Luật Kiểm toán Nhà nước: Rút ngắn khoảng cách kiểm toán tại các đơn vị
- 28/02/2012
Theo PGS. TS Lê Huy Trọng, KTNN được thành lập năm 1994 theo Nghị định 70/CP ngày 11-7-1994 của Chính phủ. Giai đoạn 1994 - 2005, KTNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Từ 1-1-2006, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật KTNN. Hoạt động theo Luật, KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan (bộ, ngành Trung ương, địa phương), tổ chức quản lý tiền, ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước), đơn vị sử dụng tiền, tài sản nhà nước như doanh nghiệp Nhà nước.
Từ sau khi Luật KTNN có hiệu lực, trung bình mỗi năm KTNN thực hiện kiểm toán trên 100 cuộc, kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN của 60% số tỉnh, thành phố; báo cáo tài chính của 60% số bộ, ngành trung ương và 12% số DN Nhà nước do Trung ương quản lý (6/50 đầu mối). Khoảng cách bình quân giữa hai lần kiểm toán tại mỗi đơn vị được kiểm toán cũng đã rút ngắn. Giai đoạn từ khi thực hiện Luật KTNN hầu hết các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng công ty được kiểm toán 2-3 năm một lần; nhiều đơn vị được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo luật định như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kiểm toán, qua 5 năm hoạt động, Luật KTNN đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của KTNN. PGS TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội kế toán, kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần khẳng định KTNN là phương thức, công cụ kiểm soát, kiểm tra tài chính nhà nước. Hoạt động của KTNN phải thể hiện được quyền độc lập trong việc kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, ngân sách Nhà nước. Thứ hai, cần quy định cụ thể thẩm quyền bầu, bãi, miễn nhiệm Tổng KTNN để tăng tính độc lập và trách nhiệm của Tổng KTNN.
Bàn về cơ sở hiến định của KTNN, PGS.TS Phan Trung Lý Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, cơ sở để quy định về KTNN trong Hiến pháp phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí, vai trò của KTNN trong cơ cấu quyền lực nhà nước, tính độc lập của KTNN và mối tương quan giữa KTNN với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Theo PGS.TS Phan Trung Lý, có 2 phương án để thể hiện trong Hiến pháp về vấn đề kiểm toán. Thứ nhất là cần bổ sung nội dung vào một số, điều khoản của Hiến pháp. Thứ hai, cần bổ sung một số điều về KTNN vào Hiến pháp. PGS.TS Phan Trung Lý cho rằng phương án 1 là có tính tối thiểu, gọn, dễ thực hiện, tính khả thi cao./.