Một số quy định liên quan đến bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự thảo Luật Quảng cáo
- 22/04/2012
Những yếu tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ; tác động của việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đối với xã hội, gia đình, trẻ em; giải pháp cần thực hiện trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp để bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ trong đó có việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản, đề cao việc nuôi con băìng sữa mẹ và việc hạn chế sử dụng chất dinh dưỡng thay sữa mẹ trên các phương tiện thông tin đại chúng… là những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao tính khả thi, hiệu quả của chính sách nghỉ thai sản (dự kiến 6 tháng) được quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì dự thảo Luật Quảng cáo cũng cần phải có những quy định nhằm hạn chế/ cấm đối với hành vi quảng cáo hoặc lạm dụng quảng cáo về sản phẩm sữa hoặc thay thế sữa mẹ trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời triển khai Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030… Ngoài ra, những vấn đề về cơ hội tiếp cận việc làm và làm việc của lao động nữ trong khi nghỉ thai sản 6 tháng; thiếu sự hỗ trợ, tư vấn về việc nuôi con bằng sữa mẹ; việc tăng thời gian nghỉ thai sản ảnh hưởng đến thu nhập… cũng được đặt ra tại hội thảo này. Theo dự toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu việc điều chỉnh chế độ thai sản lên 6 tháng cùng với chính sách dân số vẫn được thực hiện như hiện nay thì quỹ Bảo hiểm xã hội về ốm đau thai sản bình quân chi/thu hàng năm là 92% - tức quỹ dự phòng còn 8%.