Lại thêm những kiến nghị không phù hợp trong dự thảo Luật Thủ đô
- 05/07/2012
Đánh giá tổng quan quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật Thủ đô, cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội) lý giải: để giải quyết những bức xúc xung quanh vấn đề tập trung quá đông dân cư mà Hà Nội và các thành phố lớn khác hiện đang phải đối mặt, dưới góc nhìn chính trị - pháp lý, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế - kỹ thuật và giải pháp về hành chính - pháp lý.
Tuy nhiên, việc lựa chọn giải pháp về hành chính - pháp lý trong quản lý dân cư là vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân, nên cần nghiên cứu, cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố có tác động, ảnh hưởng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cấp thiết; tồn tại, hạn chế về mặt pháp luật; định hướng chính trị của Đảng và nhà nước. Ban soạn thảo cũng cho rằng cần tham khảo thêm kinh nghiệm quản lý dân cư ở một số nước trên thế giới.
Tại hội thảo chuyên đề về quản lý dân cư quy định trong dự thảo Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 2/7, nhiều kiến nghị siết chặt quản lý dân cư lại gây “sốc”, vừa trái với Hiến pháp, vừa không phù hợp xu thế đô thị hóa hiện nay.
Nội dung chính quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật Thủ đô (Điều 21) là quy định điều kiện đăng ký thường trú rất chặt chẽ đối với công dân đang tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú hiện hành. Nhiều kiến nghị tiếp tục muốn thắt chặt việc đăng ký hộ khẩu.
Cụ thể, việc đăng ký thường trú ở nội thành của công dân đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú.
Ngoài ra, dự thảo luật còn dự kiến quy định thêm điều kiện "phải có thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định hoặc có việc làm ổn định nếu đang trong độ tuổi lao động". Nếu quy định như trên là trái với quyền tự do cư trú ghi rõ trong Hiến pháp 1992 và Luật Cư trú. Thứ nhất, việc tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 3 năm hay 5 năm là không có cơ sở. Thứ hai, việc quy định “nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú” càng cho thấy sự phi lý.
Trong thời gian tạm trú, người đi thuê, ở nhờ phải phụ thuộc vào chủ nhà, người cho thuê, cho ở nhờ, dù muốn cũng không có điều kiện tạm trú dài hạn tại một địa chỉ. Nhiều người vì điều kiện công tác cũng phải di chuyển chỗ tạm trú nhiều lần. Do đó, chỉ cần quy định như hiện hành, chỗ ở tạm trú tại thành phố thuộc Trung ương là đủ, chứ không thể khắt khe như vậy.
Ngoài ra, việc dự thảo luật còn dự kiến quy định thêm điều kiện "phải có thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định hoặc có việc làm ổn định nếu đang trong độ tuổi lao động” cũng cho thấy sự phi lý, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Khái niệm thế nào là cuộc sống ổn định, thế là nào việc làm ổn định chưa được giải nghĩa, trong khi đó việc đăng ký thường trú vốn không liên quan đến thu nhập và việc làm.
Thực ra, những vấn đề mà Hà Nội muốn đưa vào Luật Thủ đô như nêu trên là chuyện từng được đưa vào dự thảo luật lần trước. Quan điểm vì quá tải dân cư nên siết chặt hộ khẩu đã định hình từ lâu nhưng do quy định này trái với Hiến pháp và trái xu thế phát triển tất yếu quá trình đô thị hóa, nên Luật Cư trú năm 2006 đã thể hiện rất thông thoáng, cụ thể hóa quyền tự do cư trú của công dân.
(Giảm tải sức ép dân cư Thủ đô phải coi trọng giải pháp kinh tế - xã hội chứ không phải thắt chặt quản lý hành chính_Ảnh minh họa)
Theo đạo luật này, cơ quan Nhà nước cần phải hiểu bản chất của hộ khẩu là để Nhà nước quản lý tốt hơn dân cư chứ không phải hộ khẩu là “bảo bối” của người dân. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu cho dân để thực hiện tốt việc quản lý, còn người dân có quyền được đăng ký hộ khẩu. Hiểu rõ bản chất quyền và nghĩa vụ như vậy, hàng loạt quy định “ăn theo” hộ khẩu đã được Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ ngay sau khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành.
Chính vì các quy định về quản lý dân cư thiếu cơ sở khoa học, xa rời thực tiễn khách quan nên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khoá XII đã có báo cáo thẩm tra chi tiết, phản bác quan điểm của ban soạn thảo. Những tưởng việc bị Quốc hội bác dự án luật là kinh nghiệm quý giá để ban soạn thảo thay đổi quan niệm về hộ khẩu. Tuy nhiên, sau nhiều lần chỉnh lý, dự án luật “mèo lại hoàn mèo” khi dự luật lại tiếp tục đưa vấn đề siết chặt nhập cư vào dự luật.
Trong một số dự thảo, ban soạn thảo lại định đưa việc quản lý dân cư ra khỏi luật, để “Chính phủ quy định chi tiết”. Cách làm như vậy tất yếu không được Quốc hội chấp thuận, bởi đó thực chất là đẩy vấn đề nóng ra ngoài để “né” Quốc hội, còn lại “luật khung”!