Hội thảo Lấy ý kiến về dự thảo Luật xuất bản, in và phát hành tại Thành phố Hồ Chí Minh
- 25/03/2012
Dự thảo Luật xuất bản, in, phát hành lấy ý kiến lần này gồm 5 chương 49 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến các vấn đề: cần quy định cụ thể những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành; về sản phẩm điện tử, sách kỹ thuật số; về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản Nhà xuất bản; …
Ảnh: HTD, nguồn: Báo Pháp luật thành phố
Về tên dự án Luật
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, tên dự thảo Luật nên giữ nguyên là “Luật xuất bản” vì ngành in và phát hành là một dạng hoạt động kinh doanh riêng, đã chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp. Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng đồng ý với ý kiến này và lý giải “Ngành in có đặc thù là ngành cần công nghệ. Theo dự án luật, không một doanh nghiệp nào đáp ứng được các yếu tố như luật định, chủ đầu tư nhìn vào luật cũng sẽ sợ vì thấy in cái gì cũng cần có giấy phép”.
Về giấy phép phát hành ấn phẩm
Theo một số đại biểu tham dự Hội thảo, Dự thảo Luật mới quy định cả việc in bao bì cũng phải cấp phép là quá rộng. Đại diện Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM phân tích: “Dự án luật tập quyền tất cả việc cấp phép vào cấp trung ương nên chắc chắn sẽ xảy ra chuyện xin cho, giấy phép con. Điều này sẽ xảy ra nghịch lý là chuyện gì cấp trung ương cũng cấp phép, song khi xảy ra sự cố lại kêu cấp địa phương”.
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách Fahasa phát biểu: “Theo luật hiện hành, các nhà xuất bản chỉ báo cáo, xin cấp phép cho kế hoạch năm. Dự án luật ghi Bộ cấp phép trên từng xuất bản phẩm, như vậy sẽ rất khó cho ngành xuất bản”.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, thời hạn cấp phép cho ngành xuất bản, in và phát hành là quá ngắn. Bà Phan Thị Việt Thu, đại diện Hội Luật gia TP.HCM cho rằng Dự thảo Luật quy định thời hạn giấy phép cho ngành xuất bản, in và phát hành chỉ kéo dài 5 – 10 năm là không hợp lý vì với quy định này thì nhiều trường hợp, Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng chưa thu hồi được vốn thì đã bị ngưng giấy phép.
Về các hành vi bị cấm trong xuất bản
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề nghị làm rõ việc cấm xuất bản tạp chí dưới hình thức giấy phép sách trá hình. Hiện nay nhiều tạp chí Hàng Hiệu, Đàn Ông, Her World, Sành Điệu… đang lưu hành bằng giấy phép in sách. Đây là một lỗ hổng lớn trong luật. Vì để ra mắt một tạp chí, điều kiện xin giấy phép khác biệt ấn phẩm sách. Sức truyền thông, ảnh hưởng của một tờ tạp chí cũng phức tạp và khác biệt hẳn một quyển sách. Song những dạng tạp chí trá hình ấn phẩm sách vẫn lách luật ra đời.
Bên cạnh đó, đại diện Hội Nhà báo cũng đề nghị dự thảo luật quy định cấm quảng cáo trên sách cụ thể hơn và cấm ra sách định kỳ dạng tạp chí hình ảnh.
Về ấn phẩm điện tử
Đa số đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng, Luật Xuất bản, in, phát hành cần đề cập nhiều hơn, kỹ càng hơn đến loại hình sách điện tử, sách kỹ thuật số. Và nên xem sách điện tử là đối tượng điều chỉnh trong Luật Xuất bản, in, phát hành sửa đổi.
Theo các doanh nghiệp, sách điện tử, sách kỹ thuật số hiện là vấn đề “nóng” nhất trên thị trường xuất bản, liên quan đến vấn đề bản quyền và việc xuất bản, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách. Lý giải cho vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Fahasa Phạm Minh Thuận cho rằng, nhiều loại thiết bị điện tử hiện nay đều có chức năng đọc sách và dễ dàng cài đặt các phần mềm đọc sách để sao chép miễn phí hàng nghìn tác phẩm, tiểu thuyết, truyện, tất cả đều không có bản quyền, như một máy iPad có thể chép cả nghìn truyện. “Một cơ sở in lậu chỉ sai phạm một vài cuốn sách, tên sách, đằng này các máy điện tử như iPad chép cả nghìn tên sách nhưng không thể xử lý. Sách in lậu cũng có thể đối phó vì chúng vẫn phải được bán ra thị trường, nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in, còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có gì để chế tài, trong khi đó lại là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hướng đến hoạt động của thị trường xuất bản, phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách và xuất bản,” ông Phạm Minh Thuận chia sẻ.
Do đó, theo các doanh nghiệp, xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường và phải có các biện pháp chế tài, xử lý các vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử.