Nên trả việc định giá cả về cho thị trường

Nên trả việc định giá cả về cho thị trường là ý kiến được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) góp ý thẳng thắn tại hội thảo lấy ý kiến cho dự án Luật Giá được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7-6.

Theo ông Đinh Dũng Sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, mục tiêu làm luật này là nhằm ổn định giá cả thị trường. Thế nhưng tổ soạn thảo cần hết sức cân nhắc khi  Điều 6 nêu: “Căn cứ định giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước mà phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Với các căn cứ nêu tại điều này thì DN, cá nhân kinh doanh có phải tuân theo hay không? Nếu bắt buộc DN phải chấp hành quy định này thì yếu tố thị trường là đâu? Mặt khác, nếu điểm này bắt buộc thì Nhà nước có đủ năng lực để giám sát hay không? Đó là những vấn đề mà ông Sĩ cho rằng dự án quá viển vông, cần phải cân nhắc khi luật hóa.

Ông Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải VN, cho hay Điều 6 nêu sáu căn cứ định giá mới chỉ phù hợp với việc định giá của Nhà nước. Hiện các hàng hóa trên thị trường không áp dụng sáu căn cứ này thì có phạm luật không? Thực tế có 90% hàng hóa trên thị trường không tuân theo các căn cứ này. “Ba tháng trước tôi có đi mua chiếc đèn đọc sách, một cửa hàng niêm yết giá 1,1 triệu đồng, một cửa hàng khác cùng hệ thống cách đó một con phố thì niêm yết giá có 550.000 đồng. Rõ ràng, mặt hàng này tuân theo cơ chế thị trường, DN được quyền tự do định giá, chào giá và người mua có quyền lựa chọn và chấp nhận giá. Nhà nước chỉ có quyền định giá với một số mặt hàng mà Chính phủ còn kiểm soát giá, quản lý giá mà thôi. Còn về lâu dài, quyền này cũng nên trả về cho thị trường” - ông Đức khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh dược Việt Nam, mỗi sản phẩm có chu kỳ giá vì lúc cao trào thì bán giá nào, lúc thoái trào thì bán giá nào, cái này do thị trường điều tiết chứ không thể dùng bàn tay của Nhà nước được.

Góp ý cho dự thảo luật, ông Vũ Đình Ánh, viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng, dự thảo luật hơi tham khi đặt ra các nguyên tắc định giá, theo đó vừa đảm bảo yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo lợi ích khi quản lý nhà nước cũng như yêu cầu hội nhập… Vì vậy, rất khó thực hiện. Chẳng hạn, để định giá, căn cứ vào giá thị trường trong nước đã khó rồi, thêm căn cứ vào giá thế giới càng “kinh khủng” hơn; lại cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp – được xem xét đánh giá như thế nào? Hay như liên quan đến quy định về bình ổn giá, dự thảo luật cũng chưa làm rõ bình ổn giá là giá cả ổn định hoặc ít biến động hay nâng giá lên một mức mới rồi giữ ở đó một thời gian (như với giá điện, xăng dầu) cũng là bình ổn? Ông Ánh không đồng tình việc thành lập quỹ bình ổn giá, bởi ngân sách phải “ôm” quá nhiều nhiệm vụ mà hiệu quả không cao.

Vụ trưởng vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Phạm Tuấn Khải cũng chung quan điểm. Theo ông, nguyên tắc định giá trong dự thảo luật giá có quá nhiều mục tiêu (ông Khải cho rằng đây cũng là lỗi mà nhiều dự án luật khác thường mắc phải). “Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu trong căn cứ định giá như vậy liệu doanh nghiệp có thực hiện được không? Nếu không thực hiện được thì đặt ra để làm gì”, ông Khải đặt vấn đề. Theo ông, cần cân nhắc lại các quỹ bình ổn giá hiện nay, mà theo kinh nghiệm các nước, các quỹ này phải được hình thành từ nguồn đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp thay vì Nhà nước bỏ tiền ra như ở Việt Nam.

Luật sư Vũ Xuân Tiền, giám đốc công ty tư vấn VFAM Việt Nam, góp ý: dự thảo có quy định doanh nghiệp phải kê khai giá, niêm yết giá, song không quy định phải bán đúng giá niêm yết, như vậy doanh nghiệp hoàn toàn có thể niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo. Ông đề nghị bổ sung thêm hành vi chào giá hoặc báo giá cho người tiêu dùng quá cao, bất hợp lý trong trường hợp người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác đồng thời bỏ quy định cấm áp dụng phân biệt về giá khi cung cấp cùng một loại hàng hoá, dịch vụ cho các tổ chức cá nhân khác nhau bởi quy định này không thực tế, khi mà người mua khác nhau về số lượng, cự ly vận chuyển, thời gian thanh toán, mức độ tín nhiệm, thậm chí kể cả quan hệ cá nhân giữa hai bên mua – bán.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, phó tổng giám đốc ngân hàng Hàng hải, cần xem lại “căn cứ định giá” bởi căn cứ này chỉ áp dụng với những hàng hoá, dịch vụ phải định giá. Với đa phần hàng hoá, dịch vụ còn lại, theo ông, quy định này không cần thiết. Với quy định về điều chỉnh giá tăng hoặc giảm chỉ được thực hiện khi các yếu tố hình thành giá hoặc quan hệ cung cầu thay đổi, ông Đức cho rằng cũng không hợp lý bởi điều đó liên quan đến rất nhiều yếu tố khác như chiến lược thị phần, tiếp thị, giải quyết hàng tồn đọng… “Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, người kinh doanh thực thi chứ không nên đặt ra những yêu cầu viển vông, xa vời, chỉ áp dụng với một vài doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng đa số “phạm luật” do các quy định thiếu thực tế”, ông Đức nhấn mạnh.

Tổng hợp/Dự thảo Online