Hội thảo về pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
- 29/03/2012
(Hội thảo về Pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự - Ảnh Chinhphu.vn)
Pháp lệnh Cơ quan điều tra hình sự 2004 sau khi được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2006, 2009, đã phát huy được hiệu quả to lớn trong lĩnh vực điều tra tội phạm. Tuy nhiên, đến nay Pháp lệnh này cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đồng thời, nhiều tội phạm mới xuất hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi công tác điều tra phải có sự đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Do đó, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 20 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong đó, đưa Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vào chương trình nghị sự nhằm thay thế Pháp lệnh Cơ quan điều tra hình sự.
Để phục vụ cho việc nghiên cứu, thẩm tra dự án luật này trong thời gian tới, ngày 29/3, tại Thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp cùng Dự án Hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAP III) tổ chức hội thảo về Pháp luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Trong thời gian 2 ngày làm việc, từ 29-30/3, các đại biểu tham dự Hội thảo tham gia góp ý, đề xuất những vấn đề liên quan đến: tổ chức hoạt động và điều tra ở nước ta; cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức và thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra trong công an nhân dân; vai trò của công an cấp xã trong việc thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu… Đồng thời đưa ra kiến nghị về nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên; việc giám sát của Quốc hội, HĐND đối với hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định: “Hội thảo là một cơ hội tốt để chúng ta tập trung trao đổi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, làm rõ và sâu sắc hơn các khía cạnh pháp lý và thực tế của vấn đề. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, thẩm tra và xem xét thông qua dự án luật trong thời gian tới”./.