Một số vấn đề của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được tập trung thảo luận tại phiên họp lần thứ 6 của UBTVQH
- 25/03/2012
Ngày 22/3/2012, tại phiên họp lần thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi, thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại cuộc họp về dự án Luật Công đoàn sửa đổi, các ủy viên Ủy ban thường vụ quốc hội đã tập trung thảo luận các vấn đề về: Quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động nước ngoài tại Việt Nam; địa vị pháp lý của công đoàn; tài chính công đoàn.
- Quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài; loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật; trong trường hợp cần thiết thì giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
(Ảnh: Bình Minh, Báo Thanh niên Online)
Những quan điểm tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của người lao động nước ngoài cho rằng, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay có hàng chục ngàn lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, nếu họ được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để phúc đáp yêu cầu thực tế, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thì dự thảo Luật cần có quy định quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài.
Trái ngược với quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định quyền gia nhập công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Bởi vì, vấn đề người lao động nước ngoài luôn là vấn đề phức tạp nên pháp luật nhiều nước cũng không quy định quyền tham gia công đoàn của lao động là người nước ngoài. Việc quy định cho phép lao động là người nước ngoài tham gia công đoàn còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa... Hơn nữa, điều kiện quản lý nhà nước về lao động là người nước ngoài của ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật thì công đoàn có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung, không phân biệt người lao động là đoàn viên công đoàn hay không phải là đoàn viên công đoàn, lao động là người nước ngoài hay người Việt Nam. Trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của lao động là người nước ngoài bị xâm hại và họ yêu cầu thì công đoàn vẫn có trách nhiệm bảo vệ họ như đối với lao động là người Việt Nam.
2. Về địa vị pháp lý của công đoàn
Về địa vị pháp lý của công đoàn, đa số ý kiến phát biểu đều thống nhất khẳng định: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...
3. Về vấn đề tài chính công đoàn
Đa số các ý kiến đều tán thành với quy định hiện tại của dự thảo Luật. Khác với tổ chức chính trị khác, tổ chức công đoàn luôn gắn với người lao động, gắn với doanh nghiệp, cho nên các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến người lao động, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu: Ðoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng góp hằng tháng theo quy định của Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp tối đa bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; ngân sách Nhà nước hỗ trợ; kinh phí từ nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ của các tổ chức công đoàn quốc tế; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...