Nên điều chỉnh mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi với người gửi tiền khi xảy ra rủi ro
- 03/11/2011
Cần phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi
Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi để góp phần tăng niềm tin và hạn chế rủi ro cho người gửi. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho biết: Nội dung của Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi phần nhiều là quy định những quy tắc chung, như vậy chưa hợp lý mà cần phải quy định cụ thể cách xử lý những vi phạm; cần phải nêu chế tài cụ thể đối với từng hành vi vi phạm cụ thể; phải cụ thể hóa khi phân định, nếu không sẽ bị chồng chéo giữa các cơ quan khi xử lý chế tài.
Đại biểu Vũ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng: Thực tế hiện nay, việc tích trữ vàng trong dân ngày càng lớn. Để huy động nguồn vốn này trong dân, cần có các tổ chức tín dụng để huy động. Để Luật Bảo hiểm tiền gửi thực sự có được sự thu hút thì các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho nhân dân.
Đại biểu Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, cần quy định loại tiền nào được bảo hiểm tiền gửi. Luật pháp đang quy định vàng và đô la cũng là tài sản, tại sao chúng ta không mở rộng thêm đô la và vàng vào đối tượng bảo hiểm? Có như vậy mới thu hút được đông đảo người dân tham gia, huy động được vốn từ nhân dân trong loại tài sản này.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến đối với cơ quan giám sát bảo hiểm tiền gửi. Đại biểu Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, tại Dự thảo luật thì bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Thực tế, nếu đã để Ngân hàng Nhà nước quản lý thì mô hình giảm thiểu rủi ro cũng nên giao cho Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm.
Đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội (đoàn Yên Bái) cho rằng: Nếu để cho cơ quan giám sát bảo hiểm tiền gửi là Ngân hàng Nhà nước quản lý, vừa là cơ quan công bố số liệu doanh thu và hạn mức bảo hiểm tiền gửi hàng năm thì sẽ dẫn đến hiện tượng có thể họ tự kê khai không đúng với thực tế. Vì vậy, cần phải có cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi là các cơ quan kinh tế trực thuộc Nhà nước hoặc Kiểm toán Nhà nước.
Cùng với quan điểm trên, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế) nhấn mạnh: Cơ quan thanh tra, giám sát bảo hiểm tiền gửi phải là cơ quan thanh tra trực thuộc Nhà nước. Bởi vì nếu như để cho Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động bảo hiểm tiền gửi có thể dẫn đến hiện tượng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có sự thỏa thuận ngầm với Ngân hàng Nhà nước về hạn mức đóng phí bảo hiểm.
Còn đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) thì cho rằng, cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi nên giao cho cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quản lý, báo cáo thu, chi hàng năm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Trường hợp nếu xảy ra rủi ro, gặp sự cố nào liên quan đến bảo hiểm tiền gửi thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo ngay cho Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để có hướng giải quyết kịp thời.
Thảo luận về mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi với người gửi tiền khi xảy ra rủi ro, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng chia sẻ: Chính phủ cần điều chỉnh chi trả vì mức 50 triệu đồng không còn phù hợp và không an toàn trong bối cảnh hiện nay; do đó, đề nghị nâng mức chi trả lên khoảng 150-200 triệu đồng. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, kinh nghiệm ở các nước là mức chi trả thường cao hơn khoảng 1-2 lần thu nhập bình quân đầu người.
Sử dụng nước phải đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật cần đánh giá tổng quát về những lợi ích, nguồn tài nguyên nước mang lại cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), đồng ý với việc ra đời của Luật Tài nguyên nước vì thực tế, tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Tài nguyên này chỉ tập trung vào một số mùa nhất định. Nếu chúng ta không có phương án tích trữ thì sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên. Chúng ta cần phải có kế hoạch cho từng năm, từng thời kỳ; cần phải có đánh giá tác động và chính sách phân bổ và ý thức giữ gìn. Nước thì không có địa giới hành chính, nhưng cách quản lý thì cần có sự phân cấp, cần phải đưa vào trong luật trách nhiệm của các cơ quan khai thác nguồn nước.
Cũng theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, trước khi đi vào khai thác nguồn nước thì cần phải thẩm định hết sức nghiêm túc quy trình để khi đi vào khai thác không gây thiệt hại đến nguồn vốn và môi trường. Về nguyên tắc, khi sử dụng nguồn tài nguyên nước phải thanh toán phí sử dụng. Điều này cần phải được xã hội hóa theo chất lượng và số lượng sử dụng.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tính minh bạch, cụ thể của Dự án Luật chưa cao. Nước là tài nguyên đặc biệt thiết yếu cho nhu cầu đời sống nên phải khai thác hiệu quả, nhưng luật chưa chú ý nhiều đến miền núi, vùng hải đảo... là những nơi thường xuyên thiếu nước. Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm của cơ quan nào lập quy hoạch nước, giải quyết tranh chấp tài nguyên nước, việc thu tiền khai thác tài nguyên nước,…
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình, hệ thống giao thông, thủy lợi… nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác; sử dụng nước phải đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước./.