Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).Nhiều vấn đề liên quan đến xác định bản chất hợp tác xã, phân định giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp, mức vốn góp tối đa của một thành viên, việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài thị trường… đã được các đại biểu thảo luận.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).
Nhiều vấn đề liên quan đến xác định bản chất hợp tác xã, phân định giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp, mức vốn góp tối đa của một thành viên, việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài thị trường… đã được các đại biểu thảo luận.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật, cho rằng cần ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

(Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Công Bình phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định dự thảo lần này đã tiếp cận đúng đắn. Định nghĩa Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp với nghị quyết của Đảng và toàn bộ nội dung đã tiếp cận với các tổ chức Hợp tác xã của thế giới nói chung.
Luật đã làm rõ vấn đề Hợp tác xã là của những người yếu thế, là những nông dân, cá thể tự sản xuất không lên được, những thợ thủ công không cạnh tranh nổi, là những người làm dịch vụ nhỏ lấy công làm lãi, người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp… trong cạnh tranh thị trường họ không thể tự cạnh tranh được. Luật ra đời nhằm tạo cơ chế, chính sách để bù lại một phần yếu thế của họ, để họ cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Nếu doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận cho người chủ của nó thì Hợp tác xã là tối đa hóa lợi ích của xã viên, nguyên tắc quản trị là đối nhân chứ không đối vốn. Dự thảo Luật đã tiếp cận đúng vấn đề này - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, đại biểu Cao Đức Phát (Đắk Lắk) cho rằng bản chất của Hợp tác xã đối nhân là chính là chứ không phải theo vốn góp là chính.
Các đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Trần Thị Phương Khanh (Long An) cho rằng bản chất Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ do thành viên có nhu cầu và lợi ích chung tự nguyện lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu lợi ích chung đó với mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho từng thành viên thông qua việc cung ứng cho thành viên về sản phẩm dịch vụ, hoặc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho thành viên một cách hiệu quả hơn so với việc để từng thành viên đơn lẻ.

Chu Thanh Vân/TTXVN