Họp Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ
- 28/01/2012
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, lãnh đạo các bộ ngành tham dự cuộc họp.
Phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ (Ảnh Chinhphu.vn)
Báo cáo tình hình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Đến ngày 13/1/2012, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã nhận được 115 Báo cáo tổng kết và Báo cáo chuyên đề của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã được xây dựng hoàn chỉnh, nội dung bám sát hướng dẫn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Công tác tổng kết Hiến pháp 1992 được xem là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương và đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng các cơ quan Trung ương và Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ các địa phương. Về cơ bản, các báo cáo tổng kết đều được hoàn thành đúng thời hạn và chất lượng tốt, tuy nhiên, một số bộ ngành, địa phương còn chậm gửi báo cáo.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về 34 kiến nghị liên quan đến những nội dung cần kế thừa và sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 1992. Các kiến nghị này tập trung vào 7 nhóm vấn đề, trong đó nổi bật và đậm nét nhất là các kiến nghị về tổ chức bộ máy thực hiện quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, về quyền con người, quyền công dân…
Các kiến nghị liên quan đến Chính phủ đều nhằm xây dựng một Chính phủ hành pháp mạnh mẽ, một hệ thống hành chính Nhà nước thông suốt, được phân công rành mạch và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, có đủ quyền năng và công cụ hiến định để thực hiện quyền hành pháp và tham gia hiệu quả vào các hoạt động lập pháp, tư pháp theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan. Hệ thống hành pháp, hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, Chính phủ, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo trước nhân dân và trước Quốc hội.
Dự thảo Online (Tổng hợp)