Luật điện lực: quá lỗi thời
- 18/10/2011
Luật điện lực hiện nay chưa định rõ được chức năng quản lý nhà nước và điều tiết điện lực của Cục điều tiết.
Băn khoăn về tính khả thi
Tại hội thảo xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo sửa đổi lại tăng quyền quá nhiều cho Cụ điều tiết.
Đơn cử như dự thảo luật cho phép cơ quan điều tiết điện lực được thông qua hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và mua điện, như vậy có thể vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật dân sự, là tự do thỏa thuận giữa các đơn vị kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Khoa, trưởng ban pháp chế Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho rằng, nếu cơ quan điều tiết điện lực thông qua những hợp đồng mua bán điện như vậy, khi có xảy ra sai sót trong hợp đồng thì đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính?
Nếu để một cấp của cơ quan nhà nước thông qua giao dịch kinh tế giữa các doanh nghiệp, thì liệu quy định đấy đã thực sự phù hợp với nguyên tắc giao dịch hợp đồng hay chưa? Theo Luật điện lực hiện hành, do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý nên đã có rất nhiều các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ. Do đó cần có cơ chế phạt chủ đầu tư hay nhà thầu chậm tiến độ.
Vẫn theo ông Khoa, quy định về việc cơ quan điều tiết điện lực thông qua những hợp đồng mua bán điện giữa các cơ quan phát điện và mua điện, là nội dung ban soạn thảo đưa ra với lý do bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người sử dụng điện. Tuy nhiên với quy trình như vậy đã vi phạm Luật dân sự là quy tắc tự do thỏa thuận giữa các đơn vị kinh tế.
“Tôi băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của những quy định này, vì nếu như phải thông qua cơ quan điều tiết điện lực thì khi xảy ra sai sót, ai sẽ là người giải quyết hậu qủa, trách nhiệm chính ở đây là ai khi cơ quan nhà nước đã xây dựng từ mẫu hợp đồng, khung giá phát điện hiện tại, biểu phí cụ thể, trong khi các đơn vị phát điện hay mua điện đều phải căn cứ theo quy định pháp luật để thực hiện”, ông Khoa nói.
Không nên tăng thêm quyền
Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TKV (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam) cho biết, theo luật sửa đổi bổ sung, cơ quan điều tiết điện lực là cơ quan trực thuộc chính phủ, trong khi luật cũ vẫn quy định Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Nếu cơ quan điều tiết được thành lập theo hướng này thì luật điện lực cũ cũng phải sửa đổi, nếu không sẽ có 2 cơ quan quản lý nhà nước cùng hoạt động, cùng điều chỉnh hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Khi quyết định cơ quan điều tiết điện lực là trực thuộc chính phủ, như vậy cơ quan điều tiết điện lực chỉ cấp giấy phép cho các đơn vị phát điện truyền tải phân phối điện có đấu nối vào lưới điện quốc gia, các đơn vị bán buôn, bán lẻ điện, đối với việc cấp phép cho các đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát thi công thì thuộc vào lĩnh vực đầu tư. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước từ chiến lược, quy hoạch, thẩm định, phê duyệt. Bộ cũng biết và giải quyết được hoạt động của các đơn vị này như thế nào, ở cấp độ nào là chấp nhận được.
“Tôi nghĩ Bộ Công Thương là đơn vị làm vấn đề cấp phép chứ không thể là cơ quan điều tiết điện lực. Cụ thể sau này Bộ Công Thương phân cho ai là quyền của Bộ Công Thương”, ông Thảo đề xuất.
Trong dự thảo luật này có một quy định khiến ông Khoa còn băn khoăn, đó là việc các đơn vị điện lực phải trình cơ quan điều tiết doanh thu cho phép của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.
Theo ông Khoa, đây là một trong những điều quy định về giá điện và các biểu phí đã quy định vấn đề doanh thu, liệu tính chủ động của một đơn vị hoạt động điện lực là cơ quan quản lý nhà nước lại quyết định cả doanh thu của một đơn vị thì điều này có hợp lý hay không.
Cũng theo dự thảo luật điện lực, cơ quan điều tiết điện lực sẽ quyết định giá bán buôn, bán lẻ điện thay vì Thủ tướng Chính phủ phải phê duyệt như hiện nay.
Luật Điện lực đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004, và có hiệu lực từ ngày 1/7/2005./. Sau sáu năm thi hành, bên cạnh những đóng góp lớn mang tính bước ngoặt, Luật Điện lực còn bộc lộ những hạn chế nhất định, gây khó khăn trong thực tiên thi hành. |