Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp

Trong 2 ngày 23-24/4, tại TP Huế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada tổ chức hội thảo “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp”.

Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Dương

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau 9 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng Hình sự  năm 2003 (Bộ luật TTHS) đã đạt được nhiều kết quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền dân chủ, quyền con người.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy Bộ luật TTHS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử còn theo nếp cũ, quá trình tố tụng diễn ra còn chậm chạp, kéo dài với những thủ tục tố tụng còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho việc áp dụng; chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan tố tụng chưa phân định rõ ràng... Đây là những vấn đề cần nghiên cứu, xem xét.

Ông Phan Trung Hoài (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết, tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự đã tăng, trong 5 năm từ 2007-2011, đội ngũ luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự.  Đây là cơ sở thực tiễn để chúng ta đưa ra các định hướng thúc đẩy và đảm bảo việc tranh tụng giữa kiểm sát viên và luật sư, bước đầu hình thành cơ chế phán quyết cho Toà án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Trên cơ sở đó, ông Phan Trung Hoài kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ LTTHS để nâng cao địa vị pháp lý của người bào chữa như nguyên tắc tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS; phải thay đổi địa vị pháp lý của người bào chữa như một chức danh tư pháp độc lập, bình đẳng về thẩm quyền và nghĩa vụ trong TTHS với những người tiến hành tố tụng; xử lý mối quan hệ các chủ thể thực hiện chức năng buộc và gỡ tội trong quá trình hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam.

Để hoàn thiện Bộ luật TTHS về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, ông Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương kiến nghị hình thành hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng, nhiệm vụ được xác định rõ ràng, có tính độc lập theo tính chất của chức năng tố tụng.

Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng VKS, Chánh án trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động tố tụng và trong tiến hành tố tụng đối với vụ án cụ thể; tăng quyền trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong quá trình tố tụng; đồng thời quy định rõ hậu quả tố tụng và trách nhiệm đối với việc vi phạm các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.

Thế Dương/Báo điện tử Chính phủ