Luật Điện lực sửa đổi: xoay quanh vấn đề giá điện

Tiếp tục phiên họp thứ 7, chiều ngày 17/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Các quy định liên quan đến giá điện là nội dung được quan tâm thảo luận.

Điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt. Việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực bao gồm một số nội dung chính như: Bỏ quy định việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh; bổ sung quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí; bổ sung một số nội dung về điều tiết hoạt động điện lực…

1. Về vấn đề giá điện

- Có ý kiến đề nghị Nhà nước không can thiệp vào giá điện, mà để thị trường tự điều chỉnh để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như vừa gian qua.

- Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, bổ sung thêm vào khoản 1a Điều 29 Luật Điện lực, với lý do: Thứ nhất, thực tế hiện nay giá bán điện đang thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh, nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào. Vì vậy, chưa khuyến khích đầu tư vào ngành điện. Thứ hại, với quy định như trên sẽ bảo đảm cho giá bán điện được điểu chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước.
Ngoài ra, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ như luật hiện hành không còn phù hợp, bởi theo cơ chế thị trường thì giá điện luôn biến động. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 1 và 2 Điều 31 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân...

Đồng tình quan điểm này, nhưng có ý kiến cho rằng, phải làm rõ Nhà nước điều tiết bằng công cụ gì hay là công cụ hành chính? Mặt khác, không thể để cơ chế độc quyền lấn át, làm mờ nhạt vai trò nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị đẩy giá lên rất cao. Chính phủ phải quy định giá bán lẻ bình quân, không để ảnh hưởng nền kinh tế, đến đời sống.

- Cũng về vấn đề này, Dự thảo quy định, căn cứ lập, điều chỉnh giá điện là Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các loại phí (phí điều độ, vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện). Thường trực Ủy ban KH CN&MT cho rằng, cần làm rõ quy định về kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước khi tham gia kiểm toán các đơn vị điện lực. Mặt khác, những chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối điện rất cần có sự giám sát của cơ quan chức năng, nhằm bảo đảm mức giá điện phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng điện.

- Ngoài ra có ý kiến phân vân về việc nên để giá điện nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn hay trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ phải định giá? để tránh không có giá độc quyền, không tạo ra lợi nhuận độc quyền

2. Về vấn đề quy hoạch phát triển điện

Đa số ý kiến đề nghị bỏ quy định liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện, vì quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã bao hàm quy hoạch điện lực cấp huyện và sự hạn chế về năng lực xây dựng, thẩm định quy hoạch của cán bộ chuyên ngành cấp huyện. Tuy nhiên, cần lưu ý việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch trong đó có nội dung đầu tư mạng lưới phân phối và truyền tải điện trong phạm vi các huyện.

3. Về các loại giá và phí

Đa số ý kiến cho rằng cần xem xét lại tính hợp lý của các loại giá và phí vì với việc có quá nhiều loại giá và phí theo quy định của dự thảo sẽ đẩy giá điện lên cao. Theo Dự thảo luật điện lực sửa đổi, khi sử dụng điện, người tiêu dùng phải chịu các loại giá, phí gồm khung giá phát điện; giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá bán buôn; phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều tiết hoạt động điện lực.

Điều tiết các hoạt động điện lực là công việc quản lý nhà nước là trách nhiệm của Bộ Công thương chứ không phải là hoạt động cung cấp dịch vụ nên khoản thu này trái với Luật phí và lệ phí

Dự thảo Online Tổng hợp