điều 30 của Luật này;
c) Có cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện tồn trữ, vận chuyển hóa chất.
3. Tổ chức mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải lập Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
4. Giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. 
5. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép, nội dung Giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
Điều 33. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Việc mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải có Phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán.
2. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên tổ chức, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, đại diện bên mua và bên bán; Giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt của bên bán; địa điểm và thời điểm giao hàng.
3. Việc lập và xác nhận Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được thực hiện qua Cơ sở dữ liệu hóa chất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm giao hàng.
Điều 34. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt thực hiện theo Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt là điều kiện để thông quan khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
2. Các trường hợp được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt:
a) Tổ chức được cấp Giấy phép sản xuất hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được xuất khẩu, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hóa chất thuộc danh mục được cấp phép;
b) Tổ chức được cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất thuộc danh mục được cấp phép;
c) Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất được nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt để sử dụng; xuất khẩu hoặc bán lại hóa chất sử dụng không hết cho tổ chức có Giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
3. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được cấp cho từng hợp đồng hoặc hóa đơn xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh và có thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được gia hạn trong trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép nhưng việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong. Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và không quá 06 tháng kể từ ngày cấp phép gia hạn.
5. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
6. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định tại Điều 18 của Luật này.
Điều 35. Vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
Hoạt động vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 19 và khoản 2, khoản 3 Điều 30 của Luật này.
Điều 36. Tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hoạt động tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 20 và khoản 2, 3 Điều 30 của Luật này.
2. Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải được quản lý, tồn trữ bảo đảm an toàn, phòng, chống thất thoát, hư hỏng.
3. Tổ chức, cá nhân phải có kho chứa để thực hiện tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt hoặc sử dụng dịch vụ tồn trữ hóa chất của tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
Điều 37. Sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
1. Hoạt động sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 21 và khoản 2, 3 Điều 30 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có nghĩa vụ công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trên Cơ sở dữ liệu hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng.
Mục 4. HÓA CHẤT CẤM
Điều 38. Phạm vi, yêu cầu đối với hóa chất cấm
1. Hóa chất cấm được quy định tại Danh mục hóa chất, khoáng vật cấm ban hành theo quy định của Luật Đầu tư.
2. Tổ chức, cá nhân không được thực hiện các hoạt động hóa chất đối với hóa chất cấm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật được phép sản xuất hoặc nhập khẩu hóa chất cấm để sử dụng phục vụ mục đích sau đây:
a) Trường hợp sử dụng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm;
b) Trường hợp sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm;
c) Trường hợp sử dụng phục vụ mục đích an ninh, Bộ trưởng Bộ Công an cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm;
d) Trường hợp sử dụng phục vụ mục đích phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm;
đ) Trường hợp sử dụng phục vụ mục đích phòng chống thiên tai, dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm;
e) Trường hợp thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cần sử dụng hóa chất cấm mà không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp Giấy phép sản xuất, Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm.
4. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ hóa chất cấm phải lập sổ theo dõi theo quy định của Bộ quản lý ngành, quản lý nghiêm ngặt số lượng, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, sự cố.
5. Tổ chức, cá nhân không được tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cấm.
Điều 39. Sản xuất hóa chất cấm
1. Hoạt động sản xuất hóa chất cấm phải do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thực hiện khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức hoạt động sản xuất hóa chất cấm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ được sản xuất hóa chất cấm đúng chủng loại, quy mô được cấp phép để sử dụng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất cấm quy định tại Điều 44 của Luật này;
c) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 15, khoản 4 Điều 38 của Luật này;
d) Có tài liệu pháp lý, tài liệu an toàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện sản xuất hóa chất và thực hiện tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất là nguyên liệu, thành phẩm.
3. Giấy phép sản xuất hóa chất cấm có thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp.
4. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép, nội dung Giấy phép sản xuất hóa chất cấm.
Điều 40. Nhập khẩu hóa chất cấm
1. Hoạt động nhập khẩu hóa chất cấm phải do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức hoạt động nhập khẩu hóa chất cấm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ được nhập khẩu hóa chất cấm đúng chủng loại, quy mô được cấp phép để sử dụng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất cấm quy định tại Điều 44 của Luật này;
c) Tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 15, khoản 4 Điều 38 của Luật này;
d) Có cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu để thực hiện tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất.
3. Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm được cấp cho từng lô nhập khẩu và có thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp.
4. Chính phủ quy định điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép, nội dung Giấy phép nhập khẩu hóa chất cấm.
Điều 41. Xuất khẩu hóa chất cấm
1. Tổ chức đã sản xuất, nhập khẩu hóa chất cấm mà không sử dụng hết thì có nghĩa vụ xuất khẩu hóa chất cấm sử dụng không hết. Trường hợp không thể xuất khẩu được, tổ chức đã sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ thông báo tới cơ quan cấp phép sản xuất, nhập khẩu và thực hiện tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
2.Hoạt động xuất khẩu hóa chất cấm thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 42. Vận chuyển hóa chất cấm
1. Hoạt động vận chuyển hóa chất cấm thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Người thực hiện vận chuyển hóa chất cấm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;
b) Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến hóa chất;
c) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển hóa chất ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần dừng, đỗ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ.
Điều 43. Tồn trữ hóa chất cấm
1. Hoạt động tồn trữ hóa chất cấm thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
2. Hóa chất cấm phải được quản lý, tồn trữ bảo đảm an toàn, phòng, chống thất thoát, hư hỏng.
3. Hóa chất cấm phải được tồn trữ tại kho riêng hoặc khu vực riêng biệt của kho chứa hóa chất.
4. Tổ chức tồn trữ hóa chất cấm phải lập sổ theo dõi theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.
Điều 44. Sử dụng hóa chất cấm
1. Tổ chức sử dụng hóa chất cấm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có hoạt động đặc biệt sử dụng hóa chất cấm để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cần sử dụng hóa chất cấm.
2. Việc sử dụng hóa chất cấm phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường và tuân thủ quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất quy định tại Điều 21 của Luật này.
3. Tổ chức sử dụng hóa chất cấm phải lập sổ theo dõi theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.
Chương IV. THÔNG TIN HÓA CHẤT
Điều 45. Đăng ký hóa chất mới
1. Hoá chất mới chỉ được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường sau khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hồ sơ đăng ký hóa chất mới, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:
a) Đơn đăng ký hóa chất mới;
b) Tên gọi hóa chất mới theo hướng dẫn của Hiệp hội hóa học cơ bản và ứng dụng quốc tế (IUPAC), công thức hóa học của hóa chất;
c) Thông tin về tính chất vật lý, hoá học và đặc tính nguy hiểm của hóa chất được tổ chức đánh giá hóa chất mới cung cấp theo quy định tại Điều 46 của Luật này.
3. Hồ sơ đăng ký hóa chất mới sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh bao gồm:
a) Các tài liệu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này;
b) Thông tin về mục đích sử dụng, thời gian sử dụng hóa chất.
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận đăng ký hóa chất mới.
Điều 46. Tổ chức đánh giá hóa chất mới
1. Tổ chức đánh giá hóa chất mới bao gồm:
a) Tổ chức có đủ điều kiện để đánh giá hóa chất mới, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định;
b) Tổ chức thử nghiệm hợp chuẩn của nước ngoài được quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thừa nhận về đánh giá hóa chất.
2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Điều 47. Sử dụng kết quả đánh giá hóa chất mới
1. Trên cơ sở kết quả đánh giá hóa chất mới, tổ chức, cá nhân được thực hiện các hoạt động hóa chất đối với hóa chất mới theo quy định của Luật này.
2. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày hóa chất mới được đăng ký, hằng năm, tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất liên quan đến hóa chất mới phải báo cáo bộ quản lý ngành, lĩnh vực để đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật này. Trên cơ sở kết quả đánh giá này, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất theo quy định của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 48. Phân loại, ghi nhãn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại, ghi nhãn hóa chất trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại hóa chất và thông tin thể hiện trên nhãn hóa chất.
2. Việc phân loại hóa chất thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).
3. Việc ghi nhãn đối với các hóa chất thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
4. Việc ghi nhãn đối với hóa chất nguy hiểm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).
5. Khi phát hiện đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất chưa được thể hiện trong thông tin phân loại hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất đó để thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn hóa chất.
Điều 49. Bao gói hóa chất
Bao gói hóa chất lưu thông trên thị trường phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Đáp ứng yêu cầu về phân loại, ghi nhãn hóa chất quy định tại Điều 48 của Luật này.
2. Bao bì, thiết bị, dụng cụ chứa hóa chất không bị rò rỉ, phát tán hóa chất ra ngoài trong vận chuyển, tồn trữ, không bị hóa chất chứa bên trong ăn mòn, phá hủy.
3. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về bao gói theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Điều 50. Phiếu an toàn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải lập Phiếu an toàn hóa chất; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin thể hiện trong Phiếu an toàn hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân bán hóa chất có nghĩa vụ cung cấp Phiếu an toàn hóa chất cho tổ chức, cá nhân mua hóa chất. Tổ chức, cá nhân mua hóa chất có nghĩa vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân bán hóa chất cung cấp Phiếu an toàn hóa chất và lưu giữ tại địa điểm tồn trữ hóa chất.
3. Phiếu an toàn hóa chất được lập theo quy định của Bộ Công Thương, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Nhận dạng hóa chất và thông tin về nhà cung cấp; 
b) Nhận dạng đặc tính nguy hiểm của hóa chất;
c) Thông tin về thành phần các chất;
d) Biện pháp sơ cứu về y tế;
đ) Biện pháp xử lý khi có hỏa hoạn;
e) Biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố;
g) Yêu cầu về sử dụng, bảo quản;
h) Kiểm soát phơi nhiễm/yêu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân;
i)   Đặc tính lý, hóa của hóa chất;
k) Mức ổn định và phản ứng của hóa chất;
l) Thông tin về độc tính;
m) Thông tin về sinh thái;
n) Thông tin về thải bỏ;
o) Thông tin khi vận chuyển;
p) Thông tin về pháp luật;
q) Các thông tin cần thiết khác, bao gồm các thông tin khi xây dựng và hiệu đính Phiếu an toàn hóa chất.
4. Khi có sự thay đổi về các nội dung của Phiếu an toàn hóa chất đã xây dựng, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ kịp thời xây dựng lại Phiếu an toàn hóa chất và cung cấp Phiếu an toàn hóa chất đã xây dựng lại cho tổ chức, cá nhân mua hóa chất.
Điều 51. Bảo mật thông tin
1. Tổ chức, cá nhân khai báo, đăng ký, báo cáo theo quy định của Luật này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận có trách nhiệm bảo mật thông tin có liên quan đến bí quyết công nghệ, bí mật thương mại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Những thông tin không được bảo mật bao gồm:
a) Tên thương mại của hóa chất;
b) Tên của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất; tổ chức, cá nhân báo cáo hoạt động hóa chất theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này;
c) Phiếu an toàn hóa chất quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật này;
d) Các thông tin phục vụ phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất; ngăn chặn và hạn chế các ảnh hưởng xấu do độc tính của hóa chất; các thông tin cảnh báo khi sử dụng, tiếp xúc với hóa chất và cách xử lý sơ bộ trong trường hợp xảy ra sự cố;
đ) Phương pháp phân tích để xác định khả năng phơi nhiễm đối với con người và môi trường; tóm tắt kết quả thử nghiệm độc tính của hóa chất;
e) Độ tinh khiết của hỗn hợp chất và mức độ nguy hại của các phụ gia, tạp chất.
3. Khi nhận được yêu cầu của tổ chức, cá nhân khai báo, đăng ký, báo cáo, cơ quan, tổ chức tiếp nhận có trách nhiệm đánh giá yêu cầu bảo mật phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này. Tổ chức, cá nhân yêu cầu bảo mật có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến yêu cầu bảo mật.
4. Trường hợp không được cung cấp thông tin cần khai báo, đăng ký, báo cáo, tổ chức, cá nhân thực hiện mã hóa hóa chất để tổ chức, cá nhân cung cấp hóa chất thực hiện khai báo, đăng ký, báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Cơ quan, người tiếp nhận khai báo, đăng ký, báo cáo hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin bảo mật khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 52. Lưu trữ thông tin hóa chất nguy hiểm
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải thiết lập, thường xuyên cập nhật và lưu trữ thông tin về hóa chất nguy hiểm trong hoạt động hóa chất của mình và lưu giữ hồ sơ trong thời hạn ít nhất 03 năm kể từ ngày kết thúc hoạt động đối với hóa chất đó.
2. Nội dung thông tin cần lưu trữ bao gồm tên khoa học, tên thương mại của hóa chất; khối lượng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng, thải bỏ; mục đích sử dụng, phân nhóm nguy hiểm theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS); thông tin liên quan đến sự cố hóa chất, an toàn hóa chất tại cơ sở.
3. Trong trường hợp cơ sở hoạt động hóa chất có nhiều chi nhánh thì dữ liệu thông tin hóa chất nguy hiểm phải bao gồm tất cả các thông tin có liên quan của cơ sở, các chi nhánh.
Điều 53. Nghĩa vụ cung cấp thông tin
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau đây:
a) Sự cố hóa chất xảy ra trong cơ sở hoạt động hóa chất;
b) Phục vụ yêu cầu phòng ngừa thảm họa tự nhiên có khả năng gây ra sự cố hóa chất của cơ sở hoạt động hóa chất;
c) Phục vụ điều tra, khảo sát để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất;
d) Phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin thành phần, hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất cho cơ quan quản lý và người sử dụng.
3. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm cung cấp thông tin về hóa chất nguy hiểm thuộc phạm vi quản lý của mình theo yêu cầu để phục vụ cứu chữa, điều trị cho con người và sinh vật chịu ảnh hưởng của sự cố hóa chất.
Điều 54. Cơ sở dữ liệu hóa chất
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm vận hành, nâng cấp, cập nhật Cơ sở dữ liệu hóa chất và xây dựng cơ chế chia sẻ, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu hóa chất.
2. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này có trách nhiệm đồng bộ, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hóa chất lên Cơ sở dữ liệu hóa chất.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng, cập nhật các loại báo cáo sau đây vào Cơ sở dữ liệu hóa chất theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định:
a) Báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Báo cáo tình hình thực hiện dự án theo tiến độ từng giai đoạn đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án hóa chất trước khi hoàn thành công trình và đưa công trình vào sử dụng;
c) Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh định kỳ hằng năm của chủ đầu tư dự án hóa chất sau khi hoàn thành công trình và đưa công trình vào sử dụng;
d) Báo cáo định kỳ tình hình hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, sử dụng hóa chất;
đ) Báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đối với sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm của tổ chức, sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.
4. Thông tin trên Cơ sở dữ liệu hóa chất được phân cấp, phân quyền cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khai thác, sử dụng cho công tác quản lý nhà nước, điều tra, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
5. Cơ sở dữ liệu hóa chất phải được xây dựng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, bao gồm các thông tin về danh mục hóa chất quốc gia, được công bố công khai, cập nhật thường xuyên và phải được đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Điều 55. Quảng cáo hóa chất
1. Quảng cáo hóa chất phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và các luật khác có liên quan.
2. Việc quảng cáo hóa chất nguy hiểm phải kèm theo thông tin cảnh báo về đặc tính nguy hiểm của hóa chất và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của hóa chất.
Chương V. HÓA CHẤT NGUY HIỂM TRONG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Điều 56. Quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa
1. Các hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật thực hiện theo các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật này và các luật khác có liên quan.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ xây dựng Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này có nghĩa vụ thực hiện công bố thông tin về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Điều 58 của Luật này và các luật khác có liên quan.
5. Phòng thử nghiệm đánh giá hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa phải đủ tiêu chuẩn theo quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
6. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 57. Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật này có trách nhiệm xây dựng Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất trước khi bắt đầu sản xuất.
2. Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất gồm các nội dung sau đây:
a) Tên hóa chất nguy hiểm;  
b) Đặc điểm, tính chất, thông tin phân loại, ghi nhãn và Phiếu an toàn hóa chất đối với hóa chất nguy hiểm;
c) Các thao tác an toàn khi sử dụng hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất sản phẩm bao gồm: các lưu ý trong quá trình lưu kho, vận chuyển, các lưu ý trong từng công đoạn của quá trình sản xuất; lưu ý trong việc xử lý môi trường của hóa chất nguy hiểm; lưu ý về tồn dư hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật này có nghĩa vụ thực hiện các quy định về sử dụng, tồn trữ, vận chuyển, thải bỏ, xử lý hóa chất quy định tại Luật này.
4. Tổ chức, cá nhân lưu trữ Quy trình kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất và cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 58. Công bố thông tin về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có hóa chất nguy hiểm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 56 của Luật này có nghĩa vụ công bố thông tin về hàm lượng các loại hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lưu thông trên thị trường trên Cơ sở dữ liệu hóa chất; công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc tại nơi trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho bên mua.
2. Thông tin công bố về hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa bao gồm: Tên sản phẩm, hàng hóa; tên nhà sản xuất hoặc nhập khẩu; chỉ tiêu hàm lượng và phương pháp thử các loại hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; cảnh báo nguy hiểm tới người sử dụng; hướng dẫn sử dụng an toàn.
3. Tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa chứa hóa chất nguy hiểm chỉ được bán các sản phẩm, hàng hóa đã được công bố thông tin về hàm lượng các loại hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan tới bên mua và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chương VI. AN TOÀN HÓA CHẤT
Mục 1. YÊU CẦU BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT
Điều 59. Yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong hoạt động hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất hóa chất phải bảo đảm các điều kiện về an toàn, an ninh hóa chất. Nhà xưởng, kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô hoạt động, đặc tính của hóa chất, nguyên liệu;
b) Có trang thiết bị an toàn, phòng cháy, chữa cháy; trang bị, phương tiện bảo hộ cá nhân; trang thiết bị bảo vệ môi trường; phương tiện vận chuyển; bảng nội quy về an toàn hóa chất; phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp;
c) Có Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Điều 64, Điều 66 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Địa điểm tồn trữ, nơi tiếp nhận bốc dỡ hóa chất phải bảo đảm điều kiện về an toàn và an ninh hóa chất;
b) Các yêu cầu tại điểm b, điểm c khoản 1 của Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Địa điểm tồn trữ hóa chất phải bảo đảm các điều kiện về an toàn và an ninh hóa chất theo quy định tại Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Kho chứa, nơi tiếp nhận bốc dỡ hóa chất, các công trình phụ trợ, công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ việc tồn trữ được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô, đặc tính của hóa chất tồn trữ;
b) Các yêu cầu tại điểm b, điểm c khoản 1 của Điều này.
4. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Phương tiện vận chuyển hóa chất phải được đăng kiểm, kiểm định, kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật;
b) Phương tiện vận chuyển hóa chất phải phù hợp với đặc tính của hóa chất vận chuyển, phải có hình đồ cảnh báo trên bồn chứa theo quy định tương ứng đối với hóa chất được vận chuyển;
c) Phương tiện vận chuyển hóa chất phải được trang bị các thiết bị, vật tư hỗ trợ đảm bảo an toàn và ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với đặc tính nguy hiểm của hóa chất trong quá trình vận chuyển;
d) Có Biện pháp ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển;
đ) Khu vực bến, bãi đậu xe phải đảm bảo an toàn cho việc xe ra, vào trong quá trình xuất nhập hóa chất.
5. Tổ chức, cá nhân sử dụng, xử lý hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Địa điểm, khu vực có diễn ra các hoạt động sử dụng, xử lý hóa chất phải bảo đảm điều kiện về an toàn và an ninh hóa chất;
b) Các yêu cầu tại điểm b, điểm c khoản 1 của Điều này.
Điều 60. Yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động hóa chất
1. Yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất hóa chất
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ đại học trở lên về hóa học;
b) Người lao động có liên quan đến hoạt động sản xuất hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất phù hợp với nhiệm vụ được phân công.
2. Yêu cầu về chuyên môn trong kinh doanh hóa chất
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ trung cấp trở lên về hóa học;
b) Người trực tiếp quản lý, người lao động trực tiếp liên quan đến hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
3. Yêu cầu về chuyên môn trong tồn trữ hóa chất
a) Tại các kho, bãi tồn trữ hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ cao đẳng trở lên về hóa học;
b) Người trực tiếp quản lý, người lao động có liên quan tồn trữ hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.
4. Yêu cầu về chuyên môn trong việc vận chuyển hóa chất
a) Người trực tiếp quản lý, điều phối phương tiện, người điều khiển phương tiện, người lao động có liên quan việc bốc dỡ, bảo quản, vận chuyển hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất;
b) Người tham gia vận chuyển, áp tải hóa chất phải được huấn luyện an toàn vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động sử dụng, xử lý hóa chất
a) Tổ chức, cá nhân sử dụng, xử lý hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ trung cấp trở lên về hóa học, trừ trường hợp sử dụng hóa chất cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt thiết yếu hoặc sử dụng không vì mục đích thương mại;
b) Người lao động có liên quan đến hoạt động sử dụng, xử lý hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất phù hợp với nhiệm vụ được phân công.
Điều 61. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về bảo đảm an toàn, an ninh hóa chất
1. Duy trì điều kiện về an toàn và an ninh hóa chất theo các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan trong quá trình hoạt động hóa chất.
2. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định máy, thiết bị vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải, phương tiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.
Điều 62. Khoảng cách an toàn
1. Địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này phải bảo đảm khoảng cách an toàn tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt.
2. Tổ chức, cá nhân không được xây dựng nhà ở và công trình xây dựng khác trong phạm vi khoảng cách an toàn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Khoảng cách an toàn được xây dựng trong các quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Mục 2. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT
Điều 63. Huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất
1. Việc huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất thực hiện theo quy định của Luật này, Luật An toàn, vệ sinh lao động và luật khác có liên quan.
2. Nội dung, thời lượng huấn luyện và năng lực của người huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất phải tuân thủ các yêu cầu đặc thù do Chính phủ quy định.
Điều 64. Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Trách nhiệm xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
a) Tổ chức, cá nhân vận hành cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc danh mục được quy định tại Điều 65 của Luật này có nghĩa vụ xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
b) Trong trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi phạm vi hoạt động của cơ sở hóa chất làm thay đổi hoạt động hóa chất đã được phê duyệt trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức, cá nhân phải sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
2. Thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
a) Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong hoạt động dân sự theo phân cấp của Chính phủ;
b) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực an ninh;
c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng;
d) Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được thẩm định đồng thời với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án;
đ) Trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.
3. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ báo cáo, cập nhật Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc ban hành lên hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất, trừ trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh.
4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt Kế hoạch; phân cấp thẩm định, phê duyệt Kế hoạch trong hoạt động dân sự.
Điều 65. Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Căn cứ vào đặc tính nguy hiểm của hóa chất, quy mô sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, sử dụng hóa chất, Chính phủ ban hành Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Điều 66. Xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Nghĩa vụ xây dựng Biện pháp
a) Tổ chức, cá nhân vận hành cơ sở hóa chất nguy hiểm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 có nghĩa vụ xây dựng và ban hành Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất, đặc tính của hóa chất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương;
b) Trong trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi phạm vi hoạt động của cơ sở hóa chất làm thay đổi hoạt động hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp nhưng không thuộc đối tượng phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương;
c) Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất nguy hiểm có nghĩa vụ xây dựng và ban hành Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển và lưu giữ theo phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển.
2. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ báo cáo, cập nhật Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành lên hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất, trừ trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 67. Nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phải có các nội dung sau đây:
a) Thông tin về đặc tính, khối lượng, công nghệ sản xuất, sử dụng hóa chất, đặc điểm điều kiện địa lý, dân cư, môi trường nơi có hoạt động hóa chất;
b) Dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và kế hoạch kiểm tra, giám sát các nguồn nguy cơ sự cố hóa chất;
c) Dự báo tình huống xảy ra sự cố hóa chất và các giải pháp phòng ngừa;
d) Năng lực ứng phó sự cố hóa chất bao gồm trang thiết bị, nhân lực, kế hoạch phối hợp với các lực lượng tại địa phương, kế hoạch sơ tán người, tài sản;
đ) Phương án khắc phục hậu quả sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phải có các nội dung sau đây:
a) Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao;
b) Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
c) Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển phải có các nội dung sau đây:
a) Thông tin về phương tiện vận chuyển, thông tin về hóa chất nguy hiểm được vận chuyển;
b) Kế hoạch kiểm tra, giám sát phương tiện vận chuyển và các giải pháp phòng ngừa sự cố hóa chất;
c) Dự báo tình huống xảy ra và các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
d) Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
Điều 68. Thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành.
2. Hằng năm, khi cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục quy định tại Điều 65 của Luật này tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trong hoạt động dân sự thì có nghĩa vụ thông báo việc tổ chức diễn tập đến cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 69. Trang thiết bị, lực lượng ứng phó sự cố hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ bảo đảm năng lực ứng phó tại chỗ, đầu tư hệ thống trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô và đặc tính nguy hiểm của hóa chất.
2. Lực lượng ứng phó tại chỗ phải thường xuyên được huấn luyện, thực hành các phương án ứng phó sự cố hóa chất.
3. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy, lực lượng khác và cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm năng lực, trang thiết bị để ứng phó sự cố hóa chất.
Điều 70. Trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
1. Phân cấp sự cố hóa chất
a) Sự cố hóa chất cấp cơ sở là sự cố hóa chất có phạm vi nằm trong địa giới của cơ sở hoạt động hóa chất và cơ sở hoạt động hóa chất có đủ khả năng, điều kiện để ứng phó;
b) Sự cố hóa chất cấp một là sự cố hóa chất vượt quá phạm vi cơ sở hoạt động hóa chất hoặc vượt khỏi khả năng, điều kiện ứng phó của cơ sở hoạt động hóa chất và nằm trong phạm vi của 01 đơn vị hành chính cấp huyện;
c) Sự cố hóa chất cấp hai là sự cố hóa chất vượt quá phạm vi của 01 đơn vị hành chính cấp huyện hoặc vượt khỏi khả năng, điều kiện ứng phó của cơ sở hoạt động hóa chất, chính quyền địa phương cấp huyện và nằm trong phạm vi của 01 đơn vị hành chính cấp tỉnh;
d) Sự cố hóa chất cấp ba là sự cố hóa chất có phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc vượt khỏi khả năng, điều kiện ứng phó sự cố hóa chất của tỉnh nơi xảy ra sự cố.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc Danh mục quy định tại Điều 65 của Luật này phải cung cấp cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này để phối hợp ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất; trường hợp cơ sở hoạt động hóa chất nằm trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì còn phải cung cấp nội dung nêu trên cho Ban quản lý cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
3. Khi xảy ra sự cố hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải áp dụng kịp thời Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thông báo cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương nơi gần nhất để phối hợp ứng phó và khắc phục sự cố.
4. Khi xảy ra sự cố hóa chất cấp một, cấp hai hoặc cấp ba, trách nhiệm phối hợp ứng phó được quy định như sau:
a) Cơ sở hoạt động hóa chất phải kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Ban chỉ huy phòng thủ dân sự nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm kịp thời huy động lực lượng tại chỗ và áp dụng các biện pháp cần thiết khác, đồng thời điều động lực lượng thực hiện các biện pháp ứng cứu, sơ tán người, tài sản;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất; phải thông báo ngay cho Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và các cơ quan hữu quan khi vượt quá khả năng ứng phó để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành sự huy động người, tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật;
đ) Khi xảy ra sự cố, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải làm báo cáo về nguyên nhân, biện pháp ứng phó, khối lượng hóa chất bị thất thoát, hậu quả, phương hướng khắc phục sự cố gửi cho cơ quan quản lý ngành tại địa phương; đồng thời, cơ quan quản lý ngành tại địa phương có trách nhiệm tổng hợp thông tin, diễn biến sự cố, hiện trạng và kiến nghị về ảnh hưởng của sự cố đến con người và môi trường đến Bộ quản lý ngành.
Điều 71. Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh
1. Nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh bao gồm:
a) Tóm tắt đặc điểm, tình hình điều kiện tự nhiên, xã hội và đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố trên tới công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh;
b) Tổng quan về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Đánh giá tình hình sự cố hóa chất và năng lực ứng phó sự cố hóa chất của tỉnh;
c) Xây dựng các giải pháp phòng ngừa sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh;
d) Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh;
đ) Phương án khắc phục hậu quả do sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Kế hoạch triển khai, thực hiện kế hoạch phòng ngừa, diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, đánh giá hiện trạng hoạt động hóa chất trên địa bàn, xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh có sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trên địa bàn theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã được ban hành.
Chương VII. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN CHO CỘNG ĐỒNG
Điều 72. Trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất, liên quan đến hoạt động hóa chất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, an toàn lao động và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng
1. Tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hóa chất có các quyền sau đây:
a) Tiếp cận thông tin về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan;
b) Yêu cầu cơ sở hóa chất thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường;
c) Được bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do hoạt động hóa chất gây ra theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất;
đ) Tham gia ý kiến về biện pháp bảo vệ môi trường và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các dự án đầu tư cơ sở sản xuất, tồn trữ hóa chất nguy hiểm tại địa phương.
2. Tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hóa chất có các nghĩa vụ sau đây:
a) Báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn hóa chất;
b) Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục sự cố hóa chất.
Điều 74. Công khai thông tin về an toàn hóa chất
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến công khai cho cộng đồng dân cư nơi có cơ sở hoạt động hóa chất thông tin về an toàn hóa chất sau đây:
1. Biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Nội dung cơ bản của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất quy định tại Điều 67, trừ các thông tin bảo mật quy định tại Điều 51 của Luật này.
Điều 75. Trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê, phát hiện và thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về địa điểm, số lượng hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu tại địa phương mình.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.
4. Tổ chức, cá nhân có hóa chất độc tồn dư, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu chịu toàn bộ chi phí xử lý; trường hợp chi phí xử lý đã được lấy từ ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 5 Điều này thì tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ hoàn lại.
5. Trường hợp hóa chất độc không rõ nguồn gốc, hóa chất độc không xác định được chủ sở hữu hoặc hóa chất độc bị tịch thu nhưng chủ sở hữu không có khả năng tài chính để xử lý thì chi phí xử lý được lấy từ ngân sách nhà nước.
Điều 76. Trách nhiệm xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xác định nguồn, phạm vi tác động của chất độc tồn dư của chiến tranh; xây dựng kế hoạch xử lý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện kế hoạch xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh.
Chương VIII. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HÓA CHẤT
Điều 77. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hóa chất trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý hóa chất trong lĩnh vực được phân công; phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất trong phạm vi địa phương.
Điều 78. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công thương sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án về hóa chất; chương trình, hoạt động cấp quốc gia trong lĩnh vực hóa chất;
b) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất, nhập khẩu hóa chất cấm theo quy định của Luật này;
c) Quản lý hoạt động hóa chất; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, công bố Danh mục các hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm;
d) Tiếp nhận đăng ký và quản lý hóa chất mới;
đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hóa chất;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế về hóa chất.
2. Quản lý hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất; cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất.
3. Cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
4. Hướng dẫn phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm.
5. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, trình Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chiến lược.
6. Quản lý công tác an toàn hóa chất trong hoạt động dân sự; tổ chức việc thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong hoạt động dân sự theo phân cấp của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất.
7. Thanh tra, kiểm tra hoạt động hóa chất.
Điều 79. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
2. Ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
Điều 80. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm.
Điều 81. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này phù hợp với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an.
2. Quản lý công tác an toàn hóa chất trong lĩnh vực an ninh; chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực an ninh.
Điều 82. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này phù hợp với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.
2. Quản lý công tác an toàn hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng; chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng.
3. Là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 83. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm c, d, đ, e, g khoản 1, khoản 7 Điều 78 của Luật này trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Quản lý hoạt động thải bỏ, xử lý hóa chất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
3. Quản lý công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động hóa chất.
Điều 84. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này phù hợp với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Quản lý hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất.
3. Quản lý các phòng thí nghiệm đánh giá hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
Điều 85. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 7 Điều 78 của Luật này phù hợp với lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải; xây dựng, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
Điều 86. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động hóa chất tại địa phương theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách nhà nước, quỹ đất để đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các nhiệm vụ sau đây:
a) Căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung về phát triển công nghiệp hóa chất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển địa phương;
b) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương;
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ tồn trữ hóa chất, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện;
d) Thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong hoạt động dân sự theo phân cấp của Chính phủ.
Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 87. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư
1. Sửa đổi, bổ sung số thứ tự 45 của Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư như sau:
STT
NGÀNH, NGHỀ
45
Sản xuất, kinh doanh hóa chất, tồn trữ hóa chất trừ hóa chất bị cấm theo Công ước quốc tế về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
2. Bổ sung số thứ tự 228 vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư như sau:
STT
NGÀNH, NGHỀ
228
Hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất
Điều 88. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực từ ngày .... tháng ..... năm ....
2. Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 89. Điều khoản chuyển tiếp
1. Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chứng nhận đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và đáp ứng tiêu chí tại Điều 12 của Luật này thì được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện theo quy định của Luật này phải đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2026, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, 5 Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật này phải đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2026, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, 5 Điều này.
4. Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được cấp đến khi hết thời hạn của giấy phép.
5. Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động theo giấy chứng nhận đã được cấp đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.
6. Tổ chức, cá nhân vận hành cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất phải xây dựng Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật này trước ngày 31 tháng 12 năm 2027.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa ....., kỳ họp thứ .... thông qua ngày .... tháng ...... năm 2025.
 
    CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
 
 
 
Trần Thanh Mẫn
 
Không tìm thấy ý kiến nào
Không có mục thảo luận

Dự thảo Tờ trình Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Cơ quan ban hành: Bộ Công thương

Ngày ban hành:

Số hiệu:

Mô tả:

Tài liệu đăng tải lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

1.-to-trinh-du-thao-2--lay-y-kien.pdf
Không có tài liệu nào