Luật Công đoàn năm 1990: Cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Sáng 18.12.2007, tại TP.Vũng Tàu, Trưởng ban Pháp luật Tổng LĐLĐVN Lê Thanh Khương và ngài Joerg Bergstermane - Trưởng đại diện Viện FES (CHLB Đức) tại VN đã chủ trì hội thảo với cán bộ chủ chốt của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, TCty, LĐLĐ một số huyện và CĐCS trọng điểm phía nam, để làm rõ "Luật Công đoàn (CĐ) năm 1990 - thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện", nhằm kiến nghị QH chỉnh sửa cho phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường.

 

Luật Công đoàn năm 1990:

Cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

 

Luật Công đoàn năm 1990: Cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễnSáng 18.12.2007, tại TP.Vũng Tàu, Trưởng ban Pháp luật Tổng LĐLĐVN Lê Thanh Khương và ngài Joerg Bergstermane - Trưởng đại diện Viện FES (CHLB Đức) tại VN đã chủ trì hội thảo với cán bộ chủ chốt của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, TCty, LĐLĐ một số huyện và CĐCS trọng điểm phía nam, để làm rõ "Luật Công đoàn (CĐ) năm 1990 - thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện", nhằm kiến nghị QH chỉnh sửa cho phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường.

Tiên quyết phải sửa...

Theo ông Lê Thanh Khương, CĐ là tổ chức đầu tiên có luật điều chỉnh: Chỉ 2 năm sau khi giành độc lập (1947) Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 29 quy định quyền của những người làm công và dành trọn một chương nói về quyền CĐ. Sau đó, QH đã thông qua Luật CĐ năm 1957 - đạo luật đầu tiên của Nhà nước kể từ CM Tháng 8.1945.

Tới thời kỳ đổi mới, QH lại thông qua Luật CĐ năm 1990 với những quan điểm phù hợp cơ chế nhiều thành phần kinh tế theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết của hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi Luật CĐ phải tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với vai trò của tổ chức CĐ về thực hiện chức năng bảo vệ NLĐ trong nền kinh tế thị trường.

Nhấn mạnh ý nghĩa này, ngài Joerg Bergstermane nói: Gần đây, nhiều CĐ ngành VN đã liên kết với CĐ ngành thế giới; Tổng LĐLĐVN cũng đang chuẩn bị thành lập CĐ ngành dệt may để xây dựng thoả ước lao động cấp ngành nhằm giải quyết quyền lợi chung của đông đảo NLĐ. Việc này cũng đã được Thủ tướng VN bàn bạc thống nhất với tổ chức CĐ hồi đầu năm 2007. Muốn thực hiện được mục tiêu trên, VN nhất thiết phải sửa Luật CĐ để đảm bảo "tính thời sự hoá", mới có chỗ dựa bảo vệ quyền lợi NLĐ trong cơ chế thị trường. Luật gia Lê Đình Quảng - Chuyên viên Ban PL Tổng LĐLĐVN thì lập luận: Căn cứ để ban hành Luật CĐ 1990 là Hiến pháp năm 1980.

Tuy nhiên, đến nay Hiến pháp đã sửa hai lần (1992 và 2001); hàng loạt đạo luật khác liên quan trực tiếp đến NLĐ như Bộ luật Lao động 1994, Luật Đầu tư, Luật DN 2005... đều ban hành sau Luật CĐ và đã được sửa đổi bổ sung (thậm chí BLLĐ sửa 3 lần) cho phù hợp thực tiễn, nhưng Luật CĐ vẫn "giậm chân tại chỗ"! Vì vậy, các đại biểu đồng kiến nghị lên QH: "Tiên quyết sửa Luật CĐ".

...và sửa tổng thể

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích: Về kỹ thuật lập pháp, Luật CĐ 1990 đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh một cách cụ thể, rõ ràng, nhất quán (CĐ là gì và trước hết là của ai - đang được ghi nhận theo lối tư duy cũ, không còn phù hợp với yêu cầu của CNLĐ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập).

Đã thế, chức năng, nhiệm vụ và quyền của CĐ chưa được xây dựng theo một tiêu chí rõ ràng, nên không đảm bảo tính thống nhất và logic; nhiều chế định diễn đạt bị lẫn lộn, trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Nhiều thuật ngữ sử dụng không chính xác, không phù hợp với các thuật ngữ pháp lý hiện hành. Thiếu các cơ chế bảo đảm thi hành, đặc biệt là các chế tài pháp lý cụ thể đối với các hành vi vi phạm quy định của Luật CĐ...

Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi, làm cho Luật CĐ mất khả năng đi vào cuộc sống, gây trở ngại lớn đến quyền thành lập và gia nhập CĐ của đông đảo NLĐ! Chính vì thế, hiện có tới 85% số DN dân doanh, 65% số DN FDI chưa có tổ chức CĐ. Bàn về quyền đại diện của CĐ, các đại biểu xác định: Trên thực tế, quyền này ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, còn chất lượng và hiệu quả đại diện chưa cao, chưa phát huy tốt vai trò "duy nhất" đại diện NLĐ.

Vì vậy, tỉ lệ DN có thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở khu vực ngoài quốc doanh thấp (khoảng 20%); chất lượng TƯLĐTT cũng kém, ít có sự thương lượng và "hiếm" các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Đặc biệt, quyền đại diện của CĐ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân có đông người tham gia và đại diện trước toà án... vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bởi các lẽ trên, các đại biểu đồng kiến nghị QH bổ sung việc sửa Luật CĐ 1990 vào chương trình nhiệm kỳ khoá XII và có kế hoạch sửa tổng thể nhằm đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn khách quan và yêu cầu nhiệm vụ mới của tổ chức CĐVN sau khi Hội nghị T.Ư 6 ban hành nghị quyết về giai cấp CN.

 

Báo Lao Động/http://www.laodong.com.vn