Luật Thuế thu nhập cá nhân: Bất cập và lạc hậu?

Những thông tin giải trình về dự kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Bộ Tài chính công bố đã cho thấy vấn đề xây dựng luật thuế này có thể tiếp tục nằm trong vòng luẩn quẩn, chưa đảm bảo tính khoa học, thực tiễn cuộc sống như những lần ban hành trước đây. Hai vấn đề chính mà dự kiến sửa đổi lần này cho thấy sự bất cập và lạc hậu.

Thứ nhất, hiện nay chưa biết dự luật sửa đổi này có trình Quốc hội thông qua đúng như dự kiến khoảng tháng 10-2012 hay không, nhưng đến năm 2014 mới có hiệu lực (mà khoảng thời gian giữa lúc ban hành đến khi có hiệu lực càng cách xa nhau, tính hiệu quả và thực tiễn của những văn bản luật gắn chặt với sự thay đổi của đời sống xã hội kiểu như Luật Thuế TNCN này sẽ càng thấp). Bộ Tài chính dự liệu mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 6 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng vào thời điểm năm 2014 là quá lạc hậu. Căn cứ đưa ra dựa theo mức ước tính bình quân tăng trưởng GDP, chỉ số giá CPI… từ nay đến 2014 là con số quá lạc quan, khó có thể đạt được. Chẳng hạn đơn giản nhất là chỉ số giá CPI năm 2012 chắc chắn khó đạt mức dưới 2 con số (giá xăng tăng ngay đầu năm 2012 đã khiến các hàng hóa, dịch vụ ăn theo với tốc độ chóng mặt). Bên cạnh đó, đời sống của người dân gắn với thu nhập thường liên quan chặt chẽ với chỉ số giá CPI, đó là thước đo rõ ràng nhất giá trị của thu nhập. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc đã cách xa thực tế.

Chẳng hạn, một người làm công ăn lương hiện nay có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng sống tại Tp. Hồ Chí Minh đã không đủ chi tiêu (các chi phí: tiền thuê nhà 1,5 triệu; tiền ăn tối thiểu 2,4 triệu; tiền xăng xe, tiền điện, nước… khoảng 800.000 đồng) làm sao có tiền để nộp thuế được trong khi thực tế họ lại đang là đối tượng phải nộp thuế!? Đó là chưa nói việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 1,6 triệu đồng là quá xa so với nhu cầu tối thiểu.

Nhiều chuyên gia và những người trong cuộc cho rằng, bản thân mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN năm 2007 đã phi thực tế, khiến nhiều lần Quốc hội và Chính phủ phải giãn thuế, miễn thuế TNCN, thế nên dự kiến 6 triệu đồng giảm trừ gia cảnh này sẽ không thể khả thi.

Thứ hai, vòng luẩn quẩn của chúng ta khiến thường xuyên phải sửa luật đó là quy định các căn cứ, định mức chịu thuế quá cứng, không thể điều chỉnh tự động theo nền kinh tế và đời sống xã hội, thay vì quy định dựa theo chỉ số giá tiêu dùng CPI hoặc mức lương tối thiểu, thì chúng ta vẫn xác định một con số cụ thể. Giải thích rằng nhiều nước quy định như vậy, nhưng chúng ta lại không xét đến hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Vấn đề này nhiều chuyên gia kinh tế đã có ý kiến, đã khuyến nghị các nhà soạn thảo và làm luật sử dụng, nhưng dường như chưa được xem xét thỏa đáng. Giải pháp khoa học và tiện lợi nhất là quy định theo mức lương tối thiểu (đây là việc dễ thực hiện, phù hợp nhất với giá trị của thu nhập đối với đời sống của người nộp thuế, và chúng ta cũng đang hướng tới thống nhất về một mức lương tối thiểu chung cho cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp).

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh hợp lý nhất là 7 lần lương tối thiểu đối với người nộp thuế (tính theo hiện nay là 5,81 triệu đồng, đến 2014 dự kiến lương tối thiểu khoảng 1,65 triệu đồng thì mức giảm trừ này khoảng 11,55 triệu đồng) và 3 lần mức lương tối thiểu cho người phụ thuộc (tính theo hiện nay là 2,49 triệu đồng, đến 2014 dự kiến lương tối thiểu khoảng 1,65 triệu đồng thì mức giảm trừ này khoảng 4,95 triệu đồng). Vậy, nếu một người nộp thuế có một người phụ thuộc thì mức khởi điểm chịu thuế khoảng 10 lần mức lương tối thiểu là hợp lý. Việc quy định theo cách như vậy sẽ thuận lợi cho việc điều chỉnh thuế thu nhập dễ dàng, phù hợp với yêu cầu thực tế và không phải sửa luật thường xuyên.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần được xem xét là việc tính mức khởi điểm chịu thuế TNCN cũng cần có giải pháp để bám theo đặc thù đời sống xã hội ở từng vùng miền, giữa thành thị và vùng nông thôn, nhất là các đô thị lớn có mức chi phí xã hội, chi phí cho cuộc sống đắt đỏ như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… để đảm bảo mặt bằng chung tương đối phù hợp, không thể cào bằng như hiện nay. Bởi ai cũng biết rõ, chẳng hạn cùng mức thu nhập 4,5 triệu đồng, nhưng sẽ rất khó khăn nếu sống ở các đô thị lớn, trong khi đó vùng nông thôn sẽ dễ dàng hơn.

Đỗ Hào/Báo Công Lý