Luật An toàn vệ sinh lao động: Cần một quy chuẩn
- 13/07/2012
Theo nhận định của Cục An toàn lao động, hiện nội dung về Luật An toàn vệ sinh lao động được quy định trong quá nhiều văn bản luật của các Bộ, ngành khác nhau như trong Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn, Luật Hợp tác xã… và nhiều văn bản do Chính phủ ban hành. Các văn bản này tuy khá đầy đủ, nhưng phân tán, tạo ra một hệ thống phức tạp, chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh lao động chỉ mang tính chất chống đối, dẫn đến số vụ tai nạn lao động ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng về an toàn vệ sinh lao động thống nhất về một mối là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
“Hiện Bộ luật Lao động chỉ quy định đối tượng thụ hưởng là những hoạt động lao động có quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động, và các mối quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. Trong khi đó, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động lại liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên như: người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ là gia đình hoặc làng nghề, nông dân, diêm dân, lao động tự do… không có giao kết hợp đồng lao động. Khi xảy ra tai nạn những đối tượng này hoàn toàn không được hưởng chế độ, gây thiệt thòi cho người lao động. Trong khi họ đều là công dân, đều là lao động, họ phải được hưởng quyền lợi như nhau…” – Ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch VOSHA lo ngại nói.
Ngoài ra, các quy định trong Bộ luật Lao động chủ yếu mới tập trung vào những yêu cầu đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý và các chế độ chính sách cho người bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp… Trong khi, nhiều nội dung quan trọng về an toàn vệ sinh lao động lại chưa được quy định hoặc không quy định rõ. Do đó, cần thiết phải xây dựng một luật riêng quy định tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động, để người lao động thực sự được đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Việc nghiên cứu xây dựng Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng tách ra từ Bộ luật Lao động để xây dựng thành một luật riêng như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Người cao tuổi… sẽ làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng liên quan nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành… góp phần làm cho khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam ngày càng trở lên mạnh mẽ hơn. Mặt khác, việc tách thành Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động cũng không ảnh hưởng đến kết cấu và tính chất của Bộ luật Lao động hiện hành.
Theo ông Lương để Luật An toàn vệ sinh lao động đi vào thực tiễn, thiết thực, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm xây dựng và triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động của Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng cục An toàn lao động, Bộ lao động thương binh và Xã hội cho biết, hiện người lao động phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng trở lên cấp thiết. Do đó, việc xây dựng Luật an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ người lao động ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng luật cần phải chỉ rõ những tồn tại, yếu kém và hạn chế của Luật Lao động. Qua đó, đúc rút kinh nghiệm thực tế, tiến tới xây dựng một Luật An toàn vệ sinh lao động hợp chuẩn, đầy đủ…/.